"3 điều không, 4 điều cần" trong mùa lạnh để tránh đột tử, có thói quen xấu nhiều người mắc
Trong số những thói quen gây hại cho sức khỏe mùa đông thì uống rượu, tập thể dục quá sớm là điều rất nhiều người mắc. Nếu không thay đổi, nguy cơ đột quỵ, thậm chí đột tử rất cao.
Vào mùa đông, tỷ lệ người bị đột quỵ cao hơn so với mùa hè, PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - GĐ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết nguyên nhân là do thời tiết lạnh dễ làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn. Ngoài ra, môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh sẵn dễ bị đột quỵ hơn.
Đặc biệt, những người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Sự thay đổi lớn về nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ, gây đột quỵ. Nhất là một số người có thói quen xấu trong mùa đông, rất dễ gây đột quỵ.
Đột quỵ rất dễ xảy ra với những người bị cao huyết áp, tim mạch trong mùa đông. (Ảnh minh họa)
3 thói quen không nên thực hiện vào mùa đông
Bất kể là người trẻ hay người cao tuổi có sẵn các bệnh lý tim mạch, huyết áp cũng cần phải từ bỏ những thói quen không tốt trong mùa đông. Trong đó, 3 thói quen dễ gây đột tử nhất là:
- Uống rượu để ấm người lên: PGS Duy Tôn khuyến cáo với những người bị cao huyết áp nói riêng và người dân nói chung cần bỏ ngay thói quen uống rượu, nhất là quan điểm cho rằng mùa đông uống rượu để ấm người. Khi uống rượu trong thời tiết giá lạnh cộng thêm việc mặc quần áo không đủ ấm sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Khi đó các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến, đột quỵ và nguy cơ tử vong (đột tử) rất cao. Uống rượu còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác như ngộ độc, là nguyên nhân mắc các bệnh như dạ dày, gan, các bệnh liên quan đường tiêu hóa…
- Không tập thể dục quá sớm: PGS.TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao cho biết người cao tuổi thường tập thể dục rất sớm, trong cả mùa đông và mùa hè. Đây là thói quen không tốt cần bỏ, nhất là trong mùa đông. Người có các bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh trong lúc tập thể dục thể thao dưới thời tiết lạnh hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao.
“Khi tập luyện thể thao dưới trời lạnh sẽ làm giãn mạch ngoại vi, tăng tuần hoàn ngoại vi, dẫn đến giảm tuần hoàn trung tâm, gây thiếu máu, thiếu oxy tổ chức mô tim, não dẫn đến đột quỵ", PGS Kha cảnh báo.
Không chỉ người cao tuổi, mà người trẻ tắm lạnh, tắm muộn vào mùa đông cũng có nguy cơ đột tử. (Ảnh minh họa)
- Không tắm gội nước lạnh và tắm khuya: Mùa đông nếu tắm, đặc biệt gội đầu bằng nước lạnh rất nguy hiểm, nhất là ở nơi không kín gió. Điều này dễ gây phản ứng co mạch máu đột ngột, gây cơn tăng huyết áp kịch phát, rất nguy hiểm đối với người có bệnh lý nền tăng huyết áp, suy tim, dị dạng mạch máu não.
PGS Tường Kha cũng khuyến cáo người dân không nên tắm khuya vì việc tắm quá muộn không chỉ mùa đông, mà cả trong mùa hè cũng rất dễ bị đột tử. “Việc tắm nước lạnh, nhất là tắm khuya có thể gây co mạch ngoại vi làm tăng tuần hoàn trung tâm, tăng lưu lượng máu, tăng áp lực tuần hoàn trung tâm, hệ tim mạch chưa thích nghi kịp gây vỡ những điểm yếu mạch hoặc vỡ các dị dạng mạch bẩm sinh gây ra tình trạng đột quỵ, thậm chí là đột tử”, ông Kha cho hay.
4 việc cần làm để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông
Để bảo vệ sức khỏe, nhất là với những người có tiền sử tim mạch, cao huyết áp có nguy cơ xảy ra đột quỵ trong mùa đông, PGS Võ Tường Kha lưu ý:
- Vận động phù hợp trong mùa lạnh: Không tập thể dục quá sớm, khi vận động không nên gắng sức, khi cơ thể thấy mệt nên nghỉ ngơi. Những ngày lạnh kèm mưa phùn có thể luyện tập tại nhà.
Cần có chế độ ăn uống lành mạnh để phòng bệnh mùa đông. (Ảnh minh họa)
- Giữ ấm cơ thể: Bất cứ ai cũng cần phải giữ ấm cơ thể, nhất là trẻ nhỏ và người già. Các bộ phận cần giữ ấm nhất là tai mũi họng, đặc biệt cần giữ ấm bàn tay, bàn chân. Buổi sáng trước khi ra khỏi giường nên vận động nhẹ để cơ thể làm quen với môi trường.
- Duy trì chế độ ăn, sinh hoạt lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại hạt, nên ăn nhiều cá, ít thịt... Tất cả mọi người cần phải lưu ý uống nhiều nước trong mùa đông. Trong sinh hoạt gia đình, hạn chế nơi có gió, nhất là vào buổi sáng mới ngủ dậy.
- Kiểm soát tốt bệnh nền: Những người mỡ máu cao, tăng huyết áp… cần quản lý tốt bệnh lý mình mắc phải. Không tự ý dừng thuốc, dù cảm thấy khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường thì người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn như lời khuyên của bác sĩ.
Tin cùng chuyên mục
Ăn chuối vào bữa sáng có giảm cân không? Tác động bất ngờ với cơ thể khi bạn ăn chuối buổi sáng
6:47 | 29/05/2022
Chuối rất ngon và tốt cho sức khỏe. Chúng chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu và có lợi cho tiêu hóa, tim mạch. Với nhiều lợi ích như vậy, có nên ăn chuối vào bữa sáng?
Hệ thống cửa hàng mẹ bầu và em bé An Ú - Shop mẹ và bé uy tín chất lượng
12:00 | 24/05/2022
“Mua hàng ở An Ú, mình hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như giá cả” - đó là những chia sẻ rất xúc tích của chị Đinh Thảo - 27 tuổi ở Bắc Ninh.
Nongshim và kế hoạch trong tương lai ở thị trường Việt Nam
16:08 | 23/05/2022
Mì Shin Xào sản phẩm mới ra mắt của Nongshim hứa hẹn gây bão ở thị trường Việt Nam trong tương lai gần
Ảnh-Video-Emagazine
'Nhân tố' gây sốt tại 'Chị đẹp đạp gió 2024' sống trong căn hộ đập thông 300m2
Cơ ngơi này rộng 330m2, được đập thông từ hai căn hộ liền nhau.