8 cách giúp người cao tuổi tự chăm sóc trong mùa dịch COVID-19 và phòng tránh biến chủng Omicron

15:22 | 31/12/2021

Những nguyên tắc vàng để người cao tuổi có thể tránh được nguy cơ mắc COVID-19 bao gồm: Rửa tay thường xuyên, hạn chế tối đa ra ngoài, tiêm đủ liều vaccine, chú ý dinh dưỡng, dùng thuốc an toàn, hợp lý, duy trì vận động và tập luyện tại nhà để tăng cường

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn từ ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E Trung ương.

Trong cơn bão của đại dịch COVID-19, người cao tuổi (trên 60 tuổi) thuộc nhóm dễ bị tổn thương, dù đã được tiêm 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ bị bệnh trở nặng. Đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh nền chưa được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, phổi, tim mạn tính, ung thư…

Bên cạnh đó, ở người cao tuổi, sự lão hóa tự nhiên của cơ thể sẽ gây nên nhiều biến đổi bao gồm cả sự lão hóa của hệ thống miễn dịch, làm suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm. Sự xuất hiện của tình trạng suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm sẽ làm cho virus khi xâm nhập vào cơ thể người lớn tuổi sẽ sao chép và nhân lên nhanh chóng, tấn công dễ dàng hơn vào các cơ quan đặc biệt là ở phổi so với người trẻ tuổi.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân trong cơn bão của đại dịch COVID-19, các chuyên gia y tế khuyến cáo người cao tuổi (trên 60 tuổi) nên thực hiện những điều sau:

1. Tiêm đủ vaccine COVID-19

Người cao tuổi cần đảm bảo tiêm đủ tối thiểu 3 mũi vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Đặc biệt trong giai đoạn "Thích ứng an toàn" và làn sóng siêu biến chủng Omicron đang dần chiếm lĩnh hiện nay, người già cần tránh tâm lý lo sợ vaccine thiếu an toàn hoặc cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền không thể tiêm được.

Người già cần được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

WHO khuyến cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 là phản ứng bình thường của cơ thể trong quá trình đáp ứng miễn dịch sau tiêm. Trường hợp xuất hiện biến chứng nặng là rất hiếm gặp, trong khi lợi ích mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều. Các nghiên cứu cho thấy người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên được tiêm 2 liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 giảm 94%.

Cho tới nay tỷ lệ biến chứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở nhóm người trên 60 tuổi được chứng minh lại càng hiếm gặp hơn rất nhiều so với nhóm người trẻ dưới 40 tuổi, nên người cao tuổi hãy yên tâm đi tiêm vaccine COVID-19. Dù là bệnh nền gì, khi đang ổn định đều có thể tiêm vaccine COVID-19. Nếu không thể di chuyển được, nhân viên y tế cũng có thể đến tận nhà để tiêm phòng.

2. Giữ vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thời gian tối thiểu 30 giây. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, sau đó hãy rửa lại.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch và khử trùng các bề mặt, đồ vật thường chạm vào (tay nắm cửa, điện thoại...) bằng dung dịch cồn 70% - 80%.

- Hạn chế tối đa việc ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

- Nếu buộc phải ra ngoài, luôn luôn đeo khẩu trang (lưu ý sử dụng khẩu trang đúng cách). Nếu có thể hãy đeo 2 khẩu trang kết hợp kính chống giọt bắn, luôn ý thức giữ khoảng cách khi tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

- Khi đi thang máy để tránh ngón tay tiếp xúc trực tiếp lúc ấn nút có thể sử dụng khăn giấy, bỏ vào thùng rác sau khi ra khỏi thang máy.

- Khi về nhà, hãy rửa tay ngay lập tức trước khi làm bất cứ việc khác. Sau đó hãy cởi bỏ khẩu trang, thay quần áo... rồi mới chạm vào người khác và đồ vật xung quanh.

- Bảo đảm môi trường sinh hoạt trong gia đình thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tránh sử dụng điều hòa…

Luôn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.

3. Duy trì vận động, tập luyện thường xuyên tại nhà

Trong mùa dịch, thay vì ngồi xem ti vi quá nhiều, người cao tuổi cần đều đặn duy trì vận động tại nhà. Ngoài những thú vui như chăm sóc vật nuôi, cây cảnh, cá cảnh, làm vườn... có rất nhiều bài tập dễ thực hiện, thuận tiện, không tốn kém cho người cao tuổi như:

- Các bài tập thăng bằng, tập khỏe cơ: Tập 3 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút.

+ Nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7-15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 hiệp.

+ Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn.

+ Các bài tập thăng bằng: Đứng mũi chân chạm gót, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân.

+ Có thể tự làm các tạ tay nặng từ 0,5kg-2kg bằng cách cho đỗ, ngô, sỏi... vào trong các chai, lọ.

- Các bài tập duy trì sức bền (đạp xe lực kế, bước tại chỗ): Tập duy trì 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần.

- Tập các bài suối nguồn tươi trẻ, thái cực quyền, dịch cân kinh, thiền… hàng ngày, thời gian 30 - 60 phút/ngày.

- Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người cao tuổi thường bị suy giảm. Có thể chia ngắn các buổi tập 10-15 phút/ buổi đối với người cao tuổi yếu hơn. Khi tập người cao tuổi vẫn có thể vừa nói chuyện được là mức độ tập vừa với sức.

Người già nên có chế độ tập luyện khoa học để nâng cao sức khỏe.

4. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để nâng cao thể trạng

- Người cao tuổi cần chú ý ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng (1.700- 1.900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh. Thực hiện nghiêm túc chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo bệnh lý nền của mình, nhưng tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo, vì sẽ làm cho cơ thể thiếu chất gây suy yếu hệ miễn dịch.

- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tránh thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước hằng ngày (tối thiểu 2 lít/ngày).

- Nói không với thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu, bia).

- Ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, nếu ăn uống không đủ, cần uống thêm 1 - 2 cốc sữa bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày.

5. Kiểm soát tốt các bệnh nền mãn tính

- Tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn, không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài.

- Người cao tuổi cần tìm hiểu, tư vấn bác sĩ về các kiến thức y học để tự theo dõi, phát hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, cao huyết áp, đột quỵ não... Khi thấy bệnh nền có dấu hiệu trở nặng cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, tránh tâm lý lo ngại.

Người cao tuổi nên kiểm soát tốt các bệnh nền để chủ động phòng ngừa COVID-19.

6. Kiểm soát tâm lý, giữ vững tinh thần trong mùa dịch

Đại dịch COVID-19 còn gây nên những tác động tâm lý ở người cao tuổi. Đặc biệt, trong thời gian qua, các thông tin về COVID-19 như thiếu thực phẩm, máy thở, thuốc men, bác sĩ, bệnh viện, tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi chưa tiêm vaccine, có bệnh nền... có thể khiến người cao tuổi căng thẳng, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và con cháu.

Thêm vào đó, khi thực hiện các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19" người cao tuổi hầu như vẫn chỉ ở trong nhà, khu chung cư, ít giao lưu với bên ngoài, ít vận động… thậm chí cả điều kiện kinh tế eo hẹp cũng đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.

Để vượt qua những tác động tâm lý do đại dịch gây ra, người cao tuổi có thể lưu ý đến các lời khuyên sau:‏ ‏

- Lo lắng và sợ hãi trong đại dịch COVID-19 là điều bình thường, người cao tuổi cần biết cách nói ra những cảm xúc của mình sẽ giúp giảm bớt phiền muộn.‏ Hiểu rằng khi mình đã tiêm được 2 - 3 mũi vaccine phòng COVID-19 nếu không may thành F0 thì sẽ không triệu chứng, hoặc bị nhẹ, xác suất phải nhập viện và bị nặng là rất thấp, từ đây người cao tuổi sẽ luôn giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ.

- Giới hạn khung giờ cập nhật, tiếp xúc thông tin COVID-19 mỗi ngày, lựa chọn các thông tin tích cực.‏ Hãy chắc chắn cập nhật những thông tin mới nhất về COVID 19 từ các nguồn đáng tin cậy (báo, đài chính thống, truyền hình trung ương, địa phương).

- Khi thấy bản thân xuất hiện những biểu hiện khác thường dưới đây, người cao tuổi cần thông báo cho người thân để tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm điều trị kịp thời, tránh kéo dài khiến bệnh nặng, khó điều trị:

+ Thay đổi tâm lý: Mệt mỏi, lười biếng, kích động, tức giận, mất phương hướng, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn với con cái, bối rối, buồn bã, lo lắng, bất lực, quá khích….

+ Khó ngủ, chán ăn, khó làm việc nhà hàng ngày, khó chăm sóc bản thân và con cái, thiếu động lực, cô đơn, đau đầu kéo dài, căng cơ, thiếu năng lượng.

Người cao tuổi cần kiểm soát tâm lý, giữ vững tinh thần trong mùa dịch.

7. Chuẩn bị tinh thần nếu không may bị COVID-19/cách ly

- Cần có sẵn thông tin, số điện thoại trạm y tế xã phường, bác sỹ hiện đang chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi để được tư vấn khi cần thiết.

- Hãy lưu số điện thoại của người thân, hàng xóm.

- Dự phòng người chăm sóc khi cần. Nếu không có người chăm sóc, cần báo với chính quyền địa phương để được giúp đỡ khi cần.

- Chuẩn bị các vật dụng thiết yếu (thức ăn, thuốc thiết yếu, thuốc trị bệnh hàng ngày, nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo độ bão hòa Oxy đầu ngón tay SpO2...). Đọc kỹ, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe người bệnh COVID-19 tại nhà.

- Tự cách ly và tránh tất cả các hình thức tiếp xúc. Nếu trở thành F0 hãy thông báo cho tất cả những người đã tiếp xúc trong 7 ngày qua. Cách ly không đồng nghĩa với việc cắt đứt hết các giao tiếp xã hội, cần giữ liên lạc với người thân, tạo sự thoải mái khi thực hiện cách ly.‏

- Người cao tuổi cần học cách nhận biết các triệu chứng chính của COVID19 ở giai đoạn đầu (thường nhẹ) và theo dõi tình hình sức khỏe của mình, các triệu chứng gồm: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất hoặc thay đổi khứu giác/vị giác, đau họng, ho khan, khó thở, nôn, tiêu chảy.

- Ngay khi biết mình là F0 hãy ngay lập tức dùng các thuốc tăng đề kháng, vitamin sau:

1. Anaferon (kháng thể gắn với Interferon gamma ở người): Là thuốc tăng đề kháng giúp chống lại virus, uống 7 viên/ngày trong 3 - 5 ngày đầu, sau đó 4 viên/ ngày trong 5 - 7 ngày tiếp theo, khi ổn định hẳn uống 2 viên/ ngày, xem hướng dẫn sử dụng.

2. Berocca hoặc Plusssz Max (vitamin tổng hợp, loại nhiều kẽm): Uống 1- 2 viên/ ngày, sau ăn sáng - trưa, dùng 2 tuần, người tăng huyết áp nên dùng 1 viên/ ngày.

3. Thymomudulin loại 80mg, 120mg (thuốc tăng cường hệ miễn dịch): Uống 240mg/ ngày, sau ăn, dùng 2 tuần. Trẻ em có Thymomudulin loại 60mg, liều 60 - 180mg/ ngày.

4. Thuốc chống oxy hóa: Glutathione 500mg, uống 2000mg/ ngày trong 3 - 5 ngày đầu, uống 1000mg/ ngày trong 5 - 7 ngày tiếp theo, khi ổn định hẳn uống 500mg/ ngày, sau ăn, dùng 2 tuần.

Vitamin E 400mg, uống 1 viên/ ngày, trong bữa ăn sáng.

Trường hợp làm test nhanh kháng nguyên SARS- COV-2 dương tính cũng nên dùng các thuốc tăng đề kháng trên cho tới khi có kết quả xét nghiệm Real Time - PCR.

Những người suy giảm miễn dịch sau đây khi chưa tiêm đủ 3 liều cơ bản nên dùng các thuốc trên ở liều thấp (Anaferon 1 - 2 viên/ngày, Thymomudulin 80mg - 120mg/ngày, Glutathione 500mg/ngày, thời gian từng đợt 1 - 3 tháng) để dự phòng nguy cơ nếu trở thành F0, gồm: Người ghép tạng, ghép tủy xương, bệnh lý máu ác tính, các bệnh khác phải dùng thuốc ức chế miễn dịch/Coritocid/ kháng CD20 (rituximab..) hàng ngày.

Ngay khi biết mình là F0, người cao tuổi hãy dùng các thuốc tăng đề kháng, vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng để kịp thời báo nhân viên y tế: Khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%); Đau tức ngực thường xuyên, tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức (lú lẫn, lơ mơ...); Rất mệt/ mệt lã; Tím nhợt môi, da xanh, tím lạnh đầu ngón tay, ngón chân...

- Kết hợp tăng cường luyện tập tại phòng cách ly, trên giường tùy theo điều kiện bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, dưỡng sinh. Nếu không may bị COVID-19 cần lưu ý thường xuyên, kiên trì tập thở, tập vận động.

- Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế, khoa đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp. Thực hiện cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

- Nếu người cao tuổi nghi ngờ mình bị lây nhiễm hoặc nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất hoặc Đường dây nóng của Bộ Y tế (1900 3228/1900 9095) để được hướng dẫn thêm và xét nghiệm tầm soát COVID-19.

8. Các bài tập thở, tập vận động chủ động khi bị COVID-19 (thể nhẹ hoặc sau xuất viện)

- Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi từ từ thở ra cho tới hết khả năng.

- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên. Sau đó thở ra chúm môi đồng thời bụng hóp lại.

Người cao tuổi nên tập các bài tập thở, tập vận động chủ động khi bị COVID-19.

- Kỹ thuật ho hữu hiệu: Người bệnh thở chúm môi khoảng 5 – 10 lần giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa. Tròn miệng, hà hơi 5 – 10 lần, tốc độ tăng dần: Giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản. Ho: Hít vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần, lần 1 nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.

- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát (hít thở nhẹ nhàng 20 - 30 giây). Căng giãn lồng ngực (hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 - 3 giây, thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3 - 5 lần). Hà hơi (hít thật sâu, nín thở 2 - 3 giây, tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài ho nếu có thể, lặp lại 1 - 2 lần).

- Tập thở với bóng hỗ trợ: Hít vào thật sâu, nín thở sau đó ngậm miệng thổi ra thật hết sao cho quả bóng càng căng càng tốt. Sau đó tháo toàn bộ hơi trong quả bóng ra, lặp lại động tác trên.

- Tập vận động chủ động:

+ Những người bệnh có thể tự vận động trong phòng cách ly: Tập vận động tự do tứ chi, các động tác đứng lên, ngồi xuống, duỗi thẳng chân ra sau, nâng chân lên, đi lại trong phòng nhiều vòng, chạy tại chỗ nếu có thể… Tập vận động ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút trở lên.

+ Những người bệnh không thể đứng, có thể ngồi hoặc nằm thực hiện các động tác: Nâng cao tay, co duỗi cẳng tay, duỗi chân, nâng cao chân, co duỗi cẳng chân và nâng mông… thực hiện ít nhất 2 lần/ngày. Mỗi động tác lặp lại 8-12 lần tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.