Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu hiệu quả khi bị rắn độc cắn

10:43 | 23/09/2020

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức nhấn mạnh việc thực hiện sơ cứu ban đầu và chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong xử trí rắn cắn.

Sáng 23/9, bác sĩ Trần Minh Khoa - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đơn vị này đã cứu sống một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ (lại rắn cực độc) cắn. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến tử vong.

Trước đó, ngày 19/8, anh N. P. T., 43 tuổi, ra vườn nhà hái rau để chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình thì bất ngờ cảm thấy đau nhói ở bàn tay trái. Anh vội rút tay lại thì thấy ngón tay giữa của mình có 2 lỗ nhỏ chảy máu, trông giống vết cắn của rắn nên anh và gia đình đã lục tìm khắp vườn, xác định xem "con vật" nào đã cắn mình.

Sau khoảng 10 phút truy tìm thì người nhà anh bắt được một con rắn lục đuôi đỏ là loại rắn cực độc trong số các loại rắn lục với mình xanh và có đuôi màu đỏ. Ngay lập tức, anh được người nhà buộc dây garo vùng bị cắn và đưa đến Bệnh viện quận Thủ Đức.

Bác sĩ trao đổi với người nhà bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngay khi xác định được loại họ rắn và qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có tổn thương tại chỗ nặng. Đó là vết cắn vùng ngón tay sưng, phù nề lan đến giữa cẳng tay. Bác sĩ trực cấp cứu đã nhanh chóng xử trí bằng cách dùng kháng sinh và rửa vết cắn ngừa nhiễm trùng, ngừa uốn ván, truyền bolus (truyền tĩnh mạch nhanh) 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục trong vòng 1 tiếng. 

Sau 1 tiếng, triệu chứng tổn thương tại chỗ nặng hơn, lan lên đến khuỷu tay nên bệnh nhân được truyền lặp lại liều 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn trong 1 giờ tiếp theo. Sau đó tổn thương tại chỗ ngưng diễn tiến, bệnh nhân tiếp tục được truyền 3 liều huyết thanh kháng nọc rắn duy trì trong 18 giờ tiếp theo.

Sau điều trị, tổn thương tại vết thương trên tay trái bênh nhân đã được kiểm soát, giảm sưng nề, không diễn tiến nặng thêm trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Bệnh nhân đã được xuất viện vào ngày 21/9 với tình trạng sức khỏe ổn định.

Ngón tay của bệnh nhân bị rắn cắn sau khi điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Giải thích cho việc triệu chứng tổn thương tại chỗ nặng hơn, bác sĩ Vũ Ngọc Chức – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức cho rằng do 1 số nguyên nhân như: Bệnh nhân garo vùng chi bị cắn khi sơ cứu; Bệnh nhân đến bệnh viện muộn nên trì hoãn việc điều trị và sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn; Liều huyết thanh dùng khởi đầu chưa đủ so với lượng nọc rắn bệnh nhân bị cắn.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức cho biết: "Hàng năm, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Đây là tai nạn xảy ra quanh năm. Ở nước ta, các trường hợp bị rắn độc cắn thường gặp 2 họ rắn chính, đó là họ rắn hổ và họ rắn lục. Nếu không xác định được loại rắn độc nào cắn thì bác sĩ có thể dựa trên biểu hiện nhóm triệu chứng rắn cắn để nhận diện họ rắn nhằm có hướng điều trị thích hợp".

Đối với họ rắn hổ: 2 nhóm biểu hiệu thường gặp là tổn thương mô tại chỗ (đau, phù nề diễn tiến, hoại tử...) và biểu hiện thần kinh (yếu cơ, liệt cơ, liệt dây thần kinh...). Nguyên nhân tử vong trước nhập viện thường gặp do yếu liệt cơ hô hấp do nọc rắn gây nên.

Đối với họ rắn lục: 2 nhóm biểu hiệu thường gặp là tổn thương mô tại chỗ và biểu hiện bất thường về huyết học (chảy máu, rối loạn đông cầm máu...). Nguyên nhân tử vong thường do chảy máu, mất máu diễn tiến rất nhanh và nặng.

Loại rắn lục đuôi đỏ (mình xanh và có đuôi màu đỏ) rất độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Chức nhấn mạnh việc thực hiện sơ cứu ban đầu và chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong xử trí rắn cắn. 

Sơ cứu rắn cắn đầu tiên là phải đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn, bệnh nhân phải hạn chế vận động, rửa- băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn nhằm hạn chế việc hấp thu nọc độc qua đường bạch huyết. Tiếp theo cần gọi ngay hệ thống cấp cứu ngoại viện 115 để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện xử trí cấp cứu, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn nếu có chỉ định.

Một số sai lầm rất phổ biến trong sơ cứu rắn cắn là việc rạch, hút nọc độc, buộc garo, bôi các chất lạ vào vùng bị cắn. Việc sơ cứu không đúng sẽ gây hại thêm cho người bị rắn cắn như: nhiễm trùng, đoạn chi và thậm chí là tử vong.

Rắn lục đuôi đỏ có mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Đây là loài rắn có nọc độc chỉ xếp sau loài rắn hổ mang chúa. Điểm khác biệt là rắn lục đuôi đỏ không đẻ trứng mà đẻ ra rắn con, mỗi lứa đẻ từ 7-16 con.

Trong mùa sinh sản, rắn cái rất hung dữ và có nọc độc nguy hiểm. Loại rắn này có nhiều nọc độc với hơn 20 thành phần khác nhau. Hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh.

Tin cùng chuyên mục

Cách tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe vào VNeID nhanh, tiện lợi nhất

Cách tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe vào VNeID nhanh, tiện lợi nhất

6:00 | 20/04/2024

Ứng dụng VNeID ra đời để sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, VNeID cho phép tích hợp tất cả giấy tờ cá nhân như đăng ký xe, giấy phép lái xe…

Tin vui cho hàng nghìn công chức, sẽ tiếp tục được tăng lương từ 2025

Tin vui cho hàng nghìn công chức, sẽ tiếp tục được tăng lương từ 2025

6:00 | 19/04/2024

Từ 1/7/2024, sẽ cải cách tiền lương cho hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo nghị quyết 27, dự kiến tăng lương tiếp từ 2025 cho công chức viên chức.

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

6:00 | 18/04/2024

Khi ra nước ngoài, bằng lái xe quốc tế là một trong những vật dụng cần thiết đem lại sự tiện ích cho người sở hữu. Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan về giấy phép lái xe quốc tế Việt Nam có thể nhiều người chưa nắm rõ.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.