Bệnh dại: Phương thức lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa hiệu quả

21:00 | 20/10/2021

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở não và dây thần kinh. Bệnh thường bị bắt từ vết cắn hoặc vết xước của động vật bị nhiễm bệnh. Khi lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có thể tử vong.

Theo VTV News, mới đây (ngày 18/10), tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân H.T.H.N (18 tuổi, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng). Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Trùng Khánh chuyển tuyến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Bệnh nhân N nhập viện trong tình trạng kích thích, bồn chồn cùng các triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ tiếng ồn. Sau khi nhập viện, bệnh nhân tiến triển xấu và tử vong vào sáng 19/10.

Thông tin từ người nhà cho biết: Khoảng gần 2 năm trước, bệnh nhân bị chó cắn nhưng do chủ quan, không đi tiêm phòng dại. Hai ngày qua, bệnh nhân nôn khan nhiều kèm theo kích thích, hoảng loạn nên được gia đình đưa đến viện khám, điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không qua khỏi.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển tại nhiều tỉnh/thành phố. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Trong vòng 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ảnh: TL

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân bệnh dại

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn.

Bệnh dại còn có thể lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. Ví dụ như động vật bị nhiễm bệnh dại nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh liếm lên vết thương trên da người sẽ khiến cơ thể người mắc bệnh.

Có 2 chủng virus dại:

· Virus dại đường phố là virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh.

· Virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ).

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh dại ở người như:

· Đi đến hoặc sinh sống ở những đất nước kém phát triển nơi bệnh dại phổ biến.

· Những hoạt động tiếp xúc với động vật hoang dã mang mầm bệnh dại như thám hiểm hang động hoặc đi cắm trại nhưng lại không đề phòng chỗ ở có nhiều động vật hoang dã sinh sống hay không.

· Làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn dại như nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thú ý, huấn luyện động vật hoang dã.

Nếu bị chó dại cắn, vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và nước trong 10 -15 phút. Ảnh: Vinmec

3. Thời gian ủ bệnh dại

Virus dại bắt đầu tấn công vào cơ thể người qua vết thương hở do động vật cắn hoặc vết cào cấu sẽ nhanh chóng xâm nhập trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thần kinh ngoại biên và di chuyển đến não. Khi virus đã vào hệ thần kinh tại não sẽ tiếp tục nhân lên và gây chứng viêm não cấp tính, sau đó là hôn mê và tử vong.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

4. Triệu chứng bệnh dại

Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại rất khái quát, bao gồm cơ thể yếu, sốt và đau đầu. Nếu không có tiền sử phơi nhiễm với động vật dại, những triệu chứng này sẽ không làm tăng sự nghi ngờ về bệnh dại vì chúng rất giống với bệnh cúm thông thường hoặc các hội chứng virus khác.

Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:

Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng.

Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

Khi bị chó dại cắn, virus di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não. Ảnh: Vinmec

5. Chẩn đoán bệnh dại:

Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

Chẩn đoán xác định:  Phát hiện được ARN của virus dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.

6. Bệnh dại có lây truyền từ người sang người và qua đường ăn uống không?

Các nguy cơ lây nhiễm từ người sang người chủ yếu thông qua vùng da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc dại. Tuy nhiên, việc lây nhiễm dại từ người sang người không phổ biến, chủ yếu trong số đó thông qua các ca ghép tạng.

Chưa có bằng chứng khoa học nào bệnh dại xảy ra trên người do uống sữa hay do ăn thịt động vật đã nấu chín. Tuy nhiên, những người làm nghề giết mổ gia súc chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận khác bị nhiễm virus. 

7. Bệnh dại ở người có chữa được không?

Khi bệnh dại phát triển không có điều trị cụ thể. Hầu như không có gì có thể thực hiện được ngoài việc giữ cho bệnh nhân thoải mái, không bị đau đớn về thể xác và khó chịu về cảm xúc.

Người chăm sóc nên thận trọng để tránh bị cắn và nhiễm nước bọt của màng nhầy và vết thương bằng cách sử dụng thiết bị bảo vệ y tế cá nhân.

Để bệnh nhân trong phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các kích thích (như: tiếng ồn lớn, không khí lạnh) có khả năng làm tăng co thắt và co giật.

Bệnh nhân được điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

8. Khi nghi ngờ bị bệnh dại cần làm gì?

Nếu bị chó dại cắn, vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và nước trong 10 -15 phút. Nếu xà phòng không có sẵn thì xả nước. Đây là việc làm giúp sơ cứu hiệu quả nhất nguy cơ bị bệnh dại.

Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vaccine phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

Lưu ý, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau:

· Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương.

· Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá.

· Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

· Theo dõi động vật gây ra vết thương

· Thời gian ủ bệnh dại từ vài ngày đến vài tháng, trong khi thời gian bị bệnh - cho đến khi tử vong thay đổi từ 1-7 ngày.

9. Theo dõi động vật gây ra vết thương

Chó dại thường có những hành vi đặc trưng như:

· Cắn mà không có bất kỳ sự khiêu khích.

· Ăn các vật bất thường.

· Chạy không có mục đích rõ ràng.

· Thay đổi âm thanh như: khàn khàn và gầm gừ hoặc không có khả năng phát ra âm thanh.

· Tiết nước bọt hoặc tạo bọt quá mức ở các góc miệng - nhưng không phải hydrophobia (chứng sợ nước).

10. Theo dõi các dấu hiệu của bệnh trên cơ thể người

· Đau hoặc ngứa tại vị trí vết thương bị cắn (trong 80% trường hợp).

· Sốt, khó chịu, đau đầu kéo dài trong 2- 4 ngày.

· Chứng sợ nước.

· Không dung nạp tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí.

· Sợ cái chết sắp xảy ra.

· Tức giận, khó chịu và trầm cảm.

· Ở giai đoạn sau, chỉ nhìn thấy kích thích co thắt ở cổ và cổ họng.

Nên tiêm vaccine dại cho vật nuôi trong nhà để phòng bệnh dại.

11. Phòng ngừa bệnh dại

Chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.

Báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại.

Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vaccine dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại… cần được gây miễn dịch bằng vaccine dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc.

Tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…

Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng cho chúng, không cho chúng chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.

12. Loại vaccine tiêm phòng dại

Việt Nam đang có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab  (Ấn Độ). Đây đều là những loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mới, cải thiện vượt bậc so với các loại vaccine phòng dại thế hệ cũ.

Tất cả các loại vaccine dại đều đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Đến nay, thế giới vẫn chưa ghi nhận những biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm chủng vaccine dại.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.