Bệnh tim mạch: 12 bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi

13:15 | 23/12/2021

Ở người cao tuổi các mạch máu dần xơ cứng và giảm tính đàn hồi, sẽ khiến tim làm việc nhiều hơn, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cho cơ tim bị dày lên, gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm.

Những biến đổi do lão hóa ở hệ tim mạch (đặc biệt là xơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi. Khi tuổi càng cao các van tim ở người cao tuổi cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi. Trong đó, van động mạch chủ thường bị nhất, các van khác cũng có thể bị ảnh hưởng và gây nên bệnh van tim người cao tuổi, chính vì điều này mà khi về già chúng ta dễ mắc các bệnh tim mạch.

Dưới đây là một số bệnh tim mạch thường gặp ở người cao tuổi.

1. Thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim (thiếu máu cơ tim cục bộ) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm. Lúc này, tim sẽ không nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp máu đi nuôi cơ thể. Bệnh làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cho tim, loạn tim và nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng điển hình: Xuất hiện cơn đau vùng ngực; Nhịp tim nhanh; Khó thở khi vận động…

Thiếu máu cơ tim dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành là bệnh do mạch máu vành tim bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa. Tình trạng này khiến cơ tim bị thiếu dưỡng khí và gây ra các cơn đau thắt ngực. Đặc biệt, nếu tần suất cơn đau ngày càng tăng, cường độ càng nặng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và các tổn thương vĩnh viễn ở tim. 

Bệnh mạch vành để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách: Không ăn quá mặn, nhiều chất béo, chất ngọt; Rèn luyện thể thao và tầm soát tim mạch định kỳ.

Triệu chứng điển hình: Cảm giác nặng ngực, khó thở; Xuất hiện cơn đau thắt ngực bên trái khi xúc động, gắng sức; Cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng; Nhức đầu, chóng mặt…

3. Cholesterol cao

Cholesterol cao hay mỡ máu cao thường do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, có thể xảy ra từ khi còn trẻ nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn khi về già. Khi cholesterol trong máu cao, nhất là nhóm cholesterol xấu (LDL cholesterol) dễ dẫn đến hình thành mảng xơ vữa động mạch và huyết khối.

Xơ vữa động mạnh hình thành và phát triển một cách âm thầm, gây cản trở đến quá trình lưu thông máu. Cuối cùng là ảnh hưởng đến cơ quan liên quan, gây thiếu máu và hình thành cơn đau tim.

Các bệnh lý về tim mạch là biến chứng dễ gặp nhất khi cholesterol cao.

4. Đau thắt ngực

Thường là những đau thắt theo từng cơn ở vùng tim do thiếu máu cơ tim và là hậu quả của một tình trạng mất cân bằng tạm thời giữa sự cung cấp và nhu cầu oxy cần thiết, tình trạng này có thể phục hồi được một cách tự nhiên.

Vị trí đau nằm ở giữa – phía sau xương ức, đau kiểu co thắt đè nặng hay cảm giác lồng ngực bị ép, có khi đau rát, đôi khi gây ngạt thở.

Cơn đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai hoặc lan ra cánh tay, bờ trong của cẳng tay. Thời gian của cơn đau thường ngắn khoảng 2-5 phút và mất dần sau khi ngưng gắng sức hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Đồng thời có các triệu chứng khác đi kèm với cơn đau như: Khó thở nhanh và nông, đánh trống ngực, hồi hộp, buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, có trường hợp xuất hiện đi tiểu nhiều.

5. Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không theo dõi sát sao và chữa trị sớm. Hơn nữa, đây là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, gây đau tức ngực, khó thở.

Triệu chứng điển hình: Tim đập nhanh/chậm bất thường; Choáng váng, chóng mặt; Cảm giác hồi hộp, lo lắng; Cảm giác ngực bị đè nén…

6. Huyết áp cao

Một người bị bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu cao hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể do tăng từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối, nhưng thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch và tăng huyết áp. Chính vì thế, ở người già thường gặp tăng huyết áp tâm trương hơn là tâm thu.

Bệnh tăng huyết áp người cao tuổi không nên xem thường vì nó rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như như: Tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…

Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến mà người cao tuổi thường gặp.

Đa số những bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện được bệnh, thực tế đau đầu vùng chẩm là triệu chứng thường gặp. Các triệu chứng khác có thể gặp là choáng, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt… không đặc hiệu.

Một số triệu chứng tăng huyết áp có thể tùy thuộc vào nguyên nhân hoặc biến chứng tăng huyết áp. Ngoài ra phải đo huyết áp đúng phương pháp để xác định tình trạng tăng huyết áp với các chỉ số cụ thể.

7. Tiểu đường

Tiểu đường hay đái tháo đường được chẩn đoán xác định khi đường máu bất kỳ đạt nồng độ trên 200 mg% hoặc đường máu lúc đói trên ngưỡng 126 mg%. Đái tháo đường có 2 tuýp là I và II. Ở người cao tuổi thường gặp đái tháo đường tuýp II.

Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Có thể do gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; do các cơ quan giảm nhạy cảm với hormon Insulin; Hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; Tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Tiểu đường là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi.

8. Suy tim

Suy tim là trạng thái bệnh lý do cơ tim mất khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể, lúc đầu thường xảy ra khi gắng sức rồi sau đó có thể gặp cả khi nghỉ ngơi.

Ở giai đoạn đầu của suy tim, người bệnh thường không có biểu hiện bệnh lý nhưng khi tình trạng suy tim đã tiến triển thì một số dấu hiệu có thể xuất hiện như hụt hơi, khó thở. Ban đầu người bệnh chỉ khó thở nhẹ mỗi khi gắng sức nhưng về sau khó thở xảy ra cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, thậm chí mất ngủ.

9. Xơ vữa động mạch

Là sự phối hợp thay đổi cấu trúc nội mạc của những động mạch lớn và vừa bao gồm sự tích tụ cục bộ chất lipid, glucid, máu và các sản phẩm của máu, mô xơ và cặn lắng acid. Có thể nói xơ vữa động mạch là hiện tượng xơ hóa thành động mạch trung bình và động mạch lớn với biểu hiện chủ yếu là sự lắng đọng mỡ và các màng tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mãng vữa.

Xơ vữa động mạch khiến cơ tim bị thiếu máu và oxy.
Xơ vữa động mạch thường trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn tiềm tàng chưa có biểu hiện bệnh lý; Giai đoạn lâm sàng có triệu chứng thiếu máu của cơ quan điển hình; Giai đoạn biến chứng các cơ quan do sự thiếu máu cục bộ gây ra; triệu chứng thường phụ thuộc vào các cơ quan bị tổn thương.

10.  Tắc nghẽn động mạch

Tình trạng tắc nghẽn động mạch trở thành bệnh lý khi xuất hiện các mảng bám tích tụ ở bên trong thành động mạch. Các mảng bám này được hình thành từ một số chất lưu thông trong máu gồm chất béo, cholesterol, chất thải của các tế bào, calci và fibrin là một chất có liên quan đến vấn đề đông máu. Những mảng bám sẽ làm hẹp hoặc làm tắc nghẽn các động mạch dẫn đến tình trạng lưu thông máu đi đến các bộ phận của cơ thể gặp khó khăn.

Những vị trí thường tắc nghẽn phổ biến nhất của động mạch là ở tim, não, cánh tay và chân, thận, khung xương chậu và vùng bụng. Triệu chứng bệnh lý phụ thuộc vào vị trí của các mảng bám vào động mạch bị tích tụ tương ứng; thường gặp phổ biến ở động mạch vành, động mạch ngoại biên và động mạch cảnh.

11.  Nhồi máu cơ tim

Đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim là do cục máu đông xuất hiện trong động mạch vành làm tắc mạch máu. Nhiệm vụ của động mạch vành là cung cấp máu và oxy đến để nuôi tim nên khi bị tắc nghẽn thì tim sẽ thiếu oxy và tế bào cơ tim sẽ chết. Ngoài ra, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cũng còn có thể do các mảng xơ vữa làm tắc hẹp động mạch vành. Tóm lại nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu nuôi tim bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong một thời gian dài đủ lâu làm cho cơ tim bị tổn thương hay bị chết.

Nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột quỵ.

Triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác đau nhói ngực vùng trước tim, lan ra vai, tay, lên cổ, răng, hàm hoặc lan ra sau lưng; đôi khi chỉ có cảm giác nặng ngực như bị bóp chặt quanh ngực; cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng. Cảm giác đau có thể chỉ là cảm giác ăn không tiêu, đau vùng thượng vị, dễ nhầm lẫn với trường hợp đau dạ dày nên bị bỏ sót. Các triệu chứng khác cũng được ghi nhận như: lo lắng, ho, mệt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, hồi hộp, thở dốc, đổ mồ hôi.

12.  Đột quỵ 

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch màu não, là từ gọi chung của những bệnh lý nhồi máu hoặc xuất huyết não, xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề.

Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Mặt khác, thành mạch suy yếu, dễ vỡ cùng với hậu quả của bệnh tăng huyết áp (nếu mắc trước đó) dẫn đến hậu quả dễ xảy ra xuất huyết mạch máu não. Đây là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.

Để phòng bệnh đột quỵ, nên ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn ít mỡ; Tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, tập dưỡng sinh, nếu cần thiết thì uống thuốc dưỡng não, thuốc điều trị tăng huyết áp,…

Đột quỵ gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề nếu người bệnh không cấp cứu kịp thời.

Cách phòng bệnh tim mạch ở người già

Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch thường gặp ở người cao tuổi, cần phải:

- Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tránh ăn nhiều chất béo, vì chất béo sẽ làm cho lượng cholesterol trong máu cao. Khi tình trạng cholesterol trong máu cao sẽ đóng mảng ở thành mạch máu, gây ra xơ vữa động mạch, dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim.

- Người lớn tuổi nếu bị béo phì cần giảm cân để phòng ngừa các bệnh tim mạch ở người già.

- Kiêng rượu, bia, thuốc lá. Chất nicotin trong thuốc lá sẽ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm oxy, tăng đông máu và gây tổn thương thành mạch... Uống nhiều rượu làm tăng triglyceride sẽ đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

- Tăng cường vận động cơ thể để giúp tăng tiêu hao năng lượng, hạ nồng độ cholesterol trong máu, hạ huyết áp. Việc vận động sẽ làm tăng sức mạnh của cơ bắp, giúp tim và mạch máu tăng tính đàn hồi tốt và dẻo dai. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người không thường xuyên hoặc không vận động sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn so với người chăm chỉ tập luyện và vận động, rèn luyện cơ thể.

- Cần hạn chế và tránh bị căng thẳng, stress. Khi bị stress, sẽ khiến nhịp tim tăng và làm tăng huyết áp.

Người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch nên có một chế độ ăn và tập luyện phù hợp.

- Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh tim mạch ở người cao tuổi, cần thường xuyên khám và kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, khoảng 6 tháng một lần. Nên đăng ký gói khám có bao gồm đo điện tim và xét nghiệm mỡ trong máu để theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe.

- Khi gặp các triệu chứng như: Đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng hoặc giảm đột ngột, ... cần nhanh chóng đưa người cao tuổi đến bệnh viện hoặc các sở sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe.

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do đó, Mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý và nên tầm soát tim mạch theo định kỳ, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.