Bệnh viêm não Nhật Bản và biện pháp phòng ngừa

7:33 | 24/06/2022

Viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa hè, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em, do có hệ miễn dịch yếu và chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Đây là bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao và có khả năng lây lan mạnh, vì vậy, cần đề cao cảnh giác, không được chủ quan.

Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Loài muỗi Culex bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh hoặc hút máu người đang mắc bệnh viêm não Nhật Bản, sau đó truyền sang người lành thông qua vết đốt của muỗi. Ở nước ta, loài muỗi Culex truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng mùa hè nắng nóng (nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 7). Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè. Đặc điểm của muỗi Culex là hoạt động mạnh vào buổi tối tức là đốt và hút máu người nhiều nhất vào buổi tối (khác với muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là hút máu cả ngày lẫn đêm, mạnh nhất là sáng sớm và chiều tối).

Nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản

Giai đoạn ủ bệnh (từ lúc nhiễm virus), thông thường là từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát (sau giai đoạn ủ bệnh), bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 - 40oC hoặc hơn, kèm theo còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 – 2 ngày đầu có thể gặp những dấu hiệu như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay tăng phản xạ gân xương. Ở một số trẻ nhỏ có thể có rối loạn tiêu hóa (đi lỏng, đau bụng, nôn).

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Tiếp đến là giai đoạn toàn phát, triệu chứng nổi bật nhất trong giai đoạn này là tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu và xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên (vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở). Đồng thời người bệnh có biểu hiện cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến bệnh nhân viêm não Nhật Bản nằm co quắp (kiểu cò súng) và giật rung các cơ mặt, chi.

Giai đoạn lui bệnh, sang tuần thứ hai, nhiệt độ cơ thể giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không bị bội nhiễm vi khuẩn khác và nếu bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ thì các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần. Tuy nhiên sau đó, người bệnh viêm não Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng tâm thần và thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong những ngày đầu, khi bệnh nhân có triệu chứng hôn mê sâu, co giật, tổn thương hành não.

Bên cạnh đó, bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị đúng, kịp thời, có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, hoặc gây viêm bể thận, viêm bàng quang, loét nhiễm trùng do tỳ đè, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.

Nguyên tắc điều trị viêm não Nhật Bản

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu là điều trị triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm vi khuẩn, dinh dưỡng và chống loét theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy, người thân cần quan tâm, lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu viêm não Nhật Bản.

Nguyên tắc phòng bệnh

Phòng bệnh chung, ở nông thôn là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em. Bất kỳ ở đâu nông thôn hay thành thị cần khơi thông cống rãnh, tránh ao tù nước đọng, không để các loại lốp xe hỏng, lon bia, nước ngọt đã sử dụng chứa đựng nước mưa để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sản bọ gậy (lăng quăng) là con đẻ của muỗi. Các dụng cụ đựng nước sạch cần được đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng. Cần nằm màn khi đi ngủ. Định kỳ y tế địa phương cần tổ chức phun thuốc diệt muỗi.

Phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).

Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần cho đến 15 tuổi.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.