Bệnh Whitmore: Cách thức lây nhiễm, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

16:20 | 14/10/2021

Với khả năng gây tử vong lên đến 40 – 60%, bệnh Whitmore được đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp.

Mới đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore gây áp xe nặng, suy kiệt được chuyển đến từ Tuyên Quang.

Bệnh nhân là Nguyễn Thị Th (SN 1994, nghề nghiệp làm ruộng ở Nhữ Hán, Yên Sơn, Tuyên Quang). Khi nhập viện bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm, thể trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao liên tục 40 độ C, khó thở nhiều, thiếu máu, thể trạng suy kiệt, nhiều ổ áp xe lớn nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Whitmore. Các bác sĩ đã tiến hành cấy đờm, cấy máu, cấy dịch ổ áp xe tại tuyến vú và cho người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết, điều trị kháng sinh theo phác đồ nhiễm Whitmore. Sau điều trị tích cực, người bệnh được ra viện tiếp tục điều trị theo phác đồ duy trì và hẹn tái khám.

Hình ảnh bệnh nhân Nguyễn Thị Th nhiễm vi khuẩn Whitmore khi nhập viện điều trị.

Whitmore là một bệnh lý rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong chiếm khoảng từ 40 - 60%, bệnh nhân có thể mất mạng trong vòng 1 tuần nếu bị nhiễm khuẩn cấp và khi không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 

Theo ghi nhận, bệnh Whitmore hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ở cả người và động vật, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Australia và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. 

Tại Việt Nam, bệnh Whitmore phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác. Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore tới trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. 

1. Bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Whitmore hay còn được gọi là bệnh melioidosis, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Bệnh do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.

Bệnh Whitmore do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra.

2. Cách thức lây nhiễm bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore lây bất kỳ ai thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật được cho là bị nhiễm trùng do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn, uống phải nguồn nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da.

Bên cạnh con người, nhiều loài động vật như: Cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó, gia súc... cũng dễ mắc bệnh Whitmore.

Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, bệnh thường không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

3. Triệu chứng của bệnh Whitmore

Do có một số loại melioidosis khác nhau và mỗi loại đều gây cho người bệnh những các triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, phải mất từ 2 – 4 tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số trường hợp cá biệt, triệu chứng xảy ra ngay sau vài giờ hoặc có khi nhiều năm sau khi nhiễm khuẩn. Cũng có một số ít người mắc bệnh mà không có biểu hiện nào.

Tuy nhiên, melioidosis có một loạt các dấu hiệu và triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc bệnh viêm phổi..

Bệnh trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu điển hình sau:

3.1. Nhiễm trùng cục bộ

Ở giai đoạn này, trên da bệnh nhân sẽ nổi những nốt sần đỏ, mưng mủ gây loét da, đau đớn và đi kèm cùng với một số triệu chứng như:

· Sốt.

· Sụt cân.

· Đau bụng hoặc đau ngực.

· Đau cơ hoặc đau khớp.

· Đau đầu.

· Co giật.

· Ngoài ra, các vết loét cũng xuất hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể như: Gan, phổi, lá lách và tuyến tiền liệt. Thậm chí, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra ở khớp, xương, hạch bạch huyết hoặc não.

3.2. Nhiễm trùng phổi

· Ho có đờm hoặc không có đờm.

· Đau ngực khi thở.

· Sốt cao.

· Nhức đầu và đau nhức cơ.

· Sụt cân.

· Chán ăn.

3.3. Nhiễm trùng máu

· Sốt.

· Đau đầu.

· Suy hô hấp.

· Khó chịu ở bụng.

· Đau khớp.

· Mất phương hướng.

3.4. Nhiễm trùng lan truyền

· Sốt.

· Giảm cân.

· Đau dạ dày hoặc ngực.

· Đau cơ hoặc khớp.

· Đau đầu.

· Động kinh.

Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bẩn dễ mắc bệnh Whitmore (ảnh minh họa).

4. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh Whitmore

4.1. Vị trí địa lý

Cư dân sống ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Australia có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore cao hơn cả. Những nước có nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore nhất là Thái Lan, Malaysia, Singapore. Bệnh cũng phổ biến ở Việt Nam, Papua New Guinea, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Một số ca bệnh xuất hiện rải rác ở Trung Mỹ, Brazil, Peru, Mexico và Puerto Rico.

4.2. Đặc thù công việc

Người làm những công việc sau dễ có khả năng tiếp xúc với vi khuẩn dẫn đến nhiễm bệnh:

· Quân nhân.

· Công nhân xây dựng làm việc trong công trường, nông dân, ngư dân.

· Hướng dẫn viên du lịch, nhất là những người thường xuyên công tác tại các khu vực dễ xảy ra dịch bệnh.

4.3. Người mắc bệnh mãn tính

· Mắc bệnh tiểu đường.

· Mắc bệnh gan.

· Mắc bệnh thận.

· Mắc bệnh thalassemia.

· Mắc ung thư hoặc một tình trạng ức chế miễn dịch khác không liên quan đến HIV.

· Mắc bệnh phổi mãn tính (như bệnh u xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh giãn phế quản).

· Một số bệnh khác góp phần gây bệnh này bao gồm suy tim, suy tim sung huyết, bệnh u máu phổi, bệnh u hạt mãn tính và lao.

4.4. Loài vật có nguy cơ mắc bệnh cao

Nhiều loài động vật có nguy cơ mắc bệnh Whitmore. Ngoài việc tiếp xúc với nước và đất bị ô nhiễm, động vật có khả năng nhiễm vi khuẩn từ sữa, nước tiểu, phân, dịch tiết mũi và vết thương của động vật khác bị nhiễm bệnh.

Các loại động vật mắc Whitmore như: Cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó, gia súc, gà, thú có túi, cá nhiệt đới, cự đà…

5. Biến chứng bệnh Whitmore

· Loét da.

· Áp xe (trên da và các cơ quan như gan, phổi, lá lách…).

· Viêm phổi.

· Nhiễm trùng huyết.

· Viêm màng não.

· Tử vong.

6. Phương pháp chẩn đoán bệnh Whitmore

Whitmore có nhiều biểu hiện tương tự như lao phổi, ngay cả phim chụp X-quang của bệnh nhân cũng cho thấy các đốm nhỏ như của lao phổi. Việc chẩn đoán bệnh này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, kinh nghiệm và chuyên môn cao từ các bác sĩ.

Nuôi cấy vi khuẩn B. pseudomallei được coi là xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện bệnh Whitmore. Bác sĩ sẽ lấy các mẫu nhỏ bao gồm máu, đờm, mủ, nước tiểu, chất lỏng hoạt dịch (được tìm thấy giữa các khớp), dịch màng bụng (có trong khoang bụng), dịch màng tim (được tìm thấy xung quanh tim) của người bệnh. Mẫu được đưa vào môi trường nuôi cấy để đánh giá sự phát triển của vi khuẩn. Sau khoảng 24 – 48 giờ, kết quả của việc nuôi cấy sẽ giúp bác sĩ xác định người bệnh có bị nhiễm khuẩn Whitmore không.

Chẩn đoán bệnh Whitmore cần phải dựa trên các xét nghiệm phức tạp.

7. Điều trị bệnh nhiễm khuẩn Whitmore

Tùy theo giai đoạn, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau:

· Ở giai đoạn đầu, bác sĩ thường chỉ định dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch (IV) tối thiểu từ 10 – 14 ngày, có thể kéo dài đến 8 tuần.

Điều trị tiêm tĩnh mạch bao gồm: Ceftazidime hoặc Meropenem.

· Giai đoạn 2 của quá trình điều trị có thể kéo dài 3 – 6 tháng với kháng sinh đường uống.

Điều trị kháng sinh đường uống bao gồm: Trimethoprim-sulfamethoxazole hoặc Amoxicillin/axit clavulanic (co-amoxiclav). Nếu bệnh nhân bị dị ứng Penicillin nên thông báo cho bác sĩ và các nhân viên y tế để thực hiện thuốc điều trị thay thế.

Sau khi bệnh nhân hoàn tất liệu trình kháng sinh, khả năng bệnh tái phát thấp. Tuy nhiên, cần tuân thủ tốt các biện pháp để phòng tránh vi khuẩn Whitmore.

8. Phòng ngừa bệnh Whitmore

· Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

· Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

· Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

· Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

· Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch … cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

· Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

· Tránh tiếp xúc qua đường hô hấp với những người nghi nhiễm vi khuẩn Whitmore. Nếu là nhân viên y tế thì phải đeo khẩu trang, găng tay và áo choàng khi tiếp xúc với người bệnh.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.