Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus

16:35 | 20/05/2022

Sốt xuất huyết và sốt virus đều do các loại virus gây ra. Tuy nhiên, sốt virus thường lành tính và có thể tự khỏi sau 1 tuần điều trị, còn sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết bằng nguyên nhân gây bệnh

1.1. Nguyên nhân gây sốt xuất huyết

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue là do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang virus Dengue đốt người. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). 

Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết. Có hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.

Sốt xuất huyết do muỗi mang virus Dengue đốt người gây bệnh.

1.2. Nguyên nhân gây sốt virus

Sốt virus là bệnh chỉ chung do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Tùy từng tác nhân virus mà biểu hiện bệnh có thể nặng, nhẹ khác nhau. 

2. Phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết bằng triệu chứng

2.1. Sốt xuất huyết có các triệu chứng

Giai đoạn sốt: Triệu chứng của giai đoạn này sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh và tồn tại trong khoảng 4 - 10 ngày:

- Sốt cao 39 - 40 độ C liên tục 2 - 7 ngày và rất khó hạ sốt.

- Đau đầu dữ dội ở trán, 2 hai hố mắt nhức.

- Buồn nôn, chán ăn.

- Đau khớp, đau cơ.

- Da xung huyết, có thể nổi mẩn hoặc phát ban.

- Chảy máu mũi, nướu.

- Bụng đau dữ dội.

- Thở khó khăn và luôn bồn chồn.

- Xuất huyết dưới da và nổi các vết trông giống như bị bầm tím. Khi đi ngoài, phân có lẫn cả máu.

Giai đoạn nguy hiểm: Đây là giai đoạn ngày thứ 3 - 7 của bệnh, khi người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, cần được theo dõi đặc biệt bởi có thể xuất hiện dấu hiệu cảnh báo và tiến triển nặng:

- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (24 - 48 giờ) với hiện tượng: bứt rứt, vật vã, lạnh đầu chi, li bì, mạch nhanh nhỏ, da lạnh ẩm, tụt hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.

- Mi mắt nề, gan to hoặc đau.

- Xuất huyết dưới da dạng rải rác hoặc chấm xuất huyết, chủ yếu ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, đùi, bụng, mạng sườn hoặc xuất hiện các mảng bầm tím. 

- Xuất huyết ở niêm mạc: tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu lợi, kinh nguyệt sớm hoặc kéo dài.

- Xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

- Buồn nôn, đau bụng.

- Ngứa.

Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể gây suy tạng với biểu hiện viêm cơ tim, viêm gan, viêm não. Sốt xuất huyết đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm cần hết sức thận trọng, phải nhập viện ngay để được điều trị ngăn ngừa biến chứng.

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này bắt đầu sau giai đoạn nguy hiểm 24 - 48 giờ, thường từ ngày thứ 7 - 10 của bệnh.

- Cắt sốt, thèm ăn.

- Tiểu nhiều.

- Huyết động ổn định.

- Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền.

Sốt xuất huyết và sốt virus đều có triệu chứng sốt cao.

2.2. Sốt virus có các triệu chứng

- Sốt cao đột ngột: 39-40 độ C. Trong cơn sốt do virus thường mệt và đáp ứng kém với các loại thuốc hạ sốt như paracetamol.

- Viêm long đường hô hấp trên: Đi kèm là các triệu chứng của viêm mũi họng như ho, chảy mũi, đau họng…

- Rối loạn tiêu hóa: Có thể xuất hiện với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng,...

- Nổi hạch: Xuất hiện các hạch vùng đầu mặt cổ, có thể đau sờ thấy kích thước lớn hơn bình thường.

- Đối với người lớn: Đau nhức các cơ, đau đầu, người mệt mỏi, với trẻ nhỏ thì hay quấy khóc.

- Viêm kết mạc mắt: Mắt đỏ, chảy nước mắt trong.

- Nổi ban trên da: Có thể xuất hiện ban sau sốt 2-3 ngày.

- Một số trường hợp ở trẻ nhỏ có thể bị co giật do sốt cao.

Bệnh thường tự khỏi sau khoảng 7 ngày.

3. Chẩn đoán sốt xuất huyết và sốt virus bằng cách nào?

3.1. Chẩn đoán sốt xuất huyết

Hiện nay có 3 xét nghiệm phổ biến được dùng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết gồm:

- Xét nghiệm NS1: Thực hiện từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh nhằm tìm kháng nguyên của virus.

- Xét nghiệm kháng thể IgM: Thực hiện từ ngày thứ 6 trở đi nhằm xác định kháng thể chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.

- Xét nghiệm kháng thể IgG: Mục đích nhằm xác định kháng thể bảo vệ lâu dài của cơ thể.

Sốt xuất huyết thường có các triệu chứng rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban thông thường. Do đó, cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh là thực hiện xét nghiệm máu để xác định có bị mắc sốt xuất huyết hay không.

3.2. Chẩn đoán sốt virus

Sau khi được chẩn đoán sơ bộ bị sốt virus, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm ít nhất 3 xét nghiệm đơn giản bao gồm: Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm CRP, xét nghiệm tìm kháng nguyên virus Dengue. 

Xét nghiệm công thức máu: Đây là xét nghiệm dùng để xác định số lượng, hình thái và kích thước của các tế bào máu. Thông thường trong sốt virus, số lượng bạch cầu không tăng. 

Xét nghiệm CRP: Xét nghiệm được chỉ định nhằm kiểm tra người bệnh có bị nhiễm khuẩn kết hợp hay không, điều này có vai trò giúp bác sĩ xác định người bệnh có cần dùng thuốc kháng sinh hay không.

Xét nghiệm tìm kháng nguyên virus Dengue: Kết quả xét nghiệm dương tính thì có thể cho phép chẩn đoán người bệnh đang bị sốt xuất huyết và cần được điều trị, theo dõi nghiêm ngặt. Nếu kết quả là âm tính thì có thể bị sốt virus.

Xét nghiệm là phương pháp chẩn đoán người bệnh có mắc sốt xuất huyết hay sốt virus không.

4. Khi bị sốt xuất huyết, sốt virus cần xử lý ra sao?

4.1. Xử lý khi bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng và kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi:

-  Nên hạn chế đi lại, nghỉ ngơi tại giường.

- Hạ sốt: Khi sốt < 38,5 độ C sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn. Khi sốt từ 38,5 độ C chườm ấm kết hợp với thuốc Paracetamol (không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt) liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/lần. Chú ý nếu trẻ có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.

- Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng oresol hay hydrite để bù nước và điện giải.

- Ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường vitamin C bằng các loại quả.

- Theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên: Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, li bì, lơ mơ, nôn nhiều không uống được, đau bụng nhiều, xuất huyết bất thường như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, băng kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng không cầm được... đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

4.2. Xử lý khi bị sốt virus

Sốt virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thường được điều trị triệu chứng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng:

- Hạ sốt: Nếu thấy người bệnh sốt cao, sử dụng một số phương pháp vật lý thông thường như chườm nước ấm tại các vị trí như trán, nách. Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

- Chống co giật: Triệu chứng này thường gặp ở trẻ em khi bị sốt cao, người nhà có thể sử dụng kết hợp cả thuốc hạ sốt và thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ.

- Chống bội nhiễm: Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, kết hợp nhỏ mắt mũi bằng dung dịch nước muối 0,9%.

- Bù nước, điện giải: Khi người bệnh sốt cao, cơ thể thường mất nước và điện giải, gây ra rối loạn cân bằng nước và điện giải. Có thể bù nước và điện giải bằng hydrite, oresol theo chỉ định của bác sĩ.

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Nên cho bệnh nhân đang bị sốt virus ăn các thức ăn dạng lỏng, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thêm vitamin C bằng các loại quả.

Mắc sốt xuất huyết hay sốt virus nên sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

5. Cách chăm sóc đối với người bệnh sốt xuất huyết và sốt virus

5.1. Đối với những trường hợp bị sốt xuất huyết

Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm cần thiết để nhận biết bệnh. 

Nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được sử dụng thuốc aspirin, analgin… những thuốc này có thể khiến bệnh nặng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tự ý truyền dịch tại nhà. 

Trường hợp bệnh nhân sốt cao mà không thấy đỡ thì cần đến bệnh viện. Một số trường hợp bệnh nhân nặng cần phải nằm viện để theo dõi. Đối với các trường hợp nhẹ thì có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

5.2. Đối với trường hợp bị sốt virus

Nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C nên uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. 

Khi sốt cao, người bệnh rất dễ bị mất nước. Vì thế, cần cho bệnh nhân uống nhiều nước, có thể nước lọc hoặc nước ép hoa quả, nước điện giải oresol.

Bệnh nhân nên ở nhà, không nên tiếp xúc với nhiều người để tránh lây bệnh cho người khỏe mạnh. 

6. Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và sốt virus

6.1. Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp chủ yếu cần lưu ý:

- Đậy kín hoặc úp tất cả dụng cụ chứa nước (chậu, gáo, xô…) để muỗi không vào đẻ trứng.

- Diệt lăng quăng, bọ gậy đều đặn hàng tuần bằng cách thả cá, vôi bột, muối.

- Vệ sinh môi trường quanh nhà, phát quang các lùm cây, bụi rậm, khai thông cống rãnh…

- Kiểm tra hệ thống vòi nước, ống dẫn nước để phát hiện rò rỉ nếu có và sửa chữa kịp thời.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, chai, lọ, mảnh chai, lu vỡ.

- Mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài hoặc sử dụng thuốc bôi chống muỗi.

Khi bị sốt hãy tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị khi cần.

6.2. Cách phòng tránh sốt virus

Sốt virus hoàn toàn có thể trở thành dịch nếu không được cách ly kịp thời, do đó cần cách ly người bệnh để không lây lan ra những người xung quanh. 

Có thể phòng tránh sốt virus cho trẻ nhỏ bằng một số biện pháp hữu ích sau đây:

- Ăn đủ chất dinh dưỡng, giúp tăng cường tốt hệ miễn dịch, sức đề kháng. 

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và ngay sau khi đi vệ sinh.

- Trong gia đình nếu có người nghi ngờ bị nhiễm sốt siêu vi, nên đưa đến cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh lây bệnh cho người thân, đặc biệt là trẻ em.

- Thường xuyên, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ môi trường sống. 

Tin cùng chuyên mục

7 loại protein nạc lành mạnh nhất bạn nên ăn thường xuyên

7 loại protein nạc lành mạnh nhất bạn nên ăn thường xuyên

8:35 | 18/03/2024

Protein nạc là nguồn thực phẩm với hàm lượng chất béo thấp, ít calo nhưng cung cấp lượng protein cao cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác, giúp phát triển cơ bắp và kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả.

6 loại thực phẩm giúp 'đốt cháy chất béo' hỗ trợ giảm cân

6 loại thực phẩm giúp 'đốt cháy chất béo' hỗ trợ giảm cân

8:34 | 16/03/2024

Lựa chọn đúng thực phẩm không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có thể tăng cường trao đổi chất, loại bỏ lượng mỡ thừa và hỗ trợ giảm cân.

7 lợi ích sức khỏe khi uống trà gừng điều độ

7 lợi ích sức khỏe khi uống trà gừng điều độ

8:33 | 14/03/2024

Có bằng chứng cho thấy trà gừng hỗ trợ giảm bớt các bệnh từ buồn nôn đến đau bụng kinh, đồng thời nó có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.