COVID-19 25/9: Bất ngờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của 81 cô giáo, học sinh phải cách ly tập trung

12:05 | 25/09/2021

Sáng 25/9, thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, TT-Huế cho biết, 81 giáo viên, học sinh cùng lúc cách ly tập trung do liên quan ca mắc COVID-19 tại phường Hương Chữ đều đã được xét nghiệm PCR.

Bất ngờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của 81 cô giáo, học sinh đi cách ly tập trung

Đây là lần đầu tiên tại TT-Huế có nhiều học sinh, giáo viên trong một khu vực phường, xã phải cùng lúc cách ly y tế tập trung do trở thành F1 của các ca mắc COVID-19 là học sinh tại trường.

Trước đó, tại 2 trường tiểu học và THCS thuộc địa bàn phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà), cơ quan y tế phát hiện có 2 ca mắc COVID-19 là học sinh lớp 3 và lớp 6. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị xã Hương Trà chỉ đạo khẩn trương khoanh vùng, truy vết, tiến hành cách ly, giám sát những trường hợp F1, F2 và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.

Quá trình xử lý phòng dịch, cơ quan y tế đã tiến hành cách ly tập trung 67 học sinh tiểu học và THCS tại Hương Chữ, cùng với 14 giáo viên giảng dạy tại địa phương.

Khu cách ly được trưng dụng từ chính cơ sở vật chất của Trường tiểu học số 1 Hương Chữ.

Đoàn viên, thanh niên tham gia chuẩn bị khu cách ly tập trung cho học sinh, giáo viên tại phường Hương Chữ

Theo bác sĩ Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, qua xét nghiệm PCR lần đầu, tất cả 81 trường hợp giáo viên, học sinh cách ly tập trung ở Hương Chữ đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Quá trình cách ly các học sinh nhỏ tuổi ngay tại trường, mỗi phòng cách ly đều bố trí người chăm sóc, theo dõi các cháu. Một số trường hợp F2 là phụ huynh cũng được phép vào khung cách ly để tiện chăm sóc, theo dõi con cái khi các cháu phải xa gia đình, bố mẹ nhiều ngày.

Các phòng cách ly tại Trường tiểu học số 1 Hương Chữ đều được bố trí ti vi, đồ chơi, truyện thiếu nhi và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ các cháu nhỏ.

Trước đó, vào ngày 24/9, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh TT-Huế, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, tặng 70 tấm nệm nằm cho các các cháu học sinh nhỏ tuổi cách ly tại Trường tiểu học số 1 Hương Chữ.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã huy động hỗ trợ thêm hơn 20 tấm nệm phục vụ cho những người cách ly còn lại và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, vận hành khung cách ly ở Hương Chữ.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế, đến hết ngày 24/9, tỉnh này ghi nhận thêm 4 ca mắc (nâng tổng số lên 818 ca); trong đó, có 2 F0 trong cộng đồng tại phường Hương Chữ (Hương Trà) và 2 ca trong khu cách ly.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM sẽ thực hiện những biện pháp mới gì từ ngày 30/9?

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong chương trình đối thoại do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức sáng 25/9, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - cho biết, các cơ quan của thành phố đang gấp rút lên kế hoạch cho phương án hoạt động sau ngày 30/9, để công bố sớm, ít nhất trước 72 giờ kế hoạch có hiệu lực.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ thông tin tích cực trong phiên họp ngày 24/9, lãnh đạo TPHCM thống nhất tháo dỡ ngay từ đây đến 30/9 các hàng rào, dây kẽm thép gai trong thành phố. Ngày 1/10, TPHCM chỉ duy trì các chốt, trạm kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố.

Các chốt chặn bằng rào chắn, dây kẽm gai trong TPHCM dự kiến sẽ được sớm dỡ bỏ. Ảnh minh họa

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cũng cho biết thành phố đang theo hướng lấy shipper làm thí điểm trao niềm tin cho người dân trong quá trình tự xét nghiệm và tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Trong các bộ tiêu chí mà thành phố xây dựng đã có sự thay đổi so với giai đoạn trước rất lớn. Doanh nghiệp phải tự làm, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. "Trong tương lai không còn loại giấy nào liên quan đến việc xét nghiệm và sẽ được tích hợp vào ứng dụng và thành phố đang xây dựng", ông Vũ nói.

Ông Vũ nhấn mạnh thời gian tới, doanh nghiệp có quyền chủ động trong tất cả các khâu của mình. "Quan điểm của thành phố sẽ chỉ kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên các tuyến đường. Theo đó các rào chắn sẽ được gỡ bỏ và sẽ kiểm tra, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên", ông nói.

Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Sở Công thương cho biết, TP đang theo hướng lấy shipper làm thí điểm, trao niềm tin cho người dân trong quá trình tự xét nghiệm, tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Trong tương lai sẽ không còn loại giấy nào liên quan đến xét nghiệm nữa, thay vào đó là thông tin được tích hợp trong ứng dụng TP đang triển khai.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, sáng mai (26/9), Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ có cuộc họp trực tuyến với cộng đồng các DN toàn quốc theo đề nghị của VCCI.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ sẽ lắng nghe để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN và bàn thảo hướng phục hồi kinh tế, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn "bình thường mới".

(Theo Gia đình và Xã hội)

Hà Nội: Đã có kết quả xét nghiệm 168 người liên quan ca COVID-19 tử vong ở Trần Nhân Tông

Tối 25/9, theo Sở Y tế Hà Nội, trong 12 giờ qua, thành phố không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới.

Với việc chỉ có thêm 4 F0 mới, hôm nay (25/9), là ngày Thủ đô Hà Nội ghi nhận số ca dương tính SARS-CoV-2 trong ngày thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.

Ca dương tính SARS-CoV-2 ở số nhà 21 Trần Nhân Tông bán bánh bao trước cửa tiệm vàng.

Liên quan đến trường hợp người đàn ông được phát hiện dương tính sau khi tử vong ở số 21 Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), CDC Hà Nội cho biết, tất cả các trường hợp F1 của ca này đều âm tính.

Cơ quan chức năng đã xác định được 168 người có tiếp xúc hoặc liên quan đến lịch trình dịch tễ của ông này. Cụ thể, có 16 F1, 29 F2 và 123 người liên quan.

Trước đó, ngày 24/9, UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có thông báo khẩn tìm người trên địa bàn TP. Hà Nội đã đến cửa hàng bánh bao 21 Trần Nhân Tông, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từ ngày 21/9/2021 đến ngày 23/9/2021.

UBND phường Nguyễn Du yêu cầu những ai đã đến địa điểm và thời gian trên tự cách ly tại nhà, thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc trên ứng dụng Ncovi, Bluezone và liên hệ ngay với Trạm y tế gần nhất hoặc Trung tâm y tế Quận Hai Bà Trưng (0243.9713337) hoặc CDC Hà Nội (0969.082.115/0949.396.115) để được hướng dẫn và tư vấn.

Trưa 24/9, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, TP ghi nhận 1 ca sàng lọc ho sốt là anh L.T.T. (SN 1973, ở địa chỉ 21 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người này sống tại khu vực ổ dịch cũ, được lấy mẫu ngày 23/9. Kết quả xét nghiệm dương tính ngày 24/9.

Sau khi anh T. tử vong, lực lượng chức năng cho xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính.

UBND phường Nguyễn Du đã có thông báo về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở số nhà 41A Triệu Vương và từ số nhà 11 đến số nhà 21 Trần Nhân Tông (gồm 3 hiệu vàng và 8 số nhà) phun khử khuẩn, đồng thời khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp liên quan đến ca F0.

Các cơ sở kinh doanh từ số nhà 11 đến số nhà 21 Trần Nhân Tông và số nhà 41A Triệu Việt Vương không ra khỏi nhà kể từ 11h30 ngày 24/9 đến khi có thông báo mới của ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của phường Nguyễn Du; Đề nghị người dân tự theo dõi sức khoẻ, khai báo y tế, có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi liên hệ ngay trạm y tế.

(Theo Dân Việt)

Từ 29/9, học sinh, giáo viên cần đáp ứng điều kiện gì để được trở về Đà Nẵng?

UBND TP Đà Nẵng vừa có kế hoạch cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về thành phố Đà Nẵng.

Trong đợt 1 này (từ 29/9-6/10), thành phố sẽ cho phép 17.002 người trở về. Trong đó, học sinh, học viên 7.915 người; giáo viên, nhân viên: 1.409 người; người hỗ trợ (đi cùng): 7.678 người.

Công dân trở về thành phố phải đảm bảo các điều kiện: có tên trong danh sách do Sở GD&ĐT cung cấp; không ở tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện Chỉ thị số 15, 16 và các địa phương có nguy cơ cao, rất cao (gọi chung là địa phương có dịch).

Việc cho phép học sinh trở về đảm bảo quyền lợi cho các em được đến trường tham gia học tập trực tiếp. Ảnh: Thanh Trần.

Riêng công dân đang ở tại các tỉnh, thành phố: An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Cần Thơ và TPHCM, UBND thành phố sẽ xem xét, cho phép trở về trong đợt tiếp theo khi các điều kiện chuẩn bị và hỗ trợ được thuận lợi hơn.

Đồng thời, phải có đơn có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn là đang tạm trú tại địa phương và địa phương đó không có dịch. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên hiện có nơi ở tại tỉnh Quảng Nam nhưng đang dạy/học tại thành phố Đà Nẵng và có nhu cầu đi về trong ngày sẽ được hướng dẫn riêng sau khi việc dạy học được tổ chức trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

UBND TP cũng lưu ý thêm, công dân trở về thành phố tự túc phương tiện đi lại đường bộ. Khi tới chốt kiểm soát phải khai báo y tế và xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (gộp 3 người/mẫu). Sau khi vào thành phố và đến nơi cư trú, phải thông báo với cơ quan y tế hoặc chính quyền, công an địa phương để được quản lí, giám sát, theo dõi sức khỏe; cách ly tại nhà 14 ngày

Theo UBND TP, việc cho phép thầy trò trở về nhằm đảm bảo số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục để bắt đầu các hoạt động dạy học trực tiếp khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố được kiểm soát. Đồng thời đảm bảo quyền lợi cho học sinh, học viên đến trường tham gia học tập trực tiếp.

(Theo Tiền Phong)

TP HCM dự kiến tháo gỡ hàng rào kẽm gai, chốt chặn trước 30-9

Ngày 25-9, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân HUBA" trực tuyến với chủ đề "Kế hoạch phục hồi kinh tế TP HCM trong giai đoạn bình thường mới".

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã chia sẻ một thông tin tích cực với các doanh nghiệp, là tại phiên họp ngày 24-9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã đề cập việc từ nay đến ngày 30-9, TP sẽ tháo gỡ ngay các chốt chặn.

Cụ thể, các hàng rào, dây kẽm gai, những hàng rào lá chắn sẽ được gỡ bỏ để từ ngày 1-10 sẽ có hướng mới. Riêng các cửa ngõ ra vào TP HCM vẫn còn chốt chặn để bảo vệ an toàn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Rào chắn dự kiến sẽ được TP HCM tháo gỡ từ nay đến 30-9.

"Quan điểm của TP HCM được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo TP HCM đưa ra hiện nay là sống thích nghi với Covid-19, và những bước đi tới đây phải linh hoạt, mềm dẻo, an toàn. Các gói hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp và người dân sớm phục hồi là cần thiết nhưng gói hỗ trợ cần nhất là nhu cầu được học tập, đi lại, làm việc, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn… Bởi điều quan trọng nhất doanh nghiệp mong muốn là quan điểm xuyên suốt, nhất quán, không thể đóng mở liên tục" – PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.

Dù chưa chốt phương án cuối cùng về kế hoạch sắp tới của TP HCM nhưng ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cũng cho biết quan điểm sắp tới TP sẽ kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Vì vậy, các rào chắn cứng sẽ bỏ, TP HCM chuyển sang kiểm tra ngẫu nhiên, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên.

Chẳng hạn, TP HCM sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên và nếu phát hiện vi phạm của cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp không theo tiêu chí về bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 thì xử phạt. Tinh thần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp. Phương án này sẽ đỡ việc tụ tập trên đường, đứng xét giấy có nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Tại buổi toạ đàm trực tuyến, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết các doanh nghiệp đang rất trông chờ được nắm bắt chính xác kịch bản về lộ trình khôi phục kinh tế của TP HCM để chuẩn bị tâm thế, điều kiện để tham gia tích cực ngay từ đầu.

(Theo Người Lao Động)

Đón người lao động từ các tỉnh trở lại TP.HCM ra sao?

(Theo Tiền Phong)

Nữ Giám đốc Mỹ phẩm ở Bạc Liêu 3 lần dương tính Covid-19 vẫn được ra viện

Ngày 25/9, theo thông tin của Báo Giao thông, bà N.H.N. (SN 1997), Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Đông Anh (địa chỉ ở phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cùng 3 người thân đã được ra viện.

Điều khiến dư luận đáng quan tâm là N. vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm gần nhất trước khi ra viện. Cụ thể, lần thứ nhất vào ngày 17/9, lần thứ 2 vào ngày 21/9 và lần thứ 3 vào ngày 23/9.

Cơ sở Mỹ phẩm Đông Anh (đường Trần Huỳnh, phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Gia Minh

Cùng ra viện có bà H.T.K.C. (mẹ của bà N.) cũng có kết quả xét nghiệm 3 lần dương tính cùng thời gian trên và cháu N. (con bà N.). Cháu N. có 2 lần dương tính vào các ngày 17/9 và ngày 21/9; một lần âm tính vào ngày 23/9.

Theo ngành Y tế Bạc Liêu, cả 3 trường hợp nêu trên được cho ra viện vẫn đúng với quy định.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản số 1191/SYT-NVY ngày 15/9/2021 về phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh có quy định người bệnh Covid-19 xuất viện khi có đủ các điều kiện sau:

Xuất viện vào ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm (+) với SARS-CoV-2 khi đạt các tiêu chuẩn: Có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiếu lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24h) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính, hoặc nồng độ virus thấp (CT 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới ra viện không quá 24h.

Căn cứ các quy định này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã làm giấy ra viện cho N.H.N., bà C. và cháu N.

(Theo Báo Giao Thông)

Thông tin mới hữu ích về việc đi lại liên tỉnh của người dân

Bộ GTVT vừa có văn bản tiếp thu về Tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tại dự thảo mới, Bộ GTVT quy định không tổ chức hoạt động vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép). Các cảng hàng không, ga đường sắt trên địa bàn địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16.

Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ: Tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ % phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải.

Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện mức độ bình thường mới: Tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường.

Ngoài ra, điểm mới nhất của dự thảo này chính là bỏ 2 phương án quy định đối với hành khách đồng thời bỏ quy định về tiêm vaccine, thay vào đó chỉ yêu cầu hành khách khi đi trên phương tiện vận tải (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19) phải thực hiện nghiêm "Nguyên tắc 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người tham gia giao thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong đó quy định về giới hạn tần suất chuyến, số lượng khách/chuyến và lộ trình nới lỏng dần theo các giai đoạn.

Nếu dự thảo lần 2 này được thông qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mốc dự kiến kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Dịch lan ra nhiều trường học ở Hà Nam với 41 học sinh, giáo viên mắc COVID-19

Ngày 25/9, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, trong 4 ngày qua, ngành giáo dục địa phương đã phát hiện 38 học sinh, 3 giáo viên mắc COVID-19 và hàng trăm trường hợp thuộc diện F1.

Hiện 41 học sinh và giáo viên mắc COVID-19 nói trên đã được chuyển đến các bệnh viện điều trị. Số giáo viên, học sinh diện F0, F1 này chủ yếu của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP Phủ Lý.

Kể từ ngày 21/9 khi chùm COVID-19 cộng đồng bùng phát, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở GD&ĐT thông báo cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 26/9.

Trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp trên, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đã trình ý kiến với UBND tỉnh để học sinh tiếp tục nghỉ đến khi có thông báo mới.

Trước mắt, ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị để tập trung vào phòng, chống dịch, đặc biệt trên địa bàn TP Phủ Lý. Còn việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, ngành giáo dục đã chuẩn bị kế hoạch này từ đầu năm và đang áp dụng. Riêng với số giáo viên và học sinh phải đi cách ly trong diện F0, F1 sẽ thực hiện giảng dạy và học tập bù sau khi đảm bảo điều kiện.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục. Ảnh: CDC Hà Nam

Trước đó theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, trong chiều và đêm 24/9, thông qua xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp Real-Time PCR, từ kết quả một số mẫu gộp được lấy tại cộng đồng, CDC Hà Nam tiếp tục lấy mẫu đơn để xét nghiệm khẳng định và phát hiện 15 trường hợp có kết quả dương tính đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh.

Trong số 15 ca mắc mới ghi nhận, có 8 trường hợp là giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Phủ Lý. Theo bác sĩ trong khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh nhân mới vào có khoảng 10% có triệu chứng bệnh. Còn những bệnh nhân khác sức khỏe tương đối ổn định.

Tính đến sáng 25/9, có 79 bệnh nhân đang điều trị tại BV Lao và Bệnh phổi Hà Nam, 7 bệnh nhân đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Hà Nam và một số bệnh nhân đang cách ly chờ chuyển vào viện.

(Theo Sức khỏe và Đời sống)

Thủ tướng: Cố gắng đến 30-9 nới lỏng giãn cách để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội

Sáng ngày 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường thị trấn.

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua, cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua, nhất là tuần vừa qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, những gì được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới, nhất là cho tuần tới.

Một nội dung hết sức quan trọng khác của cuộc họp là tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng dự thảo kế hoạch này với các chỉ tiêu, quy định, quy trình để đánh giá, thực hiện. "Cố gắng từ nay đến 30-9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội"- Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho biết ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp hết sức quan trọng, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt chính sách này để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động trên tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến, đặc biệt là cho ý kiến về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt.

Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại cuộc họp về tiếp tục hoàn thành một số giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ phòng chống dịch.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội hướng dẫn giám sát y tế người về từ Phủ Lý, Hà Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa có văn bản gửi Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc giám sát y tế với người về từ 12 xã/phường đang giãn cách xã hội tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Theo đó, hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại TP Phủ Lý đang diễn biến phức tạp khi ghi nhận nhiều ca bệnh (nhiều ca không rõ nguồn lây) tại nhiều phường, xã trên địa bàn. 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội, CDC Hà Nội đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát người về từ các xã, phường thuộc TP Phủ Lý đang thực hiện giãn cách xã hội từ 19/9.

Danh sách 12 xã/phường gồm: Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Thanh Châu, Thanh Tuyền, Liên Chinh, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Quang Trung, Phù Vân, Liêm Chung (danh sách các xã, phường sẽ thay đổi theo tình hình dịch).

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Với trường hợp có tiếp xúc với ca dương tính, CDC Hà Nội yêu cầu coi là người tiếp xúc gần (F1), cần thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung

Với các trường hợp khác, cần cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tính từ ngày đến Hà Nội, thực hiện lấy mẫu gộp để xét nghiệm sàng lọc. Với trường hợp cố triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng, mất vị giác, khứu giác, thì coi như ca nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tại cơ sở y tế.

Theo CDC Hà Nam, tính từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào chiều ngày 19/9, đến trưa 24/9, Hà Nam đã ghi nhận 64 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, đại đa số có địa chỉ tại TP Phủ Lý.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Đồng Nai có 6 huyện, thành phố trở lại bình thường mới

Ngày 25/9, Trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết trong 24 giờ qua tiếp tục ghi nhận 999 ca mắc COVID-19. Trong đó ghi nhận 1 ca trong cộng đồng tại phường Tân Mai (TP Biên Hòa). Đây là phường đã nhiều ngày liên tiếp ghi nhận các ca mắc rải rác trong cộng đồng; 135 ca phát hiện tại 5 doanh nghiệp 3 tại chỗ ở TP Biên hòa và huyện Nhơn Trạch. Lũy kế tổng số ca mắc COVID-19 tại Đồng Nai đến nay là 44.968 ca.

Tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin.

Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, sau gần 1 tuần thực hiện kế hoạch 11102 của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 trong tình hình mới, căn cứ vào các quy định liên quan, CDC Đồng Nai đã đánh giá lại mức độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ở phạm vi cấp huyện, có 1 đơn vị có nguy cơ rất cao là TP Biên Hòa; 4 huyện có nguy cơ cao là Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu; Có 6 địa phương được xếp ở trạng thái bình thường mới (tăng 1 địa phương so với tuần trước). Đó là các huyện, TP gồm Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh.

Ở quy mô cấp xã, có 14 xã, phường có nguy cơ rất cao (giảm 5); 21 xã, phường có nguy cơ cao (giảm 2); 23 xã, phường nguy cơ (giảm 2) và 112 xã, phường bình thường mới (tăng 9).

Ở quy mô ấp/khu phố, có 708 ấp/khu phố ở trạng thái bình thường mới; 115 ấp/khu phố nguy cơ; 62 ấp/khu phố nguy cơ cao và 44 ấp/khu phố nguy cơ rất cao.

Theo CDC Đồng Nai, số ca mắc mới tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

(Theo Tiền Phong)

Đã có nguyên nhân của vụ xô xát giữa người dân, lực lượng lấy mẫu ở TP.HCM

Ngày 25/9, UBND phường 4, quận 8, TP.HCM đã có báo cáo nhanh về vụ việc xô xát giữa người dân và lực lượng làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại địa chỉ 618/18 Phạm Thế Hiển.

Công an có mặt tại hiện trường vụ việc.

Theo đó, khoảng 9h30 ngày 24/9, tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của phường thực hiện nhiệm vụ tại tổ dân phố 9 (vùng vàng) giai đoạn 4, lấy mẫu lần 2 cho 60 hộ theo hình thức xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình.

Tổ lấy mẫu phường 4 phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố là bà Nguyễn Thị Hồng Minh phát que test và phiếu ghi thông tin, mời đại diện hộ gia đình tập trung tại khu vực trước số nhà 618/18 Phạm Thế Hiển để tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp không tự lấy mẫu và đề nghị nhân viên y tế hỗ trợ lấy mẫu.

Đến 10h15 cùng ngày, 59 hộ dân đã được tổ công tác hỗ trợ lấy mẫu xong. Tuy nhiên, còn trường hợp nhà 580/14 Phạm Thế Hiển đến sau cùng và đề nghị lấy bộ test về tự thực hiện.

Đội tình nguyện có trao đổi hoặc hỗ trợ lấy mẫu hoặc gia đình tự thực hiện và báo lại kết quả với tổ trưởng.

Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tranh cãi, khi lực lượng tình nguyện lấy xe máy di chuyển qua khu vực khác thì bị kéo ngã, sau đó có xảy ra sự việc như trong clip đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Theo UBND phường 4, trong số que test đã lấy thì có 2 mẫu que nghi ngờ mắc COVID-19 bị các đối tượng quá khích ném vào người hai tình nguyện viên.

Ngoài ra, các đối tượng này còn xé khẩu trang, đồ bảo hộ của các tình nguyện viên và khẩu trang của tổ trưởng tổ dân phố 9. Sau khi xảy ra sự việc, Công an phường 4 đã mời các bên về trụ sở để làm việc.

Hiện, vụ việc vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an quận 8 phối hợp với Công an phường 4 tiếp tục điều tra, làm rõ.

TP Phủ Lý sẽ phát phiếu đi chợ cho người dân trong vùng giãn cách

Tối 24/9, Ban chỉ huy Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid - 19 TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã tổ chức họp trực tuyến với các phường, xã bàn về các biện pháp phòng, chống dịch và giải pháp cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân vùng giãn cách phong tỏa.

TP Phủ Lý sẽ phát phiếu đi chợ cho người dân trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh: BHN)

Trong đó, TP Phủ Lý chỉ đạo các phường, xã phát phiếu đi chợ cho người dân tại khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, mỗi hộ 2 phiếu, 3 ngày/lần đi chợ. Còn đối với những khu vực phong tỏa, địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể thành lập tổ cung ứng hàng hóa, mỗi tổ dân phố, thôn, xóm thành lập một tổ để hỗ trợ người dân trong khu vực không có khả năng mua hàng. Ngoài ra, cần chú trọng quan tâm và ưu tiên các đối tượng chính sách, người neo đơn...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác và cam kết chỉ đến nơi làm việc và về nhà. Còn người dân khi đi ra đường phải có phiếu đi chợ. Song song với đó, các lực lượng tập trung rà soát truy vết để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tổ chức tiêm vaccine cho người dân.

Được biết, tính từ ngày 19/9 đến trưa 24/9/2021, toàn tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 64 ca dương tính với Sars-CoV-2, trong đó chủ yếu ở địa bàn TP Phủ Lý. Lực lượng chức năng đã xác định được 1.020 trường hợp F1; 3.771 trường hợp F2. Riêng TP Phủ Lý lập 68 chốt ở các khu vực phong tỏa do có F0 và 16 chốt kiểm soát và phân luồng giao thông, thực hiện phong tỏa 41 khu vực, có 1.357 hộ dân với 5.365 nhân khẩu.

Liên quan đến chùm lây nhiễm COVID-19 này, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã có Quyết định về việc thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Hà Nam tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 ở phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Quy mô của bệnh viện là 300 giường, thuộc bệnh viện hạng I.

Bệnh viện Dã chiến số 1 có chức năng thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện khám và điều trị cho người bệnh COVID-19 theo mô hình tháp bệnh viện 3 tầng.

(Theo Báo Giao Thông)

Ca mắc COVID-19 tăng nhanh dù hơn 80% dân số đã tiêm chủng, Singapore siết chặt để phòng dịch

Ngày 24/9 (theo giờ địa phương), Singapore cho biết nước này đã quyết định siết chặt hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tới hàng ngày tăng đang tăng lên nhanh chóng. 

Reuters nhận định dù Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới nhưng số ca mắc COVID-19 mới tại đây đã vượt mốc 1.000 trường hợp trong những ngày qua. Đỉnh điểm là vào ngày 23/9, Singapore đã ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày cao kỷ lục với 1.504 người.

Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Straits Times 

Trong một tuyên bố hôm 24/9, Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết: "Nhiều người mắc COVID-19 với những triệu chứng nhẹ vẫn tới bệnh viện điều trị nhưng chúng tôi thấy việc này không thật sự cần thiết".

Được biết, khoảng 82% dân số Singapore đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Do đó, 98% những ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận tại nước này không có triệu chứng hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, giới chức Singapore nói rằng việc số ca mắc mới tăng vọt trong những ngày qua đã trở thành một thách thức đối với hệ thống y tế nước này. 

Theo đó, Singapore đã quyết định siết chặt các quy định phòng dịch COVID-19. Cụ thể, người dân sẽ chỉ được phép tụ tập không quá 2 người tại nơi công cộng thay vì 5 người như hiện nay. Người cao tuổi được khuyến khích ở nhà. Các công sở chuyển sang làm việc từ xa. Học sinh tiểu học tiếp tục học trực tuyến đến ngày 7/10. Trường mẫu giáo vẫn mở cửa nhưng phụ huynh được khuyến khích nên tự trông con ở nhà. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.

Ông Gan Kim Young, Bộ trưởng Bộ Thương mại Singapore, cho biết quyết định siết chặt hạn chế là một quyết định rất khó khăn vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ông nhận định việc áp đặt hạn chế sẽ giúp hạn chế số ca mắc COVID-19 và giảm bớt gánh nặng cho lực lượng y tế.

Các quan chức y tế nhận định số ca mắc COVID-19 mới tại Singapore đã tăng lên gấp đôi sau khoảng 8 ngày. Do đó, nếu không có các biện pháp phòng dịch, số ca bệnh trong ngày có thể chạm mốc 6.000 trường hợp vào vài tuần tới.

(Theo Người Đưa Tin)

Tin cùng chuyên mục

Ăn chuối vào bữa sáng có giảm cân không? Tác động bất ngờ với cơ thể khi bạn ăn chuối buổi sáng

Ăn chuối vào bữa sáng có giảm cân không? Tác động bất ngờ với cơ thể khi bạn ăn chuối buổi sáng

6:47 | 29/05/2022

Chuối rất ngon và tốt cho sức khỏe. Chúng chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu và có lợi cho tiêu hóa, tim mạch. Với nhiều lợi ích như vậy, có nên ăn chuối vào bữa sáng?

Hệ thống cửa hàng mẹ bầu và em bé An Ú - Shop mẹ và bé uy tín chất lượng

Hệ thống cửa hàng mẹ bầu và em bé An Ú - Shop mẹ và bé uy tín chất lượng

12:00 | 24/05/2022

“Mua hàng ở An Ú, mình hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như giá cả” - đó là những chia sẻ rất xúc tích của chị Đinh Thảo - 27 tuổi ở Bắc Ninh.

Nongshim và kế hoạch trong tương lai ở thị trường Việt Nam

Nongshim và kế hoạch trong tương lai ở thị trường Việt Nam

16:08 | 23/05/2022

Mì Shin Xào sản phẩm mới ra mắt của Nongshim hứa hẹn gây bão ở thị trường Việt Nam trong tương lai gần

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.