Cùng khóc, cười ở nơi duy trì sự sống

7:32 | 28/11/2020

Trong khu trọ lụp xụp, hàng chục người bệnh cùng người nhà tá túc để duy trì cuộc sống bằng cách chạy thận nhân tạo. Tưởng chừng chỉ có những nỗi buồn sầu đeo bám, đâu ngờ tiếng cười vẫn rộn vang như đang thách thức với căn bệnh quái ác.

Sau cơn mưa bất chợt những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến khu trọ tại số nhà số 14, đường Tôn Thất Tùng, nằm phía sau Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (thuộc phường Nam Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình) để được gặp, tâm sự với những bệnh nhân chạy thận và người thân của họ.

Bà Cao Thị Thoại nhìn xa xăm rồi kể về câu chuyện của con trai bà. Ảnh: Hùng Trần

Những chuyện nghe trong nước mắt

Là người có "thâm niên" hơn 15 năm chăm sóc con trai phải chạy thận, bà Cao Thị Thoại (SN 1953, ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) được xem như "Xóm trưởng" của xóm trọ chạy thận này. Bà Thoại kể câu chuyện của đứa con tội nghiệp với đôi mắt đượm buồn.

Lê Ngọc Vương (SN 1992) là con trai út trong gia đình có 5 người con của bà Thoại. Cách đây gần 15 năm, khi chồng bà qua đời chưa lâu thì con út lại mắc bệnh viêm cầu thận, chạy chữa khắp nơi nhưng căn bệnh cứ nặng thêm khiến cậu bé mới 13 tuổi khi ấy phải chạy thận để duy trì sự sống. Bao nhiêu nỗi đau dồn dập đổ dồn lên gia đình như muốn xô gục người mẹ tội nghiệp. Nhưng vì con, bà Thoại phải mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cùng con chiến đấu với bệnh tật.

Mang bệnh trong người, sức khỏe anh Vương không tốt nên bà Thoại luôn phải theo sát để chăm sóc. Để giữ lại sinh mệnh cho con, bà Thoại đành phải xa người thân, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để cùng con vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế gần 3 năm. Sau thời gian đó, anh Vương được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Trong nỗi đau, sự buồn tủi vì bệnh tật, những bệnh nhân vẫn tìm lấy niềm vui cho cuộc sống.

"Vương bị bệnh phải chạy thận từ năm 13 tuổi. Thương con, tôi cố nén nước mắt để động viên con vì sợ Vương nghĩ dại không chịu trị bệnh thì không biết làm sao", bà Thoại cho biết.

Giờ đây, ở tuổi 28, cuộc sống của anh Vương vẫn phải gắn với những toa thuốc, những lần chạy thận mà anh cảm nhận "nó dài vô tận". Anh buồn vì đáng ra cái tuổi này anh đã có sự nghiệp, gia đình êm ấm để phụng dưỡng người mẹ tuổi xế chiều. Nhưng số phận đâu cho anh may mắn ấy, anh vẫn phải "làm khổ mẹ". Biết mẹ yêu thương chẳng tính toán nhưng anh luôn canh cánh trong lòng "món nợ" ấy.

Là hàng xóm của mẹ con bà Thoại ở xóm chạy thận, chị Nguyễn Thị Thương (SN 1982, quê tại xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa) cũng đã trở thành "lão làng" trong xóm với hơn 13 năm chạy thận.

Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, cha mất sớm, người mẹ tảo tần nuôi hai chị em Thương trưởng thành. Từng là cô sinh viên ngành Kế toán với mong muốn làm việc tại ngân hàng, nhưng thật không may bệnh tật bất ngờ ập đến phá tan giấc mơ của chị.

Lúc ấy, chị chỉ biết khóc và phó mặc số phận cho ông trời. Nhưng rồi người thân động viên, khuyên bảo, cô gái 19 tuổi mạnh mẽ vực dậy bắt đầu hành trình chống chọi với bệnh tật.

"Lúc đó, em khóc và không chịu đi chạy thận. Mọi người khuyên nhủ bảo có người nhỏ tuổi hơn cũng đang cố gắng chạy thận thì em cũng phải cố gắng như họ. Em chiến đấu với bệnh không chỉ vì em mà còn vì mọi người để họ không phải buồn khi phải mất em", chị Thương cho biết.

Những bệnh nhân chạy thận với khuôn mặt nhợt nhạt, làn da xanh xao, cánh tay nổi lên những khối u “to tướng”.

Thương con, nhưng chẳng biết làm gì để bệnh tật thôi dày vò con, bà Ngô Thị Rạng (mẹ chị Thương) cũng cạn nước mắt. "Nếu cho được thận tui cũng cho con, nhưng già vậy rồi không cho được nữa. Chỉ mong sao con khỏe mạnh để sống với tui là tui mừng lắm rồi", bà Rạng chia sẻ.

Để có kinh phí trang trải cuộc sống và thuốc thang, mẹ chị Thương ngoài lúc chăm con thì đi nhặt ve chai. Lúc cảm thấy khỏe, chị Thương cũng phụ mẹ đi nhặt ở khu vực gần chỗ trọ.

"Ngày nhiều cũng được khoảng 50.000 đồng, còn ngày mưa gió được vài chục nghìn đồng là may rồi. Từng đó cố gắng chắt bóp cũng mua được lạng thịt bó rau cải thiện bữa, còn lại để mua thuốc cho con gái", bà Rạng cho biết.

Trong xóm trọ ấy cũng có những người bệnh khác với những câu chuyện buồn riêng của mình, như cựu giáo chức Nguyễn Thị Bé (SN 1961) với 7 năm chạy thận, rồi anh Trần Xuân Khang (SN 1970), anh Đặng Ngọc Quý (SN 1986) với gần 5 năm "làm bạn" cùng chiếc máy chạy thận...

Đùm bọc lấy nhau để cùng vui sống

Họ thường tụ họp kể nhau nghe những câu chuyện vui rồi cùng nhau cười vui.

Trong không gian chật hẹp, ẩm mốc của dãy trọ cũ với những con người có khuôn mặt nhợt nhạt, làn da xanh xao, cánh tay nổi lên những khối u "to tướng" tưởng chừng chỉ có nỗi buồn bủa vây nhưng tiếng cười nói vẫn rôm rả của những con người bệnh tật đã phá tan đi không khí u ám.

Để không còn những lúc một mình suy nghĩ về bệnh tật rồi buồn bã, những người trong xóm trọ thường tụ họp trong khoảng sân nhỏ rồi kể cho nhau nghe về những kỉ niệm vui mà mình đã từng trải qua, cùng nhau nói cười vui vẻ để quên bớt những muộn phiền trong lòng.

Những bệnh nhân này ví bản thân như những cây đèn dầu, mỗi tuần 3 lần họ lại phải đi lọc dầu, tiếp dầu để duy trì sự tồn tại của mình. Họ ý thức sâu sắc ý nghĩa của cuộc sống, sự sống mong manh của sinh mạng bản thân. Điều này càng khiến họ gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau cùng tạo niềm vui, động lực sống cho nhau.

Mặc dù ai cũng nghèo đói nhưng vẫn chia sẻ cho những người khó khăn hơn để cùng nhau vui vẻ sống. Những "người cùng khổ" luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành nhất.

Cuộc sống của họ luôn gắn với thuốc và máy móc hỗ trợ.

"Chúng tôi xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình rồi. Ở đây mọi người có bệnh thận từ khắp các nơi trong tỉnh về chung sống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Dần rồi xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà", bà Nguyễn Thị Bé cho biết.

Như một đại gia đình, những con người này chẳng nỡ xa nhau, họ chẳng tưởng tượng nổi cuộc sống, bệnh tật của họ đã ra sao nếu không gặp được những người cùng cảnh ngộ.

"Chỗ ở có hơi ẩm thấp, dột nát, hè thì nóng như thiêu, đông thì lạnh buốt nhưng vẫn không nỡ chuyển đi vì ở một mình sợ buồn mà chết", ông Đinh Hữu Niên, một bệnh nhân trong xóm trọ cho biết.

Trên con đường dài chống chọi và bệnh tật, có những người đã phải dừng chân khi cơ thể đã quá mỏi mệt. Nhưng chắc họ cũng không mấy nuối tiếc vì đã có quãng thời gian sống vui, ý nghĩa cùng những "người thân khác họ".

Rời khu trọ, lòng còn nhiều băn khoăn vì chúng tôi biết quá trình điều trị bệnh còn dài, sẽ còn nhiều khó khăn mà các bệnh nhân phải vượt qua. Những chiến binh này cũng rất cần sự hỗ trợ để họ viết tiếp sự sống của mình. Để cuộc sống vẫn còn những câu chuyện ý nghĩa, để họ vẫn có thể truyền phần nào tinh thần chống chọi bệnh tật cho mọi bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục

Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng cao hơn?

Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng cao hơn?

6:00 | 16/04/2024

Nâng hạng giấy phép lái xe ô tô là yêu cầu bắt buộc nếu như người lái xe muốn được cấp phép điều khiển các loại ô tô khác theo quy định. Trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng?

4 trường hợp lái xe được từ chối nhận khách có hành vi gây bất lợi

4 trường hợp lái xe được từ chối nhận khách có hành vi gây bất lợi

8:50 | 15/04/2024

Theo Điều 59 dự thảo Luật Đường bộ, lái xe, nhân viên phục vụ được từ chối vận tải hành khách nhằm đảm bảo quyền của người lao động.

8 loại biển báo tốc độ trên đường cao tốc phổ biến nhất lái xe phải nắm rõ

8 loại biển báo tốc độ trên đường cao tốc phổ biến nhất lái xe phải nắm rõ

6:00 | 14/04/2024

Việc di chuyển trên đường cao tốc có giới hạn mức tốc độ nhất định được thể hiện trên các biển báo giao thông. Do đó, việc nắm rõ các loại biển báo tốc độ sẽ giúp lái xe tránh được những lỗi không đáng có.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.