Ghép thận: Quy trình ghép và những điều cần biết

15:40 | 21/10/2021

Ghép thận là phương pháp tối ưu nhất giúp cải thiện và kéo dài cuộc sống của người bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Ghép thận mang lại lợi ích, hạnh phúc cho bệnh nhân, gia đình người bệnh và cho xã hội.

Mới đây, tờ The New York Times đưa tin, các bác sĩ tại Bệnh viện N.Y.U. Langone (New York, Mỹ) đã ghép thành công quả thận từ lợn được biến đổi gen cho người. Sau khi được đưa vào cơ thể, quả thận hoạt động bình thường.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc sử dụng thận của lợn biến đổi gen sẽ giúp hạn chế khả năng cơ quan cấy ghép bị cơ thể con người đào thải. Các nhà khoa học cũng đã mất rất nhiều thời gian để có được quả thận từ lợn phù hợp cho việc cấy ghép ở người. Bệnh nhân được cấy ghép quả thận của lợn là một người bị chết não và đang được duy trì sự sống bằng máy thở.

 “Cuộc phẫu thuật tốt hơn chúng tôi mong đợi. Nó giống như mọi lần tôi dùng nội tạng từ người cho sống để cấy ghép. Một số quả thận từ người chết không hoạt động ngay mà phải chờ vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, quả thận trên hoạt động ngay lập tức”. Zing dẫn lời BS Robert Montgomery (Trưởng nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện N.Y.U. Langone).

Theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề cần phải đối mặt để khẳng định sự thành công của kỹ thuật cấy ghép này nhất là tuổi thọ của cơ quan được cấy ghép, vì cuộc phẫu thuật được tiến hành trên người nhận chết não và quá trình theo dõi chỉ kéo dài 54 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây vẫn là một bước tiến lớn về y học. Không chỉ dừng lại ở thận, kỹ thuật này còn mở ra tiềm năng có thể tạo ra các cơ quan thay thế khác từ lợn như tim, phổi, gan để phục vụ cho việc ghép tạng ở người.

Ca phẫu thuật ghép thận của lợn cho người đầu tiên trên thế giới. Ảnh: NYU Langone

1. Ghép thận là gì?

Ghép thận là lấy một quả thận có chức năng tốt từ người cho để ghép vào cơ thể của người nhận. Vị trí thuận lợi nhất để đặt thận mới thường là vùng hố chậu bên phải (cũng có thể là bên trái). Động mạch và tĩnh mạch thận ghép sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch chậu cùng bên, niệu quản thận ghép sẽ được khâu nối vào bàng quang.

Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt (thận đa nang quá to, thận bệnh bị viêm mãn tính nặng, hẹp động mạch thận nặng). Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng.

2. Nguồn thận để ghép

Nguồn thận ghép có thể từ người cho sống hoặc người cho chết não, người cho tim ngừng đập. Nguồn thận ghép từ hiến thận khỏe mạnh có thể cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột hoặc anh chị em họ hàng xa hơn) và không cùng huyết thống. Những trường hợp không cùng huyết thống phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh chứ không được mua bán (luật pháp cấm mua bán tạng).

Người chết não, ngừng tuần hoàn có lấy được thận để ghép hay không do hội đồng chuyên môn của bệnh viện quyết định. Những thận này có thể đã bị tổn thương do thiếu máu trước khi người cho qua đời và chức năng của chúng thường bị suy giảm do hoại tử ống thận cấp; tuy nhiên, theo thời gian, chúng dường như hoạt động tốt như thận từ những người cho đáp ứng được điều kiện tiêu chuẩn (gọi là những người cho đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn [SCD]).

Đối với người hiến thận, khi hiến 1 quả thận thì quả thận còn lại vẫn đảm đương chức năng của cả 2 thận. Do đó người hiến thận nếu được tư vấn, khám xét và làm các xét nghiệm đầy đủ, chính xác thì việc ghép thận để ghép cho người khác là đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người hiến. Vì vậy người muốn hiến thận phải được tư vấn, hiến thận tại các bệnh viện có chuyên khoa ghép thận.

3. Đối tượng chỉ định ghép thận

Ghép thận được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc mất thận phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng chu kỳ. Tuổi từ 6 tháng đến 64 tuổi – cá biệt có thể cao hơn 70 tuổi.  

Những bệnh nhân ghép thận phải có tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường để có thể tiến hành phẫu thuật ghép thận và tuổi tốt nhất dưới 60.

Hình ảnh thận được ghép. Ảnh: BV Tâm Anh

4. Đối tượng chống chỉ định ghép thận

Những người bị ung thư, đang bị nhiễm khuẩn cấp, rối loạn tâm thần, cường giáp chưa điều trị ổn định.

Người bị xơ gan hoặc viêm gan mạn hoạt động, nhiễm HIV, giang mai, lao, lupus ban đỏ.

Các trường hợp có bệnh tiểu đường cần cân nhắc kỹ khi ghép thận.

5. Các xét nghiệm cần làm khi ghép thận

Khi đã đủ điều kiện ban đầu để tuyển chọn nhận thận và hiến thận, cả người nhận và hiến thận sẽ được làm các xét nghiệm nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận và hiến (nhóm máu, định danh HLA, crossmatch, kháng thể kháng HLA).

Tình trạng sức khỏe chung của cả 2 người (các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng...), tình trạng giải phẫu chức năng mạch máu thận của người hiến và mạch máu vùng chậu của người nhận.

Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu nhận và hiến thận, được hội đồng chuyên môn của bệnh viện thông qua, thì phẫu thuật lấy thận để ghép và phẫu thuật ghép thận sẽ được tiến hành đồng thời.

6. Ghép thận gồm các bước

6.1. Giám định y khoa

Người nhận thận cần phải lấy máu và chụp X-quang để được kiểm tra nhóm máu và các yếu tố phù hợp khác để xác định xem liệu cơ thể người nhận sẽ chấp nhận một quả thận có sẵn hay không.

Bác sĩ sẽ kiểm tra người nhận thận có đủ sức khỏe để phẫu thuật. Nếu đang mắc hoặc có dấu hiệu bệnh ung thư, nhiễm trùng nặng, hoặc một bệnh tim mạch, việc cấy ghép có thể sẽ diễn ra không thành công.

Người nhận thận cần hiểu và thực hiện theo đúng giờ giấc uống thuốc. Nếu một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè muốn hiến tặng thận, họ cần phải được đánh giá sức khỏe nói chung và xem liệu quả thận có tương thích tốt với cơ thể người nhận thận hay không.

6.2. Chờ thông tin thận hiến tặng

Nếu việc thẩm định y khoa cho thấy người nhận thận là một ứng cử viên tốt cho việc cấy ghép, nếu không có thành viên nào trong gia đình có thể hiến tặng thận, người nhận thận sẽ được đưa vào danh sách chờ đợi chương trình cấy ghép để nhận thận từ một người đã chết hiến tặng (một người vừa qua đời).

Tìm hiểu thông tin về người hiến tặng thận, người cần ghép thận có thể đến các cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô tạng như: BV Hữu Nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi Trung ương; BV Bạch Mai; BV 198; BVĐK Xanh Pôn; BV TW Huế; BV ĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; Đại học Y dược TPHCM; BV Nhân dân 115; BV Đa khoa Kiên Giang.

6.3. Xét nghiệm xác định độ tương thích

Thời gian sẽ phải chờ đợi phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu được xác định bởi mức độ phù hợp giữa người nhận và người hiến tặng thận. Sự phù hợp thận được xác định bước đầu dựa vào hai yếu tố:

Nhóm máu: Nhóm máu (A, B, AB, O hoặc) phải phù hợp với nhóm máu của người hiến.

Các yếu tố HLA: HLA là viết tắt của kháng nguyên bạch cầu người, một vùng di truyền được đánh dấu trên bề mặt các tế bào bạch cầu. Người nhận thừa hưởng một bộ ba kháng nguyên từ mẹ và một bộ ba từ cha của mình. Số lượng các kháng nguyên phù hợp càng cao, sẽ làm tăng cơ hội thận của người nhận sẽ kéo dài trong một thời gian dài.

Nếu người nhận được lựa chọn trên cơ sở của hai yếu tố đầu tiên, yếu tố thứ ba sẽ được đánh giá.

Kháng thể: Hệ thống miễn dịch của người nhận có thể sản xuất ra kháng thể chống lại một cái gì đó trong các mô của người hiến tặng. Để xem liệu có trường hợp này hay không, một mẫu máu nhỏ của người nhận sẽ được trộn với một mẫu máu nhỏ của người hiến tặng trong một ống. Nếu không có phản ứng xảy ra, cơ thể người nhận có thể sẽ chấp nhận thận của người hiến. Nhóm cấy ghép có thể sử dụng việc tương thích chéo âm tính để mô tả việc không có phản ứng này.

6.4. Phẫu thuật cấy ghép

Người nhận và người hiến tặng sẽ được thực hiện cùng một lúc, ở những phòng cạnh nhau. Một nhóm các bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện cắt lấy thận từ người hiến, trong khi một nhóm người khác chuẩn bị việc nhận quả thận được hiến tặng.

Người nhận thận sẽ được gây mê toàn thân để ngủ trong thời gian cấy ghép, thường mất 3 hoặc 4 tiếng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết cắt nhỏ ở vùng bụng dưới, các động mạch và tĩnh mạch từ quả thận mới sẽ được gắn vào động mạch và tĩnh mạch của người nhận. Niệu quản từ quả thận mới sẽ được kết nối với bàng quang của người nhận.

Thông thường, quả thận mới sẽ bắt đầu làm cho người nhận có nước tiểu ngay sau khi máu bắt đầu chảy qua nó, nhưng đôi khi phải mất một vài tuần trước khi nó có thể bắt đầu làm việc.

6.5. Phục hồi sau phẫu thuật

Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật lớn, người bệnh có thể sẽ cảm thấy đau và chệnh choạng khi thức dậy. Ở một số trường hợp người nhận cấy ghép cho rằng họ cảm thấy tốt hơn nhiều ngay sau khi phẫu thuật.

Người bệnh cần ở lại bệnh viện trong khoảng một tuần để hồi phục sau phẫu thuật và có thể lâu hơn nếu có bất kỳ biến chứng nào.

Sau ghép thận, thải ghép thận là phản ứng của cơ thể khi nhận thận.

7. Biến chứng khi ghép thận

Thải ghép thận là phản ứng của cơ thể khi nhận thận, đây là biến chứng thường gặp và quan trọng nhất sau ghép thận. Vì vậy, người bệnh cần phải sử dụng thuốc chống thải ghép thận theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dừng hoặc quên uống.

Cơ thể sẽ bị suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm virus và nhiễm trùng do uống thuốc chống thải ghép thận.

Người bệnh có thể bị biến chứng đái tháo đường mới xảy ra sau ghép do tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép. Những người tiền sử gia đình đái tháo đường hoặc béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc biến chứng này.

Mắc các bệnh tim mạch sau khi ghép thận.

Một số người bệnh sau khi ghép thận sẽ bị tăng cao cholesterol và triglycerid.

Những loại thuốc chống thải ghép thận có thể gây ung thư như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung (ở nữ) và ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng (ở nam).

Người bệnh có thể bị mắc bệnh lý xương – bệnh thận mạn (rối loạn chuyển hóa xương và khoáng) sau ghép thận. Biến chứng này khiến xương yếu và giòn dẫn đến dễ bị gãy.

Người bệnh có thể bị thiếu máu. Biến chứng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nếu không điều trị sớm có thể gây thiếu máu các cơ quan, dẫn đến suy tim.

Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép (cyclosporin) khiến người bệnh ghép thận có thể bị biến chứng gút do tăng axit uric.

8. Tuổi thọ của người ghép thận

Tuổi thọ của người ghép thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thận người cho có cùng huyết thống hay không, của người chết não hay người sống. Nếu cùng huyết thống thì sau 5 năm là 95-98%, sau 10 năm là 75-85% và sau 20 năm là 50%. Tuổi thọ trung bình của người ghép thận có thể sống là khoảng 15 - 20 năm nếu điều trị và tuân thủ tốt.

Người cần ghép thận nên đến các bệnh viện uy tín để tìm hiểu thông tin về người hiến thận. Ảnh: TL

9. Những lưu ý sau khi ghép thận

Uống thuốc đầy đủ hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Cần tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cho phù hợp.

Cân nặng và huyết áp phải được theo dõi hàng ngày để duy trì chế độ ăn không tăng cân và dùng thuốc duy trì huyết áp cho phù hợp.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.

Nên ăn đồ ăn đã nấu chín, không ăn đồ sống, đồ biển, nước chưa đun sôi, sữa tươi, rau quả đã dập nát.

Kiêng rượu và các đồ uống có cồn khác.

Nên ăn thức ăn ít muối, ít chất béo, ít đường.

Không nên ăn các loại đậu.

10. Các bệnh viện ghép thận ở Việt Nam:

Bệnh viện Thận Hà Nội: địa chỉ số 70 Đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Bệnh viện Bạch Mai: địa chỉ số 78 Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh viện Việt Đức: địa chỉ số 8 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm,Hà Nội.

Bệnh viện 103 (Học viện quân y): địa chỉ số 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: địa chỉ số 12 Chu Văn An, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108: địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: địa chỉ số 479 – Đường Lương Ngọc Quyến – TP Thái Nguyên.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec: địa chỉ số 458 Minh Khai – Hai Bà Trưng – Hà Nội.

Bệnh viện Trung ương Huế: địa chỉ số 16 Lê Lợi – Huế.

Bệnh viện Chợ Rẫy: địa chỉ số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TPHCM.

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM: địa chỉ số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM.

Bệnh viện Nhân dân 115: địa chỉ số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TPHCM.

Tin cùng chuyên mục

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

8:24 | 17/04/2024

Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy tham khảo từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.