Hành trình trở thành nữ giám đốc của cô gái mắc bệnh xương thủy tinh

11:44 | 18/04/2021

Dù bị khiếm khuyết về cơ thể, không chịu khuất phục trước số phận nghiệt ngã, Nguyễn Thị Thu Thương (SN 1983, Hà Nội) – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade luôn lạc quan, tạo dựng cơ nghiệp, giúp đỡ được nh

Tuổi thơ gắn liền với những giọt nước mắt

Sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, khác biệt hẳn với 3 anh chị em còn lại, Nguyễn Thị Thu Thương (SN 1983, Hà Nội) mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Ngay từ khi còn nhỏ, Thương chỉ có thể nằm yên một chỗ và phải nhờ sự giúp đỡ của người thân nếu muốn đi đâu đó. Chỉ cần va vấp nhẹ, xương của Thương có thể gãy bất cứ lúc nào, thậm chí nằm liệt giường đến mấy tháng.

Cũng giống như bao đứa trẻ khác, đến tuổi đi học Thương cũng háo hức được tới trường gặp bạn bè, thầy cô. Nhưng đi học được vài buổi, bố mẹ đã phải xin cho Thương nghỉ học vì sợ các bạn trong lớp nô đùa vô tình chạm làm gãy xương. “Các bạn trong lớp hay chạy nhảy và nghịch ngợm. Khi va phải tôi bị ngã là gãy xương. Cảm giác rất đau đớn. Thêm nữa, lớp cũng khá đông nên việc học rất khó khăn với tôi”, Thương kể.

Nguyễn Thị Thu Thương lạc quan, yêu đời bên những sản phẩm do học viên của Thương Thương Handmade làm ra.

Không thể đến trường, ở nhà, Thương nhờ mẹ và em gái hướng dẫn cách đọc, cách viết và được các anh chị tình nguyện viên dạy thêm văn hóa. Mặc dù không thể đi lại, Thương vẫn luôn sống lạc quan, yêu đời. Rảnh rỗi, cô lại học hát trên TV hay theo mẹ đi buôn bán.

Vượt lên số phận, tạo dựng cơ nghiệp

Bước sang tuổi 20, Thương đã dần suy nghĩ đến tương lai sau này. Làm thế nào để không phụ thuộc vào bố mẹ? Làm thế nào có thể lo liệu cho cuộc sống của bản thân? Những câu hỏi đó liên tục xuất hiện trong tâm trí và thôi thúc cô gái nhỏ ấy cách tự “bước đi” bằng chính đôi chân của mình. Không chịu khuất phục trước số phận, Thương đã đi học nghề và thành lập công ty đứng tên mình.

Thuở bé, mỗi khi nhìn mẹ làm may, Thương luôn thích ngắm nhìn những sợi chỉ óng mượt, từng đường kim mũi chỉ được trau chuốt, những âm thanh máy khâu dập dập liên hồi. Ước mơ được tiếp sức khi Thương vô tình xem được chương trình “Người tốt việc tốt” phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội, nói về một trung tâm giúp đỡ những người khuyết tật làm việc và không từ bỏ khát vọng sống.

Các nhân viên đang cặm cụi và tỉ mỉ làm việc.

Ngay sau đó, Thương đã xin mẹ tới cơ sở dạy nghề “Vì ngày mai” để theo học. Ở đây, cô được học cách để làm ra những sản phẩm hoàn toàn thủ công như đan cườm, đan len,…. Dù đôi tay yếu ớt, Thương vẫn cần cù, chăm chỉ từng ngày để theo kịp với các bạn. Chỉ sau 3 tháng, cô đã thành thạo từng kỹ thuật mà thầy cô truyền dạy. “Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên bán được sản phẩm do tự tay mình làm ra. Đó là cái lưới bắt cá bán được 20.000 đồng. Lúc cầm tiền trong tay, hai mẹ con tôi rất xúc động. Dù bản thân mất 90% sức lao động nhưng vẫn có thể kiếm được tiền”, Thương tâm sự.

Từ đó, Thương càng được tiếp thêm động lực để làm nhiều sản phẩm hơn. Ban đầu, sản phẩm bán ra không có khách mua nhưng “học lỏm” được kiến thức máy tính từ các anh chị tình nguyện viên, Thương đã tự mày mò lập cho mình một website bán hàng chuyên nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ, lượng khách và đơn hàng ngày càng tăng.

Sản phẩm hộp trang sức 5 mặt.

 

Tranh giấy xoắn - Cô thôn nữ gánh sen.

Sau 10 năm ấp ủ, vào tháng 6/2013, Thương đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Trong căn nhà nhỏ vỏn vẹn 40m2, thời điểm ban đầu công ty chỉ có khoảng 10 nhân viên, nhờ website www.thuongthuong.net, công ty được nhiều người biết tới hơn và hiện tại đã có gần 20 người làm việc. “Lúc đầu mở công ty cũng gặp khó khăn về tiền vốn. Nhưng tôi vẫn quyết làm vì đó là ước mơ ấp ủ từ lâu. Nhưng được cái may là tôi từng có kinh nghiệm kinh doanh nên cũng đỡ vất vả”, Thương cho biết.

Đối tượng làm việc khá đa dạng bao gồm người khuyết tật, tim bẩm sinh và các trường hợp chạy thận. Chị Hoàng Thị Hương (SN 1982, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi biết đến Thương Thương Handmade qua một người bạn làm ở đây giới thiệu. Tôi mới vào làm được 10 ngày thôi, chị Thương cùng các anh chị giúp đỡ tôi nhiệt tình lắm”, chị Hương hạnh phúc nói.

Còn anh Trương Văn Truyền (SN 1987, Thanh Hóa) bộc bạch: “Mọi người ở đây sinh hoạt như gia đình. Ấn tượng nhất là khi chúng tôi cùng tham gia chương trình ca nhạc để ủng hộ cho những người khuyết tật. Tôi rất vui vì chính mình cũng có thể giúp đỡ người cùng cảnh ngộ để họ có thêm động lực tiếp tục sống”, anh Tuyền nói.

Thu Thương nhận giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) 2015 do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội HIWC trao tặng.

Thu nhập trung bình hàng tháng phụ thuộc vào số lượng sản phẩm làm ra, thông thường mỗi người thu nhập từ 3-5 triệu/tháng. Sản phẩm của Thương Thương handmade chủ yếu bao gồm tranh, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt, các loại tranh phong cảnh trang trí bằng giấy cuốn, thiệp giấy… Hầu hết, những sản phẩm được bán tại sự kiện, hội trợ, các đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, trường đại học và xuất khẩu ra nước ngoài như: Đức, Mỹ, Séc…

Hàng của công ty có giá cao hơn ngoài thị trường tầm khoảng 3-4 nghìn đồng. Nhưng các mặt hàng tại Thương Thương Handmade đảm bảo chất lượng và độ thẩm mỹ cao hơn. Thương Thương Handmade luôn đặt ra mục tiêu là khách hàng mua vì họ thấy đẹp và cảm nhận trong mỗi tác phẩm chứa đựng từng câu chuyện trong đó, không phải họ đến bằng sự thương hại.

Năm 2014, Nguyễn Thị Thu Thương đã được Trung ương Đoàn trao Bằng khen Gương Thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi, góp mặt trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tôn vinh “Tấm gương nghị lực” năm 2014. Nhận giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) 2015 do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội HIWC trao tặng). Chị cũng được tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” của Tập đoàn Microsoft; được tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội. Ngoài ra, Thu Thương cũng nằm trong top 24 gương mặt Hạt giống tâm hồn Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

6:05 | 03/12/2023

Khi nhắc đến nơi bí ẩn nhất Trung Quốc, Shennongjia chắc hẳn sẽ hiện lên trong tâm trí nhiều người. Khu vực cấm nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Hồ Bắc này luôn thu hút sự chú ý của vô số nhà thám hiểm và nhà khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tài nguyên sinh thái phong phú.

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

15:40 | 30/10/2023

Hơn 13 triệu đồng của bạn đọc hảo tâm gửi qua Báo Sức khỏe và đời sống đã được kết chuyển đến với gia đình chị Lê Thị Thúy có chồng bị liệt nửa người sau đột quỵ và con bị ung thư máu.

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

15:39 | 29/10/2023

Ròng rã suốt 6 năm chạy chữa, vợ chồng anh Lực mới có được bé Minh Ngọc. Căn bệnh tim bẩm sinh khiến bé gái 2 tháng tuổi đang phải từng ngày giành giật sự sống và hiện cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật vì hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.