Thế giới vượt 33 triệu ca mắc COVID-19, Indonesia sáng chế thành công máy phát hiện virus nCoV

11:26 | 27/09/2020

Tổng số ca mắc COVID-19 trên tòan thế giới đã hơn 33 triệu người, trong đó có gần 1 triệu ca tử vong. WHO cảnh báo số ca tử vong trên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi, nếu các biện pháp phòng ngừa không được duy trì.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 281.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt mốc 33 triệu ca, trong đó gần 1 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (88.942 ca), Mỹ (trên 38.000 ca) và Brazil (25.412 ca) và xếp theo thứ tự quốc gia có số ca tử vong cao nhất là Ấn Độ (1.123 ca), Brazil (697 ca) và Mỹ (670 ca). 

Xét theo khu vực, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ Latinh và Caribe  với 338.254 ca tử vong trong tổng số 9.095.347 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 229.335 ca tử vong trên 5.199.762 ca mắc bệnh. Châu Á ghi nhận 132.856 ca tử vong trong số 7.762.046 ca mắc COVID-19; trong khi con số này tại Trung Đông, châu Phi và châu Đại Dương lần lượt là 44.120, 34.853 và 945 người.

Khi số ca tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi, lên tới 2 triệu người nếu các biện pháp phòng ngừa không được duy trì. 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu tích cực trong phòng ngừa COVID-19 khi mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yogyakarta Gadjah Mada (UGM - Indonesia) thông báo đã sáng chế thành công một loại máy dò giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 qua hơi thở. Công cụ này có tên gọi là “GeNose”, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây giúp chẩn đoán COVID-19 theo thời gian thực. Theo nghiên cứu, GeNose được cho là hiệu quả hơn các xét nghiệm PCR và chính xác hơn nhiều so với các phương pháp test nhanh.

Bà Dian Kesumapramudya Nurputra - một trong các nhà nghiên cứu của UGM tham gia dự án GeNose cho hay, bộ công cụ này được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc nối lại các hoạt động kinh tế bất chấp đại dịch COVID-19. GeNose hoạt động bằng cách phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có chứa virus SARS-CoV-2 từ hơi thở của bệnh nhân. Nhờ sự hỗ trợ của nhiều cảm biến và công nghệ trí tuệ nhân tạo, bộ công cụ này có thể xác định liệu hơi thở của người nghi nhiễm có chứa virus hay không.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, ông Kuwat Triyana - Trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Toán và Khoa học của UGM (FMIPA) nhận định, máy dò này đã được thử nghiệm với độ chính xác lên tới 97% trên 600 mẫu bệnh phẩm hợp lệ thu được từ Bệnh viện Bhayangkara và Bệnh viện Bambanglipuro của Yogyakarta.

Tại Mỹ, hãng Johnson&Johnson cũng thông báo đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 trên 60.000 người ở 3 châu lục. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ tư được thử nghiệm ở giai đoạn cuối ở Mỹ.

Chia sẻ từ Johnson&Johnson cho biết, đầu năm tới có thể sẽ có kết quả thử nghiệm. Nếu kết quả tích cực thì vaccine này có thể sẽ được chính phủ Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp sau đó. Hiện Johnson&Johnson đang tìm kiếm các tình nguyện viên là người trưởng thành ở Mỹ và nhiều nước khác bao gồm Brazil và Nam Phi. Dự kiến cuộc thử nghiệm này sẽ tốn khoảng 480 triệu USD.

Ảnh minh họa: Plataforma

Ngoài ra, Johnson&Johnson cũng đang phối hợp với chính phủ Anh trong một nghiên cứu khác cũng ở giai đoạn 3 nhằm xác định độ an toàn của một loại vaccine hai liều ngừa COVID-19.

Trước đó, hồi tháng 8, hãng này đã ký hợp đồng 1 tỷ USD với chính phủ liên bang nhằm cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Mỹ nếu vaccine được chứng minh thành công sau thử nghiệm và được phê duyệt sử dụng. Dự kiến trong năm 2021, Johnson&Johnson sẽ sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới.

Trong khi đó, chính phủ Brazil thông báo sẽ tham gia chương trình tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy. Nước này cũng tuyên bố sẽ giải ngân 453,8 triệu USD cho hợp đồng mua vaccine đầu tiên thông qua WHO. Khoản kinh phí trên sẽ giúp đất nước đảm bảo khoảng 10% dân số được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 cho đến cuối năm 2021,

Quyết định tham gia chương trình COVAX của Brazil là sự hợp tác để các nước nghèo nhất cũng có thể tiếp cận được vaccine. Thông báo trên cũng nêu rõ việc tham gia chương trình COVAX sẽ không cản trở Brazil ký kết các thỏa thuận song phương khác liên quan đến vấn đề mua vaccine từ các hãng dược tư nhân hay nhà nước ở một số quốc gia khác. 

Tin cùng chuyên mục

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

9:52 | 21/04/2024

Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương còn được biết đến với tên gọi là Bạch tuộc khổng lồ Bắc Thái Bình Dương là một loài bạch tuộc cỡ lớn trong chi Enteroctopus phân bố ở bờ biển phía Bắc Thái Bình Dương và có ở California, Oregon, Washington, British Columbia, Alaska, Nga, Bắc Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

8:53 | 03/04/2024

Siêu gia tộc Rothschild có đế chế đa ngành, bắt đầu từ ngành ngân hàng và sự giàu có của họ đã trải rộng khắp thế giới.

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

8:20 | 28/03/2024

Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm được thủy thủ đoàn trên con tàu container phát ra đã giúp cứu sống nhiều người.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.