Mang điều kỳ diệu đến những nụ cười 'khuyết'

5:00 | 31/05/2022

Theo thống kê tại Việt Nam, ước tính cứ 700 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị khe hở môi, vòm miệng và dị tật hàm mặt. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng đã được tổ chức mang đến điề

Cứ 700 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị dị tật khe hở môi, vòm miệng

Theo thống kê tại Việt Nam, ước tính cứ 700 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị khe hở môi, vòm miệng và dị tật hàm mặt. Những khiếm khuyết về thể chất không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Tỷ lệ trẻ mới sinh ra mắc dị tật này chưa được phẫu thuật tồn đọng mỗi năm ở Việt Nam đã lên đến 10.000 trẻ em.

Trong khuôn khổ chương trình Tháng Phẫu thuật nhân đạo cho trẻ dị tật môi - vòm miệng, Bệnh viện E, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các trẻ em dị tật khe hở môi, vòm miệng tại khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E . Chương trình nhằm mang đến "điều kỳ diệu" cho những nụ cười "khuyết" của trẻ em không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng, nhân Tết thiếu nhi 1/6.

Nhiều trẻ đã được cha mẹ đưa đến từ sớm đẻ được tham gia chương trình. Ảnh: TG

Ngay từ sáng sớm nhiều em nhỏ từ Hà Tĩnh và một số tỉnh thành khác trong cả nước đã đến đăng ký khám sàng lọc. Tham gia tiếp nhận, khám sàng lọc và phẫu thuật cho các bệnh nhi mắc dị tật bẩm sinh về khe hở môi, vòm miệng gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc các chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E: Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức, Nội Nhi tổng hợp, Tai mũi họng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Sức khỏe tâm thần…

Ngay từ lúc mới sinh, bé L.T.H, 3 tuổi ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng. Vào viện khi tình trạng dị tật khe hở môi, vòm miệng toàn bộ 2 bên kèm viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng kéo dài. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và đưa ra quyết định điều trị, phẫu thuật cho bé.

"Biết con mắc phải dị tật khe hở môi vòm miệng toàn bộ 2 bên nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn mà gia đình không thể đưa cháu đi phẫu thuật. Thông qua chương trình này, con có cơ hội được chữa trị là điều vô cùng quý giá với gia đình tôi" – mẹ bé cho biết.

Con trai anh Lý gặp nhiều khó khăn trong phát âm vì dị tật khe hở môi, vòm miệng. Ảnh: TG

Cũng đưa con đến từ rất sớm để được tham gia chương trình này, anh Nguyễn Công Lý ở Hà Tĩnh cho biết, con anh từ khi sinh ra đã bị dị tật hở môi, vòm miệng. Cũng vì vậy mà khuôn mặt của cháu biến dạng, phát âm không được bình thường. Đến nay cháu đã trải qua 6 đợt phẫu thuật mới có thể thay đổi được diện mạo cũng như cải thiện được các chức năng. "Mỗi lần điều trị là chi phí rất tốn kém, cũng nhờ những chương trình nhân đạo này mà gia đình có cơ hội  điều trị cho con" – anh Lý cho hay.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trẻ em mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng có hoàn cảnh khó khăn được các bác sĩ ở Bệnh viện E khám sàng lọc và phẫu thuật trong 5 ngày từ 30/5 - 4/6/2022. Đối tượng được lựa chọn phẫu thuật gồm các trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi từ 5 tháng tuổi; Các trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở hàm ếch chưa được phẫu thuật từ 15 tháng tuổi; Các trẻ bị di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi). Đặc biệt, có cả trẻ mắc dị tật dính ngón, thừa ngón tay chân.

Dị tật khe hở môi không được điều trị sớm - nhiều hệ lụy

TS Nguyễn Tấn Văn – Trưởng Bộ môn bệnh lý miệng và hàm mặt – trường Đại học Y dược – ĐHQG – người thăm khám và phẫu thuật trực tiếp cho trẻ tại Bệnh viện E cho hay: Dị tật khe hở môi, vòm miệng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của mặt sẽ dẫn tới những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm của trẻ. Không chỉ vậy, nhiều em còn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý hay thẩm mỹ.

TS Nguyễn Tấn Văn đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: TG

Với trẻ bị khe hở môi ngoài ảnh hưởng về thẩm mỹ, còn tùy thuộc vào mức độ có thể gây các rối loạn về chức năng: Bú, phát âm các âm môi (m, p, b). Trường hợp tổn khuyết đến xương ổ răng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, răng mọc sai vị trí hoặc không mọc được. Trẻ bị khe hở vòm miệng thường gặp khó khăn trong ăn uống (thức ăn lên mũi, sặc, dễ trớ), phát âm sai (nói ngọng, giọng mũi hở).

Ngoài ra, trẻ còn thường bị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidan… lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, và có tác động xấu lên thính giác của trẻ. Những trẻ nghe kém do viêm tai giữa mạn tính kéo dài cũng gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.

Theo chuyên gia, dị tật khe hở môi, vòm miệng có thể điều trị được hoàn toàn khi điều trị đúng cách và kiên trì. Quá trình điều trị cho trẻ dị tật khe hở môi, vòm miệng là một phức hợp, nhiều giai đoạn khác nhau và phối hợp với nhiều chuyên khoa. Ví dụ 6 tháng tuổi, trẻ sẽ đóng khe hở môi. Đến 18 – 24 tháng đóng khe hở vòm miệng, sau đó điều trị tiếp theo như 8 – 10 tuổi sẽ được ghép xương khe hở cung hàm để cho răng mọc ra. Từ 12 tuổi, khi các cháu thay hết răng sữa, các bác sĩ phải trợ giúp các cháu nắn chỉnh răng. Giai đoạn này cần rất nhiều thời gian và mang tính thẩm mỹ giúp trẻ tự tin bước vào cuộc sống của mình.

"Trẻ cần được điều trị sớm bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình khe hở môi, vòm miệng. Phẫu thuật thành công sẽ giúp các bé thoát khỏi những khó khăn sinh hoạt, tạo sự tự tin cho trẻ trong tương lai" – BS Văn cho hay.

Nhiều quà tặng đã được trao cho các em nhỏ tham gia chương trình nhân đạo này. Ảnh: TG

Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, trẻ tham gia phẫu thuật trong chương trình được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật khe hở môi vòm miệng, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí ăn ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E cũng như được miễn phí ở nhà lưu trú của Bệnh viện E; các suất cơm, cháo, sữa từ các nhà hảo tâm hỗ trợ… Đặc biệt, không chỉ mang lại nụ cười lành lặn hơn cho trẻ, chương trình còn giúp trẻ luyện âm chỉnh sửa giọng nói, phẫu thuật chữa ngọng, nắn chỉnh răng để trẻ tự tin hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Tin cùng chuyên mục

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

6:05 | 03/12/2023

Khi nhắc đến nơi bí ẩn nhất Trung Quốc, Shennongjia chắc hẳn sẽ hiện lên trong tâm trí nhiều người. Khu vực cấm nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Hồ Bắc này luôn thu hút sự chú ý của vô số nhà thám hiểm và nhà khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tài nguyên sinh thái phong phú.

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

15:40 | 30/10/2023

Hơn 13 triệu đồng của bạn đọc hảo tâm gửi qua Báo Sức khỏe và đời sống đã được kết chuyển đến với gia đình chị Lê Thị Thúy có chồng bị liệt nửa người sau đột quỵ và con bị ung thư máu.

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

15:39 | 29/10/2023

Ròng rã suốt 6 năm chạy chữa, vợ chồng anh Lực mới có được bé Minh Ngọc. Căn bệnh tim bẩm sinh khiến bé gái 2 tháng tuổi đang phải từng ngày giành giật sự sống và hiện cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật vì hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.