Nghệ nhân tò he ưu tú và hành trình giữ lửa nghề truyền thống của dân tộc

14:26 | 20/05/2022

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành - người con làng Xuân La, Hà Nội luôn trăn trở nỗi niềm bảo vệ, gìn giữ và phát triển đồ chơi dân gian tò he không chỉ ở Việt Nam mà còn mang ra ngoài thế giới…

Tò he là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được nhiều người biết đến và yêu thích, đặc biệt là trẻ em. Ban đầu, tò he được làm bằng bột với mục đích dâng cúng với hình thù thường thầy như công, trâu, bò, lợn, gà, cá,... cũng vì vậy mà được gọi là “đồ chơi chim cò”. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.

Không biết từ bao giờ, tò he là một trong những món đồ chơi dân gian gắn liền tuổi thơ mỗi người. Ngày nay, nghề nặn tò he được lưu truyền và gìn giữ như một loại hình nghệ thuật dân gian của đất nước, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học, thể hiện được sự sáng tạo, khéo léo của những nghệ nhân tò he, đặc biệt của những nghệ nhân tò he làng Xuân La, Hà Nội.

Niềm say mê học hỏi được nuôi dưỡng từ thuở còn thơ

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (44 tuổi), hiện đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Làng nghề Truyền thống Tò He Xuân La - làng nghề nặn tò he nổi tiếng ở Việt Nam. Nặn tò he ở làng Xuân La không chỉ là một nghề mưu sinh mà đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam. 

Tò he là món đồ chơi được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em.

Khi nói về xuất xứ của món đồ chơi dân gian tò he, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Ngày xưa, tò he được gọi với một tên khác là “đồ chơi chim cò”. Lúc đầu thứ đồ chơi này được bắt nguồn từ đất sét nung, sau đó được “nâng cấp” bằng bột nếp và được trẻ con trong làng yêu thích. Sau này, nhận thấy nhu cầu thiết yếu của việc thiếu thốn đồ chơi trẻ em, các cụ trong làng đã nghĩ ra ý tưởng nặn tò he, vừa để làm đồ chơi cho trẻ em trong làng, vừa đem đi buôn bán cho mục đích kinh tế”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nặn tò he, ngay từ khi lên 3, anh Thành sớm được trao cơ hội tiếp cận với thứ đồ chơi truyền thống đậm bản sắc dân tộc này. Với anh, tò he đã trở thành một phần cuộc sống. Chia sẻ về lý do quyết định gắn bó bản thân với nghề nặn tò he truyền thống, người con xứ Xuân La bộc bạch: “Đối với tôi, việc gắn bó với tò he cho đến ngày hôm nay không chỉ là trách nhiệm của một người con lưu giữ truyền thống quý báu của cha ông, mà còn bởi bản thân đam mê và yêu thích với nghề tò he này, càng nặn tôi càng thấy thích. Bởi vậy, khi tạo ra được các sản phẩm với kỹ thuật cao, lúc đó tôi tự nhủ bản thân cần không ngừng học hỏi hơn nữa để đạt được đến trình độ kỹ thuật cao hơn, tạo ra được những mẫu mã sản phẩm độc đáo, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng”.

Hình ảnh Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đang chế tác tò he.

Theo đuổi đam mê chưa bao giờ là điều dễ dàng

Tò he là món đồ chơi dân gian làm từ nguyên liệu chính là bột gạo và bột nếp, được trộn theo tỉ lệ 50:50. Đây là một loại nguyên liệu được sử dụng cho món bánh trôi chay truyền thống ngày Tết Hàn thực, có thể ăn được. Bởi vậy, nếu xét về độ bền của sản phẩm, tò he sẽ không chơi được lâu do chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ, thời tiết. “Thông thường, mỗi sản phẩm tò he chỉ bảo quản tốt trong vòng 3-30 ngày tùy tay nghề người nặn, vì tò he được làm từ bột gạo nếp, nếu để lâu sẽ bị khô, mốc và nứt”, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Tò he được làm bằng bột gạo nếp và gạo tẻ nên rất an toàn.

Không chỉ vậy, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ cùng việc mở cửa giao lưu giữa các nước, các món đồ chơi hiện đại nước ngoài du nhập về Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành vừa qua khiến món đồ chơi dân gian này đứng trước nguy cơ bị mai một, quên lãng. “Đã từng có thời điểm nghề nặn tò he điêu đứng, vào mỗi dịp đầu năm hay cuối mỗi tuần, tôi thường dành thời gian để lên Văn Miếu Quốc Tử Giám hay phố đi bộ Hoàn Kiếm nặn, bán tò he cho mọi người và du khách tham quan. Thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh vừa rồi, nếu chỉ dựa vào việc bán tò he trên phố đi bộ kiếm sống hàng tuần, tôi nghĩ không riêng gì tôi mà hầu hết những người nghệ nhân tò he khác sẽ không thể trang trải nổi cuộc sống gia đình”, anh Thành tâm sự.

Hành trình duy trì và gìn giữ ngọn lửa đam mê

Chuyến hành trình chinh phục thành công chưa bao giờ đơn giản và dễ dàng mà cần rất nhiều ý chí, nghị lực để vượt qua. Với tâm thế đó, mặc dù con đường đi chưa từng bằng phẳng nhưng người nghệ nhân tò he ưu tú Nguyễn Văn Thành luôn tìm tòi những cơ hội mới để phát triển.

Bàn tay thuần thục tạo hình con vật quen thuộc của nghệ nhân Thành khiến các khán giả nhí say sưa, chăm chú không rời mắt.

Để duy trì sức sống, sự bền lâu của món đồ chơi truyền thống Việt Nam này, anh Thành đã mất một thời gian dài sáng tạo ra những nguyên liệu thay thế bột nếp bằng 5 loại bột cao cấp nhằm tăng tuổi thọ cho món đồ chơi cũng như phục vụ mục tiêu xuất khẩu ra nhiều thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhờ những thành tựu mà bản thân đã gặt hái được trong thời gian vừa qua, đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, mặc dù không thể hoạt động trên Văn Miếu hay Phố đi bộ, niềm đam mê và sức sáng tạo của bản thân vẫn được phát triển nhờ những lời mời hợp tác sáng tạo các video, đoạn phim, phóng sự giảng dạy, buôn bán tò he trên nền tảng online YouTube. “Ngoài ra, nếu có thời gian rảnh, tôi vẫn thường làm sẵn những sản phẩm quà lưu niệm, trưng bày…đợi khi hết dịch là xuất xưởng liền!”, anh Thành phấn khởi chia sẻ.

Với niềm đam mê mãnh liệt cùng trách nhiệm gìn giữ truyền thống quê hương, ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, người con xứ Xuân La đã ngày ngày rong ruổi khắp các cổng trường bán tò he sau giờ học. Anh luôn ấp ủ khát vọng một ngày tò he có thể bước chân vào các trường học, đến gần hơn với các em nhỏ. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành trong một buổi dạy nặn tò he tại một trường mầm non ở Hà Nội.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, 10 năm trở lại đây, ước nguyện ngày nào của anh đã trở thành hiện thực. Bằng sự kết hợp cùng Trung tâm Sáng tạo & Phát triển Giáo dục, người nghệ nhân ưu tú đã thành công đưa việc nặn đồ chơi dân gian tò he trở thành một trong 18 môn học được giảng dạy tại nhiều khoa, ngành ở hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Đặc biệt, anh đã nhận được rất nhiều những lời mời giảng dạy để qua đó giúp lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam đến không chỉ những người trẻ trong nước mà còn các quốc gia trên thế giới như giảng dạy môn Nghệ thuật tạo hình (Khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội), môn Đồ chơi truyền thống (Trường Đại học Ngoại ngữ); tham gia chương trình Giới thiệu văn hóa Việt Nam dành cho trẻ em các nước ASEAN… 

“Ngoài việc nặn và bán tò he trên Phố đi bộ Hà Nội vào cuối tuần, phần lớn thời gian của tôi là giảng dạy nặn tò he trong các trường học, đặc biệt là trường mầm non. Đối với việc giảng dạy, tôi thấy thiết yếu khi phải tạo ra một môi trường hết sức thoải mái: Học mà chơi - chơi mà học vì đây là một món đồ chơi dân gian. Tôi hy vọng bằng sự cố gắng nỗ lực của mình cùng những người con Xuân La khác, bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam qua món đồ chơi nghệ thuật tò he này ngày càng được gìn giữ và phát huy; qua đó góp phần khẳng định được vị thể Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới”, anh Thành chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành sinh tháng 1 năm 1978

Các giải thưởng vinh dự được trao tặng:

  • Năm 2013 được Chủ tịch Thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội

  • 1 trong 5 nghệ nhân nhận được bằng khen từ Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam trong cuộc thi Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ III 

  • Năm 2015 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đầu tiên tại Việt Nam

 

Tin cùng chuyên mục

Cách tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe vào VNeID nhanh, tiện lợi nhất

Cách tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe vào VNeID nhanh, tiện lợi nhất

6:00 | 20/04/2024

Ứng dụng VNeID ra đời để sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, VNeID cho phép tích hợp tất cả giấy tờ cá nhân như đăng ký xe, giấy phép lái xe…

Tin vui cho hàng nghìn công chức, sẽ tiếp tục được tăng lương từ 2025

Tin vui cho hàng nghìn công chức, sẽ tiếp tục được tăng lương từ 2025

6:00 | 19/04/2024

Từ 1/7/2024, sẽ cải cách tiền lương cho hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo nghị quyết 27, dự kiến tăng lương tiếp từ 2025 cho công chức viên chức.

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

6:00 | 18/04/2024

Khi ra nước ngoài, bằng lái xe quốc tế là một trong những vật dụng cần thiết đem lại sự tiện ích cho người sở hữu. Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan về giấy phép lái xe quốc tế Việt Nam có thể nhiều người chưa nắm rõ.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.