Nghìn lẻ một đêm K

16:10 | 07/06/2022

Hỗ trợ, chia sẻ với bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối của cuộc đời hẳn là một thử thách cho không chỉ nhân viên y tế mà cả người nhà, ngay cả ở Nhật Bản nơi có hệ thống phúc lợi xã hội tốt hơn cũng gặp khó.

Ở Việt Nam, dịch vụ thăm khám, chăm sóc người bệnh tại nhà còn rất ít nên gánh nặng chăm sóc phần đa đặt hết lên vai người nhà...

Đã không ít lần tôi hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư ở đoạn cuối con đường, hôm nay tôi muốn chia sẻ lại một kỷ niệm như một lời gửi gắm đến các bệnh nhân ung thư, mong họ luôn vững vàng hơn và người chăm sóc cũng đỡ lúng túng trong những lúc khó khăn này.

Đó là vào một buổi sáng mùa đông, tôi vẫn còn nhớ như cô Điều dưỡng trưởng hớt hải gọi điện nhắn tôi lên bệnh phòng gấp để giải thích cho bệnh nhân, một bà 72 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn 4 đang hoảng sợ.

-Bác sĩ ơi, vậy là bệnh tôi đang tiến triển à?

Thấy tôi chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, bà chìa ra tờ hồ sơ nhập viện với tên bệnh:

"Ung thư dạ dày tiến triển"

- À, hóa ra bà hốt hoảng vì cái tên bệnh!

- Thật ra, chỉ có 2 lựa chọn là Ung thư giai đoạn sớm và giai đoạn tiến triển nên đồng nghiệp của tôi khi đăng ký nhập viện cho bà phải chọn một cái tên trong hệ thống bệnh án điện tử và tình cờ chọn phải tên này thôi.

Giải thích vậy rồi mà bà vẫn không hết lo, tôi nói tiếp "Tôi rất hi vọng hóa trị tới đây sẽ đẩy lùi căn bệnh, làm ung thư không tiến triển nữa!".

Quả thực, sau 3 chu kỳ hóa trị, kết quả chụp CT và Nội soi đã cho thấy các khối u có teo nhỏ. Tuy nhiên, tới liều thứ 7 thì bà bắt đầu than nhiều hơn về mệt mỏi và tê tay. Tác dụng phụ của oxaliplatin, một loại thuốc hóa trị đã bắt đầu tích lũy làm cuộc sống của bà khó khăn hơn.

Bởi, nếu hóa trị có hiệu quả mà ít tác dụng phụ thì chúng ta chả phải suy nghĩ mà cứ tiến lên phía trước. Đằng này, bà đã thuộc nhóm cần phải "lăn tăn" vì hóa chất kiểm soát được khối u nhưng cũng làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Những loại kem bôi, vật lý trị liệu, thuốc giảm tê tay,…không có nhiều tác dụng ở bà.

Tôi nói với bà rằng trong cuộc sống có nhiều cái khổ. Khi ta không chọn được cái sướng nhất thì ta hãy chọn cái nào ít khổ nhất.

Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc cả việc đổi phác đồ, bà quyết định ngừng hẳn hóa trị vì cuộc sống trước mắt không như kỳ vọng và cũng không còn vui nữa.

Bệnh nhân là số 1

Gia đình bệnh nhân thì tiếc vì thấy vẫn còn phác đồ nhưng thực sự chúng tôi vẫn phải tôn trọng quyết định của người bệnh vì họ là người chịu khổ nhiều nhất.

Tôi nói với gia đình rằng trong đời ai cũng có nỗi khổ riêng.

Nhưng khổ nhất là không được làm theo ý mình.

Trẻ em bị ép học thì sẽ vừa khóc vừa học

Phụ nữ bị ép cưới thì vừa khóc vừa lên xe hoa.

Người già bị ép uống thuốc thì hẳn cũng sẽ rất khổ sở.

Là bác sĩ điều trị ung thư, tôi hiểu lợi ích của điều trị bằng hóa chất nhưng cũng hiểu rằng nguyện vọng của bệnh nhân mới là số Một. Có sự đồng lòng của người bệnh thì khó mấy cũng theo được. Nhưng bệnh nhân đã muốn bỏ (sau khi nghe giải thích kỹ và cân nhắc thấu đáo) thì đừng cố làm khác vì cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều sẽ không vui.

Bệnh nhân có thể bỏ hóa trị

Nhưng không bỏ bác sĩ hóa trị

Dù không còn dùng hóa trị, tôi vẫn hẹn tái khám để bà không bị cú sốc do "bệnh viện trả về". Thật ra, bà thích tới bệnh viện để được cả team chúng tôi chia sẻ hơn là không khí căng thẳng, đôi khi "u ám" ở nhà.

Nói chuyện với người ốm nặng là một nghệ thuật.

"Cố gắng lên nào!"

"Ráng ăn đi cho mau khỏe"

"Không ăn là bệnh nặng hơn đó!"

Mấy câu "cửa miệng" vô tư này lại có thể như muối xát thêm vết thương lòng đối với những người đang gặp khó khăn về ăn uống.

Đối với người minh mẫn như bà, ăn uống quan trọng như thế nào…chả cần phải nhắc nữa!

Đối với người chán ăn, dễ nôn như bà, bị hỏi đi hỏi lại: "Hôm nay ăn được gì, có ngon không?" tương đương với tra tấn về tâm lý.

Tôi chỉ nói nhẹ nhàng với bà rằng trên đời có nhiều loại khuyết tật.

Có người bị điếc chả nghe được gì.

Có người bị mù chả thấy được ai.

Có người bị liệt hai chân không tự đi được.

Nhưng họ vẫn là họ; là con người có tình thương và cần được yêu thương.

Bệnh nhân không ăn được cũng chả sao cả.

Khi ăn uống gây buồn nôn, trở thành cực hình thì đừng nghĩ tới ăn uống nữa.

Chúng tôi nói về cuộc sống trước đây của bà, lắng nghe tâm sự về gia đình, xã hội của bà và cả những chuyện khác. Chúng tôi gợi ý cho bà may vá, xếp giấy và những việc còn làm được để bà không quá chú tâm vào việc "không ăn được vì bệnh đang tiến triển".

Một ngày, bà nhận ra nút áo blouse tôi sắp rớt và khâu lại giúp. Một việc nhỏ chỉ trong khoảnh khắc thôi nhưng có lẽ là cả một niềm vui với bà vì nhận ra mình vẫn đang giúp ích cho ai đó.

Là người đồng hành với bệnh nhân, bác sĩ như tôi phải đóng 3 vai.

- vừa đặt mình vào vị trí người bệnh để thấu cảm ít nhiều với đau khổ của họ và "cùng rơi xuống vũng lầy" với họ.

- vừa là người đứng ngoài nhìn nhận tình hình khách quan để đưa ra lời khuyên phù hợp cho tình huống của họ.

- vừa là "người vận chuyển" cố gắng lôi người bệnh và người thân ra khỏi vũng lầy trong tâm trí của mình.

Bên cạnh người bệnh

Vì bà vẫn đi lại được chỉ mỗi không ăn được gì, chúng tôi nhờ đội truyền dịch hằng ngày để tránh mất nước và thêm chút dinh dưỡng cho bà theo nguyện vọng chung. Nhưng rồi đến một hôm, bà đột nhiên thổ huyết khi đang nhập viện điều trị giảm đau.

Khối u trong dạ dày chảy máu ồ ạt trước khi xuất viện có hai ngày.

Dù đã được giải thích trước và biết rằng cái gì đến thì sẽ đến, người thân và bà không tránh khỏi hoảng sợ bất ngờ. Kế hoạch tổ chức sinh nhật ở nhà cho thằng cháu coi như hủy bỏ…

Hai cô điều dưỡng lúi cúi lau dọn phòng, đang thay ra giường thì bà lại nôn thêm lần nữa. Tôi thấy mình bất lực vì chẳng làm được gì. Nhưng rồi tôi vẫn ở trong phòng, nắm lấy tay bà theo lời đã được dạy: bên cạnh bệnh nhân mới là điều quan trọng nhất.

Hãy trân trọng khoảnh khắc bên nhau dù ta không thể làm điều gì gọi là hiệu quả. Trong những triệu chứng của người bệnh ung thư, có vài thứ có thể trị tận gốc, một số thứ có thể giảm nhẹ tối đa, nhưng cũng có khá nhiều thứ không thể thay đổi. Hãy biết chấp nhận và dành thời gian sống chung với điều đó.

Tôi cảm ơn bà đã cho tôi ở cạnh bên…

Dù biết rằng tôi chẳng làm được gì hơn nữa…

Tin cùng chuyên mục

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

6:05 | 03/12/2023

Khi nhắc đến nơi bí ẩn nhất Trung Quốc, Shennongjia chắc hẳn sẽ hiện lên trong tâm trí nhiều người. Khu vực cấm nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Hồ Bắc này luôn thu hút sự chú ý của vô số nhà thám hiểm và nhà khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tài nguyên sinh thái phong phú.

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

15:40 | 30/10/2023

Hơn 13 triệu đồng của bạn đọc hảo tâm gửi qua Báo Sức khỏe và đời sống đã được kết chuyển đến với gia đình chị Lê Thị Thúy có chồng bị liệt nửa người sau đột quỵ và con bị ung thư máu.

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

15:39 | 29/10/2023

Ròng rã suốt 6 năm chạy chữa, vợ chồng anh Lực mới có được bé Minh Ngọc. Căn bệnh tim bẩm sinh khiến bé gái 2 tháng tuổi đang phải từng ngày giành giật sự sống và hiện cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật vì hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.