“Ngón chân COVID-19”: Lời giải khi cơ thể chuyển sang chế độ phản ứng tấn công lại SARS-CoV-2

13:24 | 07/10/2021

Bệnh nhân mắc COVID-19 bị sưng và đổi màu ngón chân khiến các bác sĩ da liễu và các nhà nghiên cứu suy đoán có mối liên quan với virus SARS-CoV-2. Hiện tượng trên được đặt tên là “Ngón chân COVID”.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, sự gia tăng số lượng bệnh nhân bị sưng và đổi màu ngón chân do mắc COVID-19 khiến các bác sĩ da liễu và các nhà nghiên cứu y học lâm sàng suy đoán rằng có thể có mối liên quan với nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hiện tượng vừa nêu thường thấy nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên được gọi là “Ngón chân COVID”. Các triệu chứng thấy một hoặc nhiều ngón chân và đôi khi cả ngón tay chuyển sang màu hồng, đỏ hoặc tía. Tình trạng bất thường “Ngón chân COVID” này thường khỏi trong vòng vài tuần.

Theo TTXVN, mới đây nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Paris (Pháp) cho biết, họ đã xác định chính xác các phần của hệ miễn dịch dường như có liên quan đến hội chứng trên. Phát hiện này có thể hỗ trợ trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Hội chứng “Ngón chân COVID-19” dường như là một tác dụng phụ khi cơ thể chuyển sang chế độ phản ứng tấn công lại virus SARS-CoV-2. 

Nghiên cứu trên được công bố trên Tạp chí Da liễu Anh chỉ ra hai phần trong hệ miễn dịch có thể là nguyên nhân gây ra “ngón chân COVID-19”.

Tiến sĩ Veronique Bataille, chuyên gia tư vấn kiêm phát ngôn viên của Tổ chức Da liễu Anh cho hay, “Ngón chân COVID-19” xuất hiện nhiều ở giai đoạn đầu của đại dịch và ít gặp hơn trong các đợt bùng phát hiện tại do biến thể Delta gây ra. Điều này có thể là do hiện nay có nhiều người đã được tiêm chủng hoặc có kháng thể với COVID-19 sau khi nhiễm virus trước đó. 

Một bệnh nhân ngón chân bị sưng rộp sau khi mắc COVID-19. Ảnh: Getty

“Ngón chân COVID” là gì?

Ngón chân COVID giống như một rối loạn da hiếm gặp gọi là pernio (pernio là một dạng viêm mao mạch có thể dẫn đến đổi màu và/hoặc sưng trên bàn tay hoặc bàn chân) còn gọi là “Bệnh cước” hay “Chilblain”. Đây là một tình trạng viêm da do tiếp xúc quá nhiều với nhiệt độ lạnh và ẩm ướt.

Pernio cũng có thể xảy ra như một tình trạng thứ phát ở những người mắc bệnh tự miễn dịch, rối loạn mô liên kết, ung thư máu hoặc các loại bệnh do virus khác, chẳng hạn như do virus Epstein-Barr.

Bệnh cảnh “Ngón chân COVID”, có triệu chứng giống pernio hoặc là một dạng của pernio, thường ảnh hưởng nhất đến một hoặc nhiều ngón chân và/hoặc bàn chân. Đôi khi rối loạn cũng có thể liên quan đến bàn tay hoặc ngón tay.

Các triệu chứng “Ngón chân COVID”

Đổi màu da thành hồng, đỏ, tím hoặc chuyển từ đỏ sang tím;

Da sưng có thể ngứa, rát hoặc đau.

Các nốt sần nổi lên hoặc các vùng da thô ráp; rộp;

Các đốm màu nâu tía; một lượng nhỏ mủ.

Tình trạng này kéo dài từ 10 ngày đến vài tháng.

Biểu hiện của "Ngón chân COVID".

Nguyên nhân “Ngón chân COVID”

Tình trạng rối loạn da dạng pernio, đặc biệt gặp ở trẻ em, có liên quan đến sự xuất hiện của đại dịch COVID-19.

Một số nghiên cứu nhỏ và sơ bộ đã cho thấy có mối liên quan giữa “Ngón chân COVID” với nhiễm COVID-19 thông qua xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm kháng thể COVID-19 hoặc điều tra dịch tễ tiếp xúc của cá nhân.

Sự gia tăng của pernio có thể là do tiếp xúc với lạnh ẩm, tìm thấy ở những người bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.

Nghiên cứu cho thấy, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên không có triệu chứng hoặc báo cáo các triệu chứng COVID-19 nhẹ trước khi phát triển các rối loạn ở da. Ngoài ra, sự gia tăng sản xuất interferon, một loại cytokine được tiết ra bởi các tế bào phản ứng đáp ứng với nhiễm virus, ở những người có “Ngón chân COVID” ngay cả khi họ xét nghiệm âm tính với nhiễm COVID-19.

Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng “Ngón chân COVID” xảy ra muộn trong quá trình tiến triển của bệnh và một số nghi ngờ rằng xét nghiệm COVID-19 có thể âm tính vì virus đã được đào thải đến mức không thể phát hiện được.

Chẩn đoán “Ngón chân COVID”

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cá nhân và gia đình để kiểm tra xem có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào hoặc các loại nhiễm trùng gần đây khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh pernio hay không.

Bác sĩ sẽ hỏi về bất kỳ trường hợp phơi nhiễm lạnh hoặc thay đổi hành vi nào và bất kỳ triệu chứng nào gần đây của COVID-19 hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai được chẩn đoán mắc COVID-19 hay không.

Các triệu chứng thường gặp của COVID-19 là sốt hoặc ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc cơ thể, nhức đầu, mất vị giác hoặc khứu giác mới, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn hoặc tiêu chảy.

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 nếu có các triệu chứng của “Ngón chân COVID”, đặc biệt nếu người bệnh tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hoặc có các triệu chứng mắc COVID-19.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm để tìm các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt nếu tình trạng rối loạn da hay tái phát.

Điều trị “Ngón chân COVID”

Nếu ngón chân bị ngứa rát, các phương pháp điều trị có thể bao gồm: Dùng Corticosteroid tại chỗ như: Kem Hydrocortisone; thuốc kháng histamine tại chỗ.

Nếu ngón chân bị đau, các điều trị bổ sung có thể bao gồm: Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) như Tylenol (acetaminophen).

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.