Nhà văn Sơn Tùng đã sống và viết trong khổ đau, bần hàn nhưng đầy ngạo nghễ

10:18 | 23/07/2021

Sự ra đi của nhà văn Sơn Tùng - cây viết đại thụ về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến giới văn chương tiếc thương. Sơn Tùng không chỉ có tài viết mà còn là con người nghị lực. Ông đã sống, viết như một con người "phi thường và hiếm hoi".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương bày tỏ cảm xúc trước sự ra đi của nhà văn, Anh hùng lao động Sơn Tùng: "Vẫn biết chú Sơn Tùng ra đi bất cứ lúc nào trong vài ba năm gần lại nay, nhưng tin buồn mà nhà văn Thiên Sơn đưa đêm nay thật tê tái. Chú Sơn Tùng - nhà văn, thương binh nặng, Anh hùng lao động đã sống, viết trong khổ đau, bần hàn, cùng cực vẫn ngạo nghễ, cao thượng, son sắt, đanh thép. Một con người phi thường và hiếm hoi".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự: "Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông".

Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, người từng khai thác câu chuyện về Bác Hồ thời trẻ trong tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn để viết kịch bản Nhìn ra biển cả, đã nhận định: "Anh đã sống kiên cường như cây Tùng trên núi thật theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này… Anh là một nhà văn giản dị, liêm khiết, mạnh mẽ, kiên cường, chính trực trong cuộc sống (dù rất nghèo) nhưng ý chí và nghị lực thì khó ai sánh nổi. Vĩnh biệt anh - một nhà văn đã vượt qua rất nhiều bệnh tật để sống và viết. Một Anh hùng thật sự trong đời thường mà tôi từng chứng kiến".

Nhà văn Lê Phương Liên - 1 trong 4 người trực tiếp thực hiện công việc biên tập bản thảo của cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh cho lần xuất bản đầu tiên năm 1982 (khi đó bà là Trưởng Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam) - là người có nhiều kỷ niệm với nhà văn. Điều bà khâm phục nhất ở tác giả "Búp sen xanh" là tinh thần vượt lên khó khăn để hy sinh cho lao động nghệ thuật. 

"Bị thương ở chiến trường Đông Nam Bộ, vết thương rất nặng, để lại di chứng đến tận bây giờ: đi lại khó khăn, ăn uống khó khăn, thương tật và bệnh tật luôn hành hạ. Thế nhưng, ông ấy vẫn dồn toàn bộ tâm lực của mình vào những trang viết về những nhà cách mạng hiện đại, về lãnh tụ và các danh nhân của dân tộc", bà nói.

Nhà văn Sơn Tùng đã sống và viết trong khổ đau, bần hàn nhưng đầy ngạo nghễ - Ảnh 2.
Nhà văn Sơn Tùng (thứ 2 từ trái sang) tại làng Sen quê Bác.

Nhà văn Hữu Thỉnh trong một lần nói về nhà văn Sơn Tùng đã chia sẻ: "Nhắc tới Sơn Tùng là nhắc tới một con người trí cao, tâm sáng, nghị lực phi thường, một búp sen ngời sáng giữa làng văn nước nhà".

Để bạn đọc được hiểu hơn về chân dung, con người và nghị lực của nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Thiên Sơn đã chia sẻ nhiều tư liệu quý giá.

Theo nhà văn Thiên Sơn, "thân sinh của nhà văn Sơn Tùng là chị gái của ông ngoại tôi. Mẹ tôi kém nhà văn Sơn Tùng 3 tuổi. Thời thơ ấu ở quê nhà văn Sơn Tùng với mẹ tôi là những người anh em rất thân thiết".

Biết nhà văn từ khi còn nhỏ nên nhà văn Thiên Sơn chứng kiến nhiều câu chuyện về cuộc sống thăng trầm của nhà văn Sơn Tùng.  "Tôi cố gắng học ở nhà văn Sơn Tùng nhiều điều, từ nghị lực sống, sự kiên định khổ luyện trên con đường văn chương, đến sự rộng mở bao dung trong tâm hồn, lòng nhân hậu, sự biết ơn cuộc đời, sự quan tâm đến những con người đau khổ… Và cũng chính từ những năm sinh viên ấy, ông thực sự đã trở thành một người thầy lớn của tôi trên đường văn và đường đời", nhà văn Thiên Sơn viết.

Nhà văn Sơn Tùng đã sống và viết trong khổ đau, bần hàn nhưng đầy ngạo nghễ - Ảnh 3.
Nhà văn Sơn Tùng xúc động trong buổi trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Cũng theo lời kể của nhà văn này thì nhà văn Sơn Tùng từng là bạn chiến đầu của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

"Sau 7 năm lăn lộn ở chiến trường, tháng 4 năm 1971 nhà văn Sơn Tùng bị thương do mảnh đạn M79. Ông Nguyễn Minh Triết, một người đồng chí thân thiết cùng cơ quan đã cõng nhà văn Sơn Tùng chạy qua những cánh rừng xác xơ bị cày xới vì bom đạn vào bệnh viện dã chiến cấp cứu khi máu ròng ròng chảy ướt đẫm tấm áo sau lưng.

Sau này ông Nguyễn Minh Triết trở thành Chủ tịch nước, còn nhà văn Sơn Tùng vẫn là một hàn sĩ. Thỉnh thoảng ông Nguyễn Minh Triết lại đến thăm người bạn cũ trong căn nhà xập xệ ở một khu tập thể nghèo ở phố Khâm Thiên. Năm 2010 khi nhà văn Sơn Tùng bị tai biến nặng, ông Nguyễn Minh Triết đã 2 lần đến Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Y học cổ truyền thăm và kể lại câu chuyện sâu sắc nghĩa tình giữa ông và nhà văn Sơn Tùng cho các bác sĩ nghe.

Năm 2010, trước khi rời cương vị Chủ tịch nước, đích thân ông Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng và đến tận hội Nhà văn trao quyết định ấy cho nhà văn. Đôi mắt ông rưng rưng xúc động khi cầm lấy bàn tay nhà văn co quắp và mọi sự đi lại của nhà văn chỉ còn nhờ vào chiếc xe lăn", ông kể.

Nhà văn Sơn Tùng đã sống, viết như một con người "phi thường và hiếm hoi".

Nói về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Thiên Sơn nói: "Trong công việc sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sơn Tùng là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ. Hệ thống tư liệu ấy, cùng với ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm những tự liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ 20".

Những năm tháng về già, do những mảnh đạn trong người không thể gắp ra được nên thỉnh thoảng ông lại bị động kinh. Những khi mưa gió, có khi đang ngồi bỗng bị cơn co giật và ngã ngay xuống nền nhà. Từ chối đi điều trị dài ngày ở nước ngoài, ông tự tập khí công và thiền định, tìm cách khôi phục dần sức khỏe. Nghèo đói, gian khó và bệnh tật nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian khi vết thương ít hành hạ thì cầm bút viết.

"Có một câu nói được nhà văn Sơn Tùng nhấn mạnh trong tiểu thuyết Búp sen xanh, và tôi nghĩ đó là thông điệp quan trọng trong đời cầm bút của ông: "Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù." Có lẽ theo nhà văn Sơn Tùng, thiên chức của văn chương là chống lại sự mù lòa của trái tim con người. Hay nói cách khác, văn chương chống lại sự bất nhân, độc ác, lầm lạc, bội phản của con người. Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hàng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới", nhà văn Thiên Sơn viết.

Tin cùng chuyên mục

Cặp nhung hươu có thế 'rộ lộc', giá gần bằng 1 cây vàng

Cặp nhung hươu có thế 'rộ lộc', giá gần bằng 1 cây vàng

7:46 | 26/04/2024

Gia đình ông Nguyễn Chí Công ở Hà Tĩnh đang sở hữu con hươu có cặp nhung với thế độc lạ, ước tính có trọng lượng 5kg, đã được thương lái "cọc" 65 triệu đồng, nhưng giá vẫn chưa dừng lại.

Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024 mới nhất cho người lao động, học sinh, sinh viên

Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024 mới nhất cho người lao động, học sinh, sinh viên

6:00 | 26/04/2024

Theo lịch hoán đổi ngày làm việc trong dịp lễ 30/4 - 1/5 năm 2024, người lao động sẽ được nghỉ sẽ kéo dài 5 ngày liên tục.

Mới chớm Hè, các sản phẩm làm mát khuyến mại 'chồng' khuyến mại

Mới chớm Hè, các sản phẩm làm mát khuyến mại 'chồng' khuyến mại

7:44 | 25/04/2024

GĐXH - Hiện các sản phẩm làm mát được các "ông lớn" bán lẻ như Điện Máy Xanh, Pico, Media Mart… giảm giá từ 20 – 40%, tùy chủng loại.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.