Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Dòng sông vẫn chảy

7:18 | 20/09/2020

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi nhưng dòng sông âm nhạc không ngừng nghỉ. Nó vẫn chảy mãi, chảy mãi, giống như những tác phẩm mà ông để lại.

Sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư tuỵ, trưa 19/9, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi, hưởng thọ 76 tuổi.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông để lại một gia tài đồ sộ các ca khúc có giá trị nghệ thuật tiêu biểu mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ như:  Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông Cái, Dòng sông ký ức, Nao nao Thác Bà, Một thoáng Tây Hồ, Mái chèo thiên thu...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Dòng sông vẫn chảy - Ảnh 1.

Trong nhiều cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn nhận mình là người chân quê, âm nhạc cũng thấm đẫm tình quê nhưng để hát cho "ra chất" phải là người có kỹ thuật thanh nhạc tốt, lại phải đủ độ trải nghiệm trong vốn sống mới có thể cảm được. 

Bởi âm nhạc của Phó Đức Phương mang âm hưởng rất sâu từ dân gian, chắt lọc từ chèo, tuồng, ca trù, xẩm, hay cảm thức về tâm linh huyền bí. Trong những sáng tác của mình, ông rất chú ý đến những phụ kiện, những nốt nhỏ để "hự, hạ, hồi, hư" ra được chất của Phó Đức Phương.  Vì thế mà bài hát của ông khá kén ca sĩ, không phải ai muốn hát cũng được. Ông ngại làm show riêng cũng vì lẽ đó.

Như lần tổ chức liveshow kỷ niệm 50 năm ca hát, bài "Trên đỉnh Phù Vân" vốn "đóng đinh" với Diva Mỹ Linh nhưng trong chương trình đó, cô không thể góp mặt. Thu Phương là người đảm nhiệm ca khúc này khiến ông không khỏi lo lắng. Ông cũng tâm sự rằng làm show thường thì nhạc sĩ sợ nhất khoản đi xin tài trợ nhưng khi lo ổn rồi thì ông mới biết, vấn đề khó nhất hoá ra lại là tìm ca sĩ. 

Phó Đức Phương là vậy, ngỡ chân quê trong đời thường mà đầy cầu toàn và khắt khe với nghệ thuật. Người có danh tiếng, được công chúng ghi nhận lại càng phải cẩn trọng giữ gìn, làm cho cái hôm nay tốt hơn cái hôm qua.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Dòng sông vẫn chảy - Ảnh 2.

Nói đến "Trên đỉnh Phù Vân" và "Chảy đi sông ơi" - hai ca khúc nổi bật của nhạc sĩ Phó Đức Phương- thực tế được sáng tác là do đặt hàng mà có. Đó là vào khoảng năm 1995 - 1996, tác giả Nguyễn Khắc Phục và đạo diễn Lê Hùng mời ông viết nhạc cho vở kịch "Yêu trên đỉnh Phù Vân" của Đoàn kịch Hải Phòng. 

Đầu năm 1997, đạo diễn Trọng Khôi đặt hàng ông viết phần âm nhạc cho vở kịch "Thuyền lá". Ca khúc chính trong vở kịch là bài "Chảy đi sông ơi", kể lại một mối tình mặn nồng, cháy bỏng, nhưng gặp phải số phận bất hạnh đành lỡ làng, chia xa, dù đau khổ, đắng cay vẫn đợi chờ, hy vọng. Cả hai ca khúc sau đó đều có đời sống riêng và trở nên nổi tiếng đến mức, người ta không còn nhớ đến nguồn cơn  thực sự của nó.

Một điểm dễ nhận thấy trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông ưu tiên khá nhiều về nước như: "Chảy đi sông ơi", "Dòng sông ký ức", "Lội dòng sông quê", "Huyền thoại Hồ Núi Cốc", "Nao nao Thác Bà", "Hồ trên núi". 

Hồi làm liveshow kỷ niệm 50 năm, ông chia sẻ: "Tôi mệnh thủy nên hướng về sông hồ như một lẽ tự nhiên. Cứ nhìn thấy sông và cây cối là lòng dịu lại. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với những dòng sông quê mẹ nên khi ra Hà Nội rồi thì "dòng sông ký ức" ấy vẫn chảy trong tâm trí. Nếu cứ ở quê thì chưa chắc ý niệm về dòng sông của tôi đã mạnh mẽ và sâu sắc được như thế. Phải xa mới có sự nhung nhớ, nuối tiếc. Hơn nữa, nguồn gốc của người Việt là gắn với nền văn minh lúa nước, gắn với những dòng sông, nên trong ca khúc "Dòng sông ký ức", các ca từ cứ thế tuôn ra như từ trong tiềm thức: Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi/Con sông xưa ngọt ngào đến thế/Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi/Ơi con sông thương nhớ đầy vơi".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Dòng sông vẫn chảy - Ảnh 3.

Nhưng nhắc đến nhạc sĩ Phó Đức Phương không chỉ ở gia tài ca khúc mà còn ở vai trò là người sáng lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Dù có lúc bị "bầm dập", bị coi là "đi đòi nợ thuê" chứ không phải "đấu tranh cho tác quyền" nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn là người có công lớn trong vai trò đặt nền móng đầu tiên cho vấn đề quyền tác giả âm nhạc.

Với trung tâm VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương không đơn thuần coi đó là công việc mà lớn hơn, ông nghĩ đó là sứ mệnh mà mình phải đi qua. Ông bảo, "có lẽ tôi bị "giời đày" nên mới gắn với nó. Nhưng biết làm sao được, cái số tôi làm cái gì cũng chật vật, vất vả". Vậy mà hỏi ông có tiếc không, ông trả lời rất nhanh: "Chả tiếc! Trong 15 năm "dính" vào tác quyền âm nhạc, tôi cũng mất đi kha khá ca khúc. Không tự kiêu thì cũng khẳng định được rằng, phân nửa trong số ấy sẽ "đứng" được trong lòng công chúng. Mỗi người có một cái "mệnh", tôi cứ hay nói thế để bạn bè ít khuyên can tôi đừng dính dáng đến cái tác quyền âm nhạc. Cứ coi như "mệnh" chọn tôi làm cái việc khó khăn ấy như thể nếu không có tôi thì không ai làm. Hoặc có thì cũng khó mà dám "chết" được như tôi. Tôi cứ tự an ủi mình rằng dù có bị nhiều điều tiếng nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với những thiệt thòi mà các nhạc sĩ phải chịu. Nếu không làm được thì những nhạc sĩ từng có những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam sẽ không được trông thấy quyền lợi của mình được thực thi.

Vì "dính" vào cái Trung tâm ấy mà có lần, ông và người bạn thân của mình là nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã xung đột dữ dội. Lần ấy ông kể: "Ông bạn tôi nói: "Ừ thì quyền tác giả quan trọng thật, nhưng hãy để cho người khác làm. Chúng tôi cần ông sáng tác hơn". Chỉ đến khi tôi bảo, tử vi của tôi "chỉ định" đến lúc này phải dừng sự nghiệp sáng tác lại thì ông ấy mới chịu.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Dòng sông vẫn chảy - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong một lần trả lời phỏng vấn đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với công việc mà nhạc sĩ "Chảy đi sông ơi" kiên trì theo đuổi: "Khi nhạc sĩ Phó Đức Phương thành lập Trung tâm VCPMC đã có ý định mời tôi làm cùng nhưng dù rất yêu quý ông bạn mình thì tôi cũng từ chối. Tôi nói thẳng rằng, kể cả anh có trả tôi 1 tỷ đồng mỗi tháng thì tôi cũng không làm. Vì tôi không đủ cái tâm để dồn hết thời gian, công sức của mình cho mục tiêu của VCPMC và cũng không đủ kiên trì để làm như anh Phương. Nói như thế để thấy rằng, những việc mà anh Phương đang làm hiện nay cho VCPMC là một sự nỗ lực đáng khâm phục mà tôi tin rằng, nếu không phải là Phó Đức Phương thì sẽ hiếm có nghệ sĩ nào làm được. Đó phải là người đủ tài và sự "lì lợm" cần thiết mới "chiến đấu" được với thói quen "dùng chùa" đã ngấm vào máu của người Việt. Để xây dựng nên VCPMC, anh Phương đã từ bỏ sự nghiệp sáng tác lừng lẫy của mình. Sự hi sinh đó lớn lắm, chúng ta phải cảm ơn anh ấy vì điều đó".

Như ca khúc "Chảy đi sông ơi", nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sống một đời sông với đủ cung bậc dữ dội và hiền hoà để thực hiện sứ mệnh "chở đầy nước ngọt phù sa". Ông ra đi nhưng dòng sông ấy không ngừng nghỉ. Nó vẫn chảy mãi, chảy mãi, giống như những tác phẩm mà ông để lại, sẽ còn được hát đến mai sau…

Tin cùng chuyên mục

Các nhà đầu tư hốt hoảng khi bỏ cả chục tỉ đồng vào dự án “ma”

Các nhà đầu tư hốt hoảng khi bỏ cả chục tỉ đồng vào dự án “ma”

8:43 | 27/04/2024

Trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội khẳng định Dự án KĐT Đại Kim – Định Công chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, vì vậy chưa xác định chủ đầu tư thì Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà đã dùng dự án này huy động vốn và nhận cọc nhiều tỉ đồng từ các nhà đầu tư.

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

8:30 | 27/04/2024

Theo Đông y, tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân gây ra như can thận khuy tổn, doanh huyết có hư nhiệt, can uất khí trệ… và việc trị bệnh cũng tùy thuộc vào từng căn nguyên mà có phương pháp phù hợp.

Hàng hóa dịch vụ thiết yếu được Hà Nội theo dõi chặt như thế nào?

Hàng hóa dịch vụ thiết yếu được Hà Nội theo dõi chặt như thế nào?

7:48 | 27/04/2024

GĐXH - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu thực hiện các biện pháp điều hành giá, bình ổn giá các mặt hàng thuộc diện bình ổn, các hàng hóa dịch vụ thiết yếu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.