Những bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh sốt xuất huyết nhiều người chưa biết

10:35 | 24/05/2022

Sốt xuất huyết có triệu chứng khởi đầu thường là sốt cao nên dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt thông thường khác dẫn đến việc chủ quan hoặc điều trị sai hướng. Vì vậy, cần trang bị những kiến thức cơ bản gì để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng, nơi ẩm thấp, tối tăm. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khởi đầu là sốt nên dễ nhầm sang sốt virus, sốt phát ban thông thường, điều này làm cho người bệnh chủ quan, lơ là trong việc điều trị. Do đó, bệnh nhân có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn.

Bài viết dưới đây liệt kê cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt virus, sốt rét, sốt phát ban qua nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng cụ thể:

1. Phân biệt bằng nguyên nhân gây bệnh

1.1 Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết:

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang virus Dengue đốt người. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). 

Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết. Có hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.

1.2 Nguyên nhân gây bệnh sốt virus:

Sốt virus thường do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp. Nguyên nhân của bệnh là do thời tiết nắng mưa thất thường tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Tùy từng tác nhân virus mà biểu hiện bệnh có thể nặng, nhẹ khác nhau. Khi bị sốt virus, người lớn thường chủ quan trong điều trị và chăm sóc vì cho rằng đó là cảm sốt bình thường.

1.3 Nguyên nhân gây sốt rét

Sốt rét do trong cơ thể xuất hiện loại ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Loại ký sinh trùng này gây truyền nhiễm ở người thông qua muỗi cái Anophen chích vào máu. Từ đó kí sinh trùng tìm đường vào tế bào gan của người nhiễm bệnh và sinh sôi. Khi tế bào gan đột ngột bị phá vỡ, kí sinh trùng theo đó thoát ra và xâm nhập và sinh sôi thêm ở các tế bào hồng cầu rồi lại tiếp tục phá vỡ, sinh sôi ở các tế bào hồng cầu khác. Do đó, mỗi khi hồng cầu bị kí sinh trùng làm vỡ, người bệnh sẽ có những triệu chứng sốt khác nhau.

Ở người, bệnh sốt rét gây ra bởi 5 loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale, Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi.

Nguy hiểm hơn cả là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Hai loài còn lại (Plasmodium ovale, Plasmodium malariae) cũng gây bệnh nhưng ít tử vong hơn. Riêng loài Plasmodium knowlesi, phổ biến ở Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây bệnh nặng ở người.

Từ khi người bệnh bị muỗi Anopen đốt cho đến khi có các triệu chứng lâm sàng đầu tiên được xem là thời gian ủ bệnh của sốt rét. Thời kì ủ bệnh này thường kéo dài 9-12 ngày, tùy vào loại kí sinh trùng sốt rét người bệnh bị nhiễm.

Cần phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban qua nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng cụ thể.

1.4 Nguyên nhân gây bệnh sốt phát ban

Sốt phát ban là bệnh do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7. Loại virus này lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh sẽ bị lây nhiễm virus gây bệnh sốt phát ban. Đối với trẻ em khi ở môi trường nhà trẻ, dễ lây bệnh vì tiếp xúc với trẻ khác có virus trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, sốt phát ban còn có thể do một số nguyên nhân khác như sốt phát ban do chấy rận, sốt phát ban do chuột, sốt phát ban do mò mạt trong bụi rậm...

2. Phân biệt qua triệu chứng của bệnh:

2.1 Sốt xuất huyết có các triệu chứng

Cơ thể sốt cao, có thể sốt đến trên 40 độ C, hốc mắt bị đau hoặc đau đầu; cổ bị sưng hạch.

Cơ thể trong trạng thái mệt mỏi; đau khớp, đau cơ; buồn nôn, nôn; trên cơ thể và mặt bị phát ban đỏ.

Đây là những triệu chứng ban đầu. Đến khi bệnh tiến triển thì có thể thêm các triệu chứng khác như:

Chảy máu mũi, nướu; bụng đau dữ dội; thở khó khăn và luôn bồn chồn.

Xuất huyết dưới da và nổi các vết trông giống như bị bầm tím. Khi đi ngoài, phân có lẫn cả máu.

2.2 Sốt virus có các triệu chứng:

Cơ thể mệt mỏi: Khi nhiễm virus, cơ thể bắt đầu rơi vào trạng thái mất cân bằng gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải rất khó chịu. Đây được coi là triệu chứng đặc hiệu của sốt virus người lớn.

Sốt cao: Đây cũng là biểu hiện dễ nhận biết của sốt virus. Khi mới phát bệnh chỉ sốt nhẹ, sau đó thân nhiệt cơ thể tăng dần từ 39 - 41 độ C. Sốt cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, khi sốt quá cao, cần tìm biện pháp hạ sốt càng nhanh càng tốt.

Đau nhức toàn thân: Sốt virus sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thân nhiệt cũng tăng lên nhanh chóng. Gây ra hiện tượng đau nhức toàn thân, đặc biệt là các cơ bắp.

Ngạt mũi, khó thở: Sốt virus gây ho và sổ mũi ở người, dịch mũi có thể gây tắc khoang mũi gây ra tình trạng khó thở.

Nhức đầu: Đây là triệu chứng đến sau khi bị sốt và đau nhức cơ thể. Người bệnh cần tránh căng thẳng và cần được nghỉ ngơi, thư giãn.

Đau nhức mắt: Người mắc sốt virus sẽ cảm thấy nóng rát, đôi khi là đau trong nhãn cầu, mắt bị đỏ, tạo cảm giác rất khó chịu.

Phát ban nổi mẩn đỏ trên da: Biểu hiện này sẽ xuất hiện sau 2 - 3 ngày sốt. Do tình trạng sốt kéo dài, thân nhiệt cơ thể luôn ở mức cao. Da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều mẩn đỏ nhỏ li ti trên khắp cơ thể. Hầu hết sốt virus ở người lớn đều có biểu hiện này.

Xuất hiện hạch: Đây là triệu chứng khi virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, các hạch nhỏ sẽ xuất hiện ở đầu, cổ và có thể sờ thấy bằng tay.

Sốt virus có triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sốt ở sốt virus sẽ kéo dài ngày hơn. Cơ thể mệt mỏi hơn nhiều lần. Nếu bệnh nhân có những triệu chứng cơ bản như trên, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám chữa kịp thời. Nếu sốt virus không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Sốt cao là một trong những triệu chứng cụ thể ở người mắc các loại sốt như sốt xuất huyết, sốt virus hay sốt phát ban.

2.3 Triệu chứng của bệnh sốt rét

Khi mới mắc bệnh, những biểu hiện ban đầu có thể thấy như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn và ói mửa và tái phát các triệu chứng mỗi 48-72 giờ, tùy theo cơ thể của từng bệnh nhân và độ nhiễm virut sốt rét.

Sốt rét thường có hai thể lâm sàng là sốt rét thể thông thường và sốt rét ác tính.

Dấu hiệu sốt rét thông thường:

Cơn sốt sơ nhiễm: cơn sốt đầu tiên thường không điển hình, sốt cao liên tục trong vài ngày.

Cơn sốt điển hình: Một cơn sốt rét điển hình lần lượt qua 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn rét run: Rét run toàn thân, môi tái, nổi da gà. Giai đoạn rét run kéo dài khoảng 30 phút - 2 giờ.

Giai đoạn sốt nóng: Rét run giảm, bệnh nhân thấy nóng dần, thân nhiệt có thể tới 40 – 41 độ C, mặt đỏ, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, khát nước, có thể hơi đau tức vùng gan lách. Giai đoạn sốt nóng kéo dài khoảng 1-3 giờ.

Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm nhanh, vã mồ hôi, khát nước, giảm nhức đầu, mạch bình thường, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.

Cơn sốt thể cụt: Sốt không thành cơn, chỉ thấy rét run, kéo dài khoảng 1-2 giờ. Thể sốt này hay gặp ở những bệnh nhân đã nhiễm sốt rét nhiều năm.

Thể ký sinh trùng lạnh (người lành mang trùng): Xét nghiệm máu có ký sinh trùng nhưng không bị sốt, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Thể này thường gặp ở vùng sốt rét lưu hành nặng.

Chu kỳ của cơn sốt khác nhau tùy loại ký sinh trùng:

Sốt do Plasmodium falciparum: Sốt hàng ngày, tính chất cơn sốt nặng, hay gây sốt rét ác tính và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Sốt do Plasmodium vivax: Thường sốt cách nhật (cách 1 ngày sốt 1 cơn).

Sốt do Plasmodium malariae và Plasmodium ovale: Sốt cách nhật hoặc sốt 3 ngày 1 cơn.

– Sốt rét ác tính: Đây là trường hợp bệnh nhân sốt rét trở nặng, có những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh, với các biểu hiện đặc biệt.

Sốt cao liên tục.

Rối loạn ý thức nhẹ (ngủ li bì, mơ sảng, nói lẩm bẩm…)

Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, bau bụng cấp, buồn nôn, ói mửa.

Xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội.

Cơ thể trở nên thiếu nhiều máu: Da xanh tái, niêm mạc nhợt, ánh nhìn lờ đờ.

2.4 Biểu hiện bệnh sốt phát ban

Các triệu chứng, biểu hiện của sốt phát ban thường xuất hiện từ 1- 2 tuần sau khi mắc bệnh, thi thoảng sẽ không có dấu hiệu hoặc có triệu chứng nhẹ khiến chúng ta chủ quan. Theo đó các biểu hiện cụ thể sẽ là:

Sốt cao trên 39,4 độ ngay khi nhiễm virus gây bệnh. Các triệu chứng đi kèm như viêm họng, ho, sổ mũi, kéo dài tình trạng từ 3-5 ngày. Ở trẻ bị sốt phát ban, có thể thấy các hạch bạch huyết sưng lên ở phần cổ của trẻ.

Xuất hiện hiện tượng phát ban, các nốt phát ban nổi lên theo sau cơn sốt. Trên da người bệnh bắt đầu có các đốm đỏ, nhỏ, hoặc sưng lên, một số đốm sẽ có vòng trắng bao quanh. Phát ban ở trẻ sẽ bắt đầu lan rộng từ vùng ngực, lưng, bụng, sang cổ tay và cánh tay. Có thể lan xuống chân và lên mặt, tùy tình trạng, và thường biến mất sau vài giờ, thậm chí là vài ngày mà không để lại vết tích gì trên da trẻ.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần chú ý thêm dấu hiệu để phân biệt sốt phát ban đỏ và sốt phát ban đào. Sốt phát ban đỏ thường do virus sởi gây ra, trẻ cũng sẽ bị sốt, dấu hiệu sốt giảm khi phát ban xuất hiện. Phát ban ban đầu mọc ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Các nốt ban dạng sẩn, nổi lên bề mặt da, khi mất thường để lại những vết thâm trên da gần như dạng vằn hổ. Bên cạnh đó, trẻ bị sốt phát ban đỏ có triệu chứng kèm theo là chảy nước mắt, nước mũi, ho, đỏ mắt.

Sốt phát ban đào thường kéo dài khoảng 3 ngày, với nốt ban xuất hiện ở mặt đầu tiên, sau đó lan xuống chân. Ban đào do virus rubella gây ra thường dày hơn, có màu nhạt hơn ban đỏ. Trẻ bị ban đào có tình trạng sưng đau hạch sau tai, hạch cổ, dưới chẩm, có thể đau khớp kèm theo.

Một số dấu hiệu, triệu chứng sốt phát ban khác có thể xuất hiện là sự khó chịu ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có hiện tượng tiêu chảy nhẹ, chán ăn, sưng mí mắt...

Người bệnh cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

3. Các phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị khi mắc các loại sốt

Hạ sốt: Cần hạ cơn sốt nhanh chóng để thân nhiệt không bị tăng quá cao, gây biến chứng ở não cực kỳ nguy hiểm. Dùng thuốc và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Kết hợp chườm ấm (chú ý không được dùng đá lạnh để chườm).

Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Tình trạng sốt cao liên tục khiến cơ thể mất nước, do vậy, việc đầu tiên là uống nhiều nước.

Nằm nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ và dễ thấm hút mồ hôi. Tránh ra gió, không để nhiệt độ quá thấp so với thân nhiệt.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ chống bội nhiễm, có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong và sau khi bị sốt virus.

Nên bổ sung nhiều loại củ quả có chứa nhiều vitamin C nhằm tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.

Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, dọn sạch những khu vực ẩm ướt, nhiều bụi bẩn để ngăn chặn muỗi phát triển. Nếu được lắp lưới chống muỗi ở khu vực cửa ra vào, cửa sổ…

Phun tồn lưu trong nhà, xịt chống côn trùng hoặc áp dụng các mẹo đuổi muỗi.

Khi ngủ nên mắc màn để tránh nguy cơ muỗi đốt.

Khi có triệu chứng hoặc người thân có những biểu hiện nghi ngờ mắc một trong những loại sốt nêu trên hãy nhanh chóng tìm đến các bệnh viện và các cơ sở uy tín để được xét nghiệm, chữa trị kịp thời, ngăn chặn bệnh phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

Đằng sau khu vực cấm ẩn giấu điều gì?

6:05 | 03/12/2023

Khi nhắc đến nơi bí ẩn nhất Trung Quốc, Shennongjia chắc hẳn sẽ hiện lên trong tâm trí nhiều người. Khu vực cấm nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Hồ Bắc này luôn thu hút sự chú ý của vô số nhà thám hiểm và nhà khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tài nguyên sinh thái phong phú.

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

Sức khỏe của người cha bị đột quỵ có con bị ung thư máu đã có cải thiện

15:40 | 30/10/2023

Hơn 13 triệu đồng của bạn đọc hảo tâm gửi qua Báo Sức khỏe và đời sống đã được kết chuyển đến với gia đình chị Lê Thị Thúy có chồng bị liệt nửa người sau đột quỵ và con bị ung thư máu.

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

Xót xa hình ảnh bé gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật

15:39 | 29/10/2023

Ròng rã suốt 6 năm chạy chữa, vợ chồng anh Lực mới có được bé Minh Ngọc. Căn bệnh tim bẩm sinh khiến bé gái 2 tháng tuổi đang phải từng ngày giành giật sự sống và hiện cần sự trợ giúp để sớm phẫu thuật vì hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.