Lộ diện quốc gia sẽ nhập khẩu vaccine COVID-19 của Nga?

17:41 | 25/08/2020

Sau khi Nga tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vaccine Sputnik V chống COVID-19 sau hơn 2 tháng thử nghiệm, nhiều quốc gia đã đăng ký mua loại vaccine này. Vậy quốc gia nào là nước đầu tiên được nhập khẩu vaccine COVID-19 của Nga?

Mới đây, thông tin từ Văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên nhập khẩu vaccine COVID-19 Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia mang tên N.F.Gamaleya cùng với Quỹ Đầu tư Nga trực tiếp (RDIF) hợp tác phát triển.

Thông tin này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Belarus Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ 3 của loại vaccine này, công dân Belarus cũng tự nguyện tham gia.

“Hai tổng thống đã nhất trí rằng người dân Belarus sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sputnik V do Nga sản xuất. Do vậy, Belarus sẽ trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu vaccine này”, thông báo của văn phòng báo chí Tổng thống Belarus nêu rõ.

Trước đó, hôm 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Sputnik V. Bộ Y tế Nga khẳng định, loại vaccine này đã trải qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết và được chứng minh có khả năng xây dựng hệ thống miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.

Belarus sẽ trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: Viện Gamaleya

Ngày 21/8, ông Denis Manturov - Bộ trưởng Công thương Nga cho hay, Nga có thể sẽ bắt đầu xuất khẩu vaccine COVID-19 vào mùa xuân năm 2021 khi đạt được số lượng sản xuất đủ ở trong nước. Nga dự kiến tiêm chủng đại trà Sputnik V từ tháng 9.

Bộ trưởng Manturov cho biết thêm, dự kiến Nga sẽ sản xuất khoảng 1,5 - 2 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng vào cuối năm nay. Sau đó, Nga sẽ tăng dần số lượng lên 6 triệu liều mỗi tháng. Hiện Nga đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine từ hơn 20 quốc gia, trong đó các nước Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đặc biệt quan tâm tới loại vaccine này.

Trong khi đó tại Italy, chính quyền nước này cho biết, các nhà nghiên cứu đã sẵn sàng bắt đầu giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine ngăn ngừa COVID-19 trên người sau khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 trên động vật thành công.

Loại vaccine này có tên Grad-Cov2 do Bệnh viện Lazzaro Spallanzani tại thủ đô Rome nghiên cứu và phát triển sẽ được tiến hành thử nghiệm trên người trong tuần này với sự tham gia của khoảng 90 tình nguyện viên.

Sản phẩm Sputnik V của Nga là vaccine COVID-19 được cấp phép đầu tiên trên thế giới. Ảnh: AP

Theo giới chức y tế Italy, các tình nguyện viên sau khi tiêm vaccine sẽ được theo dõi trong 4 giờ trước khi về nhà và tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 12 tuần để đánh giá liệu hiệu quả của vaccine và đề phòng tác dụng phụ. Dự kiến giai đoạn 3 thử nghiệm trên người quy mô lớn của loại vaccine này sẽ được tiến hành tại các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn như Mexico hay Brazil. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, Italy sẽ có thể sản xuất vaccine ngăn ngừa COVID-19 vào mùa Xuân năm sau.

Tại một diễn biến khác, ngày 24/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo khoảng 172 quốc gia đang tham gia dự án COVAX (cơ sở được thiết kế đảm bảo quyền tiếp cận công bằng các loại vaccine COVID-19 trên toàn cầu). Theo WHO, dự án này vẫn cần thêm vốn hỗ trợ và các nước cần đưa ra cam kết ràng buộc. Những nước muốn tham gia dự án COVAX cần thông báo nguyện vọng trước ngày 31/8. Việc xác nhận tham gia phải hoàn tất trước ngày 18/9 và các khoản chi trả ban đầu cần gửi trước 9/10.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nhận định, COVAX mang ý nghĩa then chốt trong nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19. Dự án này không chỉ giúp các nước đang phát triển giảm rủi ro và mua được vaccine mà còn đảm bảo giá vaccine được duy trì "thấp nhất có thể".

Được biết, COVAX là dự án được thúc đẩy bởi liên minh vaccine GAVI, WHO và Liên minh Sáng chế Sẵn sàng trước Dịch bệnh (CEPI). Mục tiêu của dự án là đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 trên toàn cầu một khi các sản phẩm này hoàn tất và được cấp phép sử dụng. Hiện dự án có 9 vaccine tiềm năng. Theo kế hoạch, dự án sẽ đảm bảo nguồn cung và phân phối khoảng 2 tỷ liều vaccine cho các nước đăng ký vào cuối năm 2021.

Tin cùng chuyên mục

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

9:52 | 21/04/2024

Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương còn được biết đến với tên gọi là Bạch tuộc khổng lồ Bắc Thái Bình Dương là một loài bạch tuộc cỡ lớn trong chi Enteroctopus phân bố ở bờ biển phía Bắc Thái Bình Dương và có ở California, Oregon, Washington, British Columbia, Alaska, Nga, Bắc Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

8:53 | 03/04/2024

Siêu gia tộc Rothschild có đế chế đa ngành, bắt đầu từ ngành ngân hàng và sự giàu có của họ đã trải rộng khắp thế giới.

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

8:20 | 28/03/2024

Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm được thủy thủ đoàn trên con tàu container phát ra đã giúp cứu sống nhiều người.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.