Sản phụ sinh con khỏe mạnh dù đã vỡ tử cung ở tuần 25 và những kỳ tích tưởng như “khó có thể xảy ra”

6:52 | 20/08/2020

Hiện nay, nhờ những kỹ thuật hiện đại và trình độ chuyên môn của các bác sĩ mà nhiều em bé đã được can thiệp ngay từ trong bụng, có cơ hội chào đời và không ít trường hợp từ thế “ngàn cân treo sợi tóc” nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi đã được cứu số

Ở tuần 24 của thai kỳ, sản phụ T.T.V.A (21 tuổi, quê Phú Thọ) có dấu hiệu đau bụng dữ dội, vỡ ối, khi đó bào thai mới chỉ có 600g. Qua hai lần đi khám, một lần tại cơ sở y tế gần nhà, một lần tại một bệnh viện quốc tế, V.A gần như suy sụp khi đều nhận chỉ định đình chỉ thai vì em đã hết sạch nước ối, không truyền ối được và chẩn đoán thai bất thường.

Dù lo lắng, buồn bã nhưng vợ chồng V.A không từ bỏ hy vọng, gia đình đã tìm tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi biết tin tại đây có thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai.

Sau thăm khám kỹ càng, các bác sĩ đã nghĩ đến trường hợp V.A bị vỡ tử cung gây hết nước ối chứ không phải vỡ ối như các ca bệnh thông thường. Ngay lập tức, V.A được thực hiện truyền ối để nuôi thai. Song song với đó, các bác sĩ cũng tiến hành lấy nước ối để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, kết quả hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, sau khi được truyền ối lần 1, tình trạng nước ối lại cạn kiệt như trước. Do đã xác định chắc chắn đây là ca vỡ tử cung và thấy thai nhi vẫn phát triển bình thường, cộng với sức khoẻ của sản phụ rất tốt nên các bác sĩ và gia đình quyết tâm truyền ối lần 2 và dùng thuốc tốt nhất để tử cung sản phụ không co, đồng thời hạn chế nhiễm trùng cho mẹ. Bên cạnh đó, sản phụ được tư vấn chế độ dinh dưỡng đảm bảo tăng cân cho thai nhi.

Quyết tâm ấy đã giúp thai nhi như hồi sinh, được nuôi giữ bằng tất cả phương pháp tiến bộ nhất. 6 tuần sau, khi thai bước sang tuần 31, cân nặng thai nhi từ 600g đã tăng lên 1500g, các bác sĩ quyết định mổ đẻ để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ suy thai.

Sản phụ sinh con khỏe mạnh dù đã vỡ tử cung ở tuần 25 và những kỳ tích tưởng như “khó có thể xảy ra” - Ảnh 1.
Em bé được chăm sóc trong lồng kính.
Một bé trai khỏe mạnh, hồng hào cất tiếng khóc chào đời trong niềm vỡ òa vui sướng của gia đình sản phụ và toàn bộ ê kíp các bác sĩ. Sau khi lấy thai, vết vỡ ở đáy tử cung của mẹ dài hơn 2cm đã được các bác sĩ tiến hành khâu lại.

Sau phẫu thuật, sức khỏe của sản phụ V.A ổn định và đã được chỉ định xuất viện. Còn với em bé, vì sinh non tháng nên bé được tiếp tục chăm sóc và theo dõi sát sao tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện. Dự kiến 1 tuần nữa có thể xuất viện.

"Trước những tình huống khó của y học, người bác sĩ không phải lúc nào cũng đủ bản lĩnh để đưa ra quyết định. Chúng tôi đã phải "cân não" nên hay không chọn giải pháp an toàn. Nếu chọn giải pháp an toàn thì rất đơn giản, bác sĩ chỉ cần đình chỉ thai nghén, xử lý phần tử cung người mẹ.

Thế nhưng, nếu như thế thì người phụ nữ này có thể sẽ mãi mãi mất cơ hội làm mẹ và đứa trẻ cũng không bao giờ được chào đời mặc dù thai nhi phát triển khoẻ mạnh, bình thường. Vì vậy, chúng tôi đã không lựa chọn con đường an toàn.

Cũng nhờ niềm tin tưởng của gia đình thai phụ vào Bệnh viện đã cho thầy thuốc chúng tôi thêm động lực, đưa ra quyết định đến thời điểm này là phù hợp và đúng đắn", PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về trường hợp đặc biệt này.

Thực tế, khi mang thai, bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn mình có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh con được "mẹ tròn con vuông". Tuy nhiên, việc thai nhi bị dị tật hoặc thai kỳ gặp biến chứng vẫn xảy ra, để lại những hậu quả không mong muốn.

Nhưng, chính nhờ những kỹ thuật hiện đại và trình độ chuyên môn của các bác sĩ mà nhiều em bé đã được can thiệp ngay từ trong bụng, có cơ hội chào đời và không ít trường hợp từ thế "ngàn cân treo sợi tóc" nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi đã được cứu sống ngoạn mục, làm nên những kỳ tích trong Y khoa.

Trước đó, tháng 10/2019, cũng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã làm nên điều tưởng chừng như "khó có thể xảy ra". Đó là can thiệp thành công một ca truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim - một hội chứng cực kỳ nguy hiểm và hiếm gặp.

Đến khi nhìn thấy cô con gái được sinh ra khỏe mạnh, sản phụ L.T.H (quê Nghệ An) mới tin đó không còn là giấc mơ. Trước đó, ở tuần thai 12, chị H đi khám tại phòng khám tư gần nơi làm việc và được thông báo mang song thai, nhưng một thai đã chết lưu.

Khi tiếp nhận thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của thai phụ có nguy cơ lưu rất cao, khi ấy, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh đã tiến hành hội chẩn và chỉ đạo thực hiện ngay mổ can thiệp bào thai cấp cứu. Ca mổ can thiệp nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai không tim, nhằm cứu em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.

Theo các bác sĩ, đó là trường hợp can thiệp khó khăn nhất vì thai không tim đã rất to, dây rốn phù nề, trong khi dụng cụ can thiệp trong buồng ối rất nhỏ nên kẹp được dây rốn này đòi hỏi phải thật sự kiên trì và có tay nghề cao.

May mắn thay, đến tuần 33, sản phụ mới bị rỉ ối, chuyển dạ và nhanh chóng được mổ lấy thai. "Để lấy được 2 thai ra ngoài an toàn không hề đơn giản. Em bé thì non tháng, khối thai không tim thì phù nề, lúc này đã to gấp đôi thai khỏe mạnh, hình khối trơn trượt khiến các bác sĩ phải cực kỳ khéo léo để tránh vỡ tử cung, tránh chảy máu, đảm bảo an toàn cho sản phụ. Em bé chào đời nặng 1,2 kg", Giám đốc Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Các chuyên gia sản khoa nhận định, can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực y học bào thai hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi.

Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai, những thai nhi không may mắn bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ thì bác sĩ dù biết cũng bất lực, không thể làm được gì.

Hiện tại, với kỹ thuật này, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.