Say nắng, say nóng: Những biện pháp xử lý cần biết khi gặp phải

16:32 | 29/06/2022

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng, say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ.

Say nắng, say nóng không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong. Bài viết dưới đây tổng hợp thông tin từ các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện TƯQĐ 108, BVĐK Tâm Anh TP.HCM về cách dự phòng, xử trí khi gặp phải tình trạng này.

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm.

1. Thế nào là say nắng, say nóng

Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn… Nguyên nhân là do tác động của nắng nóng hay các hoạt động thể lực quá mức. Tình trạng say nắng thường đi kèm với say nóng.

Say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát. Tình trạng say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).

2. Nguyên nhân gây say nắng, say nóng

Say nắng

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Say nóng

Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

3. Những yếu tố thuận lợi dễ bị say nắng, say nóng

- Trẻ em hoặc người già vì khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng.

- Sự thiếu thích nghi với khí hậu.

- Tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng.

- Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, không thấm nước, hấp thụ nhiệt…).

- Không uống đầy đủ nước, hoặc môi trường quá nóng.

- Đang dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: lợi tiểu, chẹn beta, kháng cholinergic, ethanol, kháng histamine.

- Một số tình trạng bệnh lý, sốt, rối loạn nội tết tố, béo phì….

4. Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng

Đặc điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương.Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Cụ thể:

Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: Nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt- giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: Tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điên giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Các biểu hiện khi bị say nắng, say nóng (nguồn: BVTWQĐ 108)

5. Có thể phân biệt sự khác nhau giữa say nắng và say nóng

Trên thực tế, có thể phân biệt sự khác nhau giữa say nắng và say nóng. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40 độ C. Ngược lại, say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong.

Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, khi làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao , thông gió kém, còn say nắng thường xuất hiện khi làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém, thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng gay gắt có nhiều tia tử ngoại.

6. Cách xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong. Do đó, trong cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Cần phải hạ nhanh nhiệt độ cơ thể trong “thời điểm vàng”.

Chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến sau hoặc chuyển tới cơ sở hồi sức cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp cấp cứu ban đầu không hiệu quả, không cải thiện nhanh về lâm sàng. Trên đường vận chuyển cần chú ý vẫn phải duy trì các biện pháp cấp cứu cơ bản, trong đó lưu ý các biện pháp hạ thân nhiệt.

Các bước sơ cứu người bị say nắng, say nóng

Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.

Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.

Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.

Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…

Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).

Nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải…

Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo.

Bước 7: Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ cho bệnh nhân.

Các bước sơ cứu người bị say nắng. (nguồn: BVĐK Tâm Anh).

7. Các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng

Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...

Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

- Khi vừa đi nắng về không được tắm ngay, tắm sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột. Đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao rất nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ.

- Ăn nhiều các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Các biện pháp ngăn ngừa say nắng khác

Theo dõi màu sắc nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Do đó, nên đảm bảo uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu sáng.

Đo cân nặng trước và sau khi hoạt động thể chất. Theo dõi trọng lượng nước đã mất có thể giúp xác định lượng nước cần uống.

Với những vận động viên bị say nắng do tập luyện, sau khi điều trị khỏi các triệu chứng nên được bác sĩ tư vấn kỹ về chế độ luyện tập để cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.