Sốt xuất huyết Dengue: Cảnh giác với biến chứng khi mắc bệnh

17:52 | 18/05/2022

Sốt xuất huyết thường có các triệu chứng dễ nhầm sang với sốt virus thông thường, điều này dễ khiến người bệnh chủ quan, lơ là. Tuy nhiên, nếu sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cao đối mặt với những biến chứng cực kỳ nghiêm

Sốt xuất huyết (sốt xuất huyết Dengue) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Sốt xuất huyết có thể gây các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của thầy để tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Định nghĩa về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng, nơi ẩm thấp, tối tăm. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm sang sốt virus thông thường, điều này làm cho người bệnh chủ quan, lơ là trong việc điều trị. Do đó, bệnh nhân có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nghiêm trọng.

2. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue là do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang virus Dengue đốt người. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). 

Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết. Có hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.

3. Sốt xuất huyết có triệu chứng gì đặc trưng?

Cơ thể sốt cao, có thể sốt đến trên 40 độ C.

Hốc mắt bị đau hoặc đau đầu.

Cổ bị sưng hạch.

Cơ thể trong trạng thái mệt mỏi.

Đau khớp, đau cơ.

Buồn nôn, nôn.

Trên cơ thể và mặt bị phát ban đỏ.

Đây là những triệu chứng ban đầu. Đến khi bệnh tiến triển thì có thể thêm các triệu chứng khác như:

Chảy máu mũi, nướu.

Bụng đau dữ dội.

Thở khó khăn và luôn bồn chồn.

Xuất huyết dưới da và nổi các vết trông giống như bị bầm tím. Khi đi ngoài, phân có lẫn cả máu.

Do đó, khi thấy các triệu chứng này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện làm kiểm tra, xét nghiệm để các bác sĩ có phương pháp điều trị tốt nhất.

4. Các giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 giai đoạn

Giai đoạn ủ bệnh: 3 – 10 ngày (có thể kéo dài đến 14 ngày), thường không có triệu chứng.

Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, có thể có cơn rét run, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp và nhức hai hố mắt. Da xung huyết, thường có chấm xuất huyết dưới da, có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 -7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng.

Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, ăn ngủ khá hơn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.

Ở từng giai đoạn, sốt xuất huyết cũng có những biểu hiện cụ thể.

5. Sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm thế nào?

Sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Khi mắc sốt xuất huyết, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm:

Sốc do mất máu

Do virus sốt xuất huyết làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Gây ra các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng... Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng xuất huyết nội tạng với biểu hiện chính: nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...

Suy tim, suy thận

Người bệnh có thể bị suy tim do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể, làm rối loạn hệ thống tuần hoàn. Khi tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất hiện liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng. Điều này khiến tim và hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây suy giảm, xuất huyết cơ tim.

Thận cũng phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu nên có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.

Hôn mê

Khi bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Đây là dạng biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, có một số trường hợp xuất hiện hôn mê thứ phát sau sốc, sau xuất huyết nội tạng, sau suy tim thận cấp... trong trường hợp này là hội chứng não cấp thứ phát, được coi là biến chứng.

Tràn dịch màng phổi

Huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Xuất huyết não

Sốt xuất huyết có thể khiến bệnh nhân bị biến chứng nặng là tiểu cầu giảm. Đây là tình trạng rất nguy hiểm. Bởi nếu tiểu cầu bị giảm mà bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.

Biến chứng mắt

Sốt xuất huyết có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

Sinh non, sẩy thai xảy ra ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: gây sảy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Thai phụ rất có thể bị tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.

6. Làm gì để hạn chế biến chứng khi mắc sốt xuất huyết Dengue?

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue, người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế, bệnh viện để được điều trị kịp thời, bởi đây là bệnh có diễn tiến phức tạp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Khi điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà, cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người mắc sốt xuất huyết để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi đã áp dụng các cách chăm sóc trên nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng nặng có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Đối với trẻ em, nếu bé bắt đầu bị chảy máu cam, đi ngoài ra máu, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức, lơ mơ, co giật, tím tái người, khó thở… thì cần đưa ngay đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để được điều trị, tránh các trường hợp xấu xảy ra.

Người bệnh sốt xuất huyết cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen… vì những thuốc này có thể khiến bệnh tình nặng thêm.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng.

Việc uống thuốc khi bị sốt xuất huyết cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.

7. Cần lưu ý điều gì khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà?

Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều. Người bệnh nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng liều đã chỉ định thường là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn đối với trẻ em.

Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ thân thể bằng cách lau người với nước ấm. Bổ sung đủ chất dinh dưỡng đầy đủ, trẻ em nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước để bù dịch.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng.

Không dùng thuốc kháng sinh khi sốt xuất huyết vì sốt xuất huyết là do virus gây ra mà kháng sinh lại không diệt được virus. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện của nhiễm trùng (điều này phải do bác sĩ khám và chỉ định dùng).

Không dùng các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ; không ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Không ăn trứng, ăn đồ cay nóng.

Không để muỗi tiếp xúc với da.

Không uống trà, nước ngọt, nước có gas, cà phê, rượu, hút thuốc.

Không nên ra gió, tắm nước lạnh.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.