Sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

11:16 | 25/05/2022

Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nếu mắc bệnh, phụ nữ mang thai nên đến thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị và phòng ngừa tránh các biến chứng có thể xảy ra.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết (hay sốt xuất huyết Dengue) là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, bệnh do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho người. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.

Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh có triệu chứng khá đa dạng và có nhiều thể khác nhau. Nhưng nhìn chung bệnh diễn biến khá nhanh với khởi phát đột ngột, có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng một cách nhanh chóng với 3 giai đoạn chính: giai đoạn khởi bệnh (giai đoạn sốt), giai đoạn đỉnh điểm (là giai đoạn nguy hiểm nhất), giai đoạn lui bệnh (hay giai đoạn hồi phục).

Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra.

2. Mang thai bị sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nguyên nhân là vì khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus Dengue có điều kiện phát triển mạnh mẽ, từ đó bà bầu bị sốt xuất huyết nghiêm trọng.

Virus Dengue còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi khi mang thai bị sốt xuất huyết hoặc khi sinh. Thai phụ có thể cần phải mổ lấy thai nếu chẳng may mắc phải sốt xuất huyết trong thai kỳ.

Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm trong thời gian mang thai và khi sinh như: Giảm tiểu cầu, sinh non, em bé nhẹ cân, sẩy thai, xuất huyết, tiền sản giật.

3. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết khi mang thai

Sốt cao liên tục, có thể có rét run.

Đau nhức mỏi cơ toàn thân, người uể oải, mệt mỏi.

Mất nước và điện giải, ăn uống kém.

Đau đầu nhiều, có thể đau đầu dữ dội khi sốt cao hoặc nếu có biểu hiện xuất huyết não.

Đôi khi thấy tức ngực, khó thở.

Có thể gặp buồn nôn, nôn khan hoặc nôn mửa.

Thường có phát ban phần trên cơ thể.

Các dấu hiệu chảy máu: Chảy máu chân răng, xuất huyết võng mạc, chảy máu cam, tiểu máu, đi ngoài ra máu, nôn ra máu, ho ra máu… Nguy hiểm nhất là chảy máu não, xuất huyết nội tạng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của biến chứng sản khoa khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết có thể gặp như: Đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo, thai không máy, không đạp…

Biến chứng sản khoa khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết có thể gặp như: Đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo, thai không máy, không đạp…

4. Sốt xuất huyết khi mang thai gây biến chứng gì?

Một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra như:

Giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa giúp bà bầu đẻ không đau trong quá trình sinh.

Sinh non, em bé nhẹ cân: Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng.

Sẩy thai: Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên làm tăng nguy cơ bị sẩy thai.

Xuất huyết: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao.

Mang thai bị sốt xuất huyết có thể bị tiền sản giật.

Nguy cơ thai phụ truyền bệnh sốt xuất huyết cho con chỉ xảy ra nếu mẹ bầu bị bệnh vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi mắc phải virus này là khá thấp. Cho đến nay, khả năng bệnh sốt xuất huyết gây ra dị tật cho trẻ chưa được khẳng định chắc chắn.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai phải cẩn thận để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, dẫn đến lây lan sang cho trẻ sơ sinh. Em bé sau sinh sẽ lập tức được kiểm tra các triệu chứng điển hình như sốt cao, phát ban da, tiểu cầu thấp trong trường hợp người mẹ bị sốt xuất huyết lúc gần thời điểm sinh nở.

5. Sốt xuất huyết khi mang thai cần làm gì?

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt theo những chỉ định của bác sĩ, nhằm tránh có biến chứng cần chú ý:

Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để sử dụng tại nhà nếu không có sự chỉ định hay hướng dẫn của bác sĩ.

Theo dõi sát nhiệt độ vì sốt có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động nguy hiểm cho thai. Nếu sốt 38 độ C cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát, không đắp chăn…

Hạn chế vận động, đi lại, nên nghỉ ngơi tại giường.

Có thể bổ sung các loại nước trái cây như nước chanh, cam, bưởi, dưa hấu để bổ sung vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng trong thời gian bị bệnh…

Ăn chín, uống sôi, các thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

Tránh những căng thẳng, lo âu không đáng có gây ảnh hưởng đến thai nhi và tình trạng có thai.

Cần theo dõi sát những dấu hiệu bất thường trong cơ thể mình như: đau ngực, khó thở, ho, sốt, chảy máu, đau bụng,... cũng như theo dõi sát em bé. Nếu có bất thường cần báo lại ngay cho bác sĩ.

Nếu bị nhiễm bệnh vào các tuần thai cuối, phụ nữ mang thai nên nhập viện theo dõi tình trạng bệnh và thai sản ở cơ sở y tế lớn, uy tín nhằm xử lý kịp thời những tình huống nguy hiểm hay chuyển dạ có thể xảy ra.

Phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ nếu bị mắc sốt xuất huyết.

6. Phương pháp chữa trị sốt xuất huyết khi mang thai

Sốt xuất huyết khi mang thai được điều trị kịp thời sẽ đảm bảo thai phụ và em bé được khỏe mạnh. Thai phụ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau đây:

Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết, cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi và bồi bổ. 

Thường được uống paracetamol sau 6 tiếng để hạ nhiệt cơ thể nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng cũng có thể được giảm xuống trong các trường hợp. 

Các phương pháp điều trị tự nhiên cũng có thể được thử để hạ sốt và tăng cường khả năng miễn dịch như chườm bằng vải lạnh, uống nhiều chất lỏng như nước dừa, oresol, nước trái cây, thức ăn nấu với nước uống sạch, ít nhất 3 lít mỗi ngày.

Cần phát hiện sớm nếu thai phụ bị sốt xuất huyết để được chăm sóc y tế đúng cách. Các bà mẹ nếu có tiếp xúc với người sốt xuất huyết ở thời điểm vài ngày trước ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ vì họ là những người có nguy cơ cao nhất.

Các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo cho bệnh rò rỉ mao mạch cần được quan tâm, đặc biệt là khi cơn sốt bắt đầu giảm dần. Những thai phụ mắc sốt xuất huyết như vậy được xem xét để điều trị bằng dịch truyền qua đường tĩnh mạch. Các triệu chứng cần kiểm tra là đau bụng và căng cứng, nôn kèm theo tình trạng lử đử, bồn chồn.

Trẻ sơ sinh có mẹ được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết giai đoạn trước sinh hoặc khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ sau khi ra đời để hạn chế nguy cơ lây truyền.

Sử dụng thuốc xịt diệt muỗi ở các khu vực quanh nơi sinh sống để phòng tránh sốt xuất huyết. Ảnh: TL

7. Biện pháp đề phòng sốt xuất huyết khi mang thai

Nên ở trong nhà vào lúc sáng sớm và chiều muộn, vì những lúc này muỗi vằn gây bệnh bắt đầu hoạt động nhiều hơn.

Mắc màn khi ngủ.

Mặc quần áo sáng màu, dài tay.

Nếu có thể, hãy bật điều hòa trong phòng, vì không khí lạnh sẽ khiến muỗi tránh xa.

Sử dụng màn, rèm che hoặc lưới chống muỗi ở khu vực cửa sổ, cửa ra vào phòng, nhà cửa.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, mẹ bầu cần được theo dõi sát sao về tình trạng bệnh và nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp để bảo đảm an toàn cho cả thai phụ và con yêu.

Ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi: Đậy kín các đồ dùng chứa nước, thả cá diệt bọ gậy, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh...

Phun thuốc diệt muỗi theo lịch của tổ dân phố, phường, xã khi được phát động. Sử dụng các phương pháp diệt muỗi cá nhân như: đốt hương muỗi, phun thuốc xịt muỗi bằng bình xịt tại nhà, sử dụng vợt muỗi, xoa kem chống muỗi.

Có thể sử dụng một số hương liệu thiên nhiên sẵn có như vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ chanh, sả,… để trong nhà giúp đuổi muỗi.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.