Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, sai lầm khiến bệnh diễn biến nguy hiểm

15:43 | 08/10/2021

Dịch sốt xuất huyết đang bước vào mùa cao điểm với số lượng bệnh nhân tăng mạnh. Nhiều bệnh nhân sốt cao liên tục nhưng lại tự dùng thuốc điều trị tại nhà dẫn đến bệnh diễn biến nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào loại bệnh đáng được quan tâm nhất do muỗi truyền. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh lây lan với tốc độ rất nhanh. Trong 50 năm qua trên toàn thế giới, các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên hơn 30 lần.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người già mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh mạn tính có sẵn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát. Bởi, chỉ 1-2 ngày, bệnh nhân có thể chuyển nặng.

Theo ghi nhận, trong tháng 8 và tháng 9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận gần 70 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có những trẻ mới chỉ 5-6 ngày tuổi. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân số ca sốt xuất huyết nặng tăng do độc lực virus nặng, bệnh diễn biến nặng rất nhanh.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được bác sĩ thăm khám. Ảnh: BV Bãi Cháy

Đặc biệt, từ cuối ngày thứ 3 cho đến hết ngày thứ 6 của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm không riêng ở trẻ mà còn ở người lớn, dễ dẫn đến thoát dịch gây sốc, trụy mạch; xuất huyết (tiêu hóa, cơ, vùng niêm mạc…); suy tạng (hay gặp nhất là suy gan, tổn thương tim, phổi, não, thận…). Ở giai đoạn này bệnh nhân thường hết sốt dẫn đến chủ quan rằng bệnh đã khỏi, nhưng thực chất bệnh đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, biểu hiện qua tình trạng trụy mạch (tay chân lạnh mát).

Khi mắc sốt xuất huyết người dân thường chủ quan không đi khám bệnh. Bệnh được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Dù mức độ nhẹ, có thể được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể diễn biến nặng.

Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Nhiều người cho rằng hết sốt là khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Do đó, đây là giai đoạn bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Muỗi vằn truyền virus Dengue cho người gây ra bệnh sốt xuất huyết.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, bệnh do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho người. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.

Bệnh có thể diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong. Hiện sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

2. Triệu chứng của sốt xuất huyết

Triệu chứng thường gặp nhất là sốt cao, có thể đi kèm với bất kỳ triệu chứng như:

· Buồn nôn, nôn.

· Phát ban.

· Đau nhức (đau mắt, điển hình là đau sau hốc mắt, cơ, xương khớp).

· Bất kỳ dấu hiệu cảnh báo.

Triệu chứng của sốt xuất huyết nặng: 

· Đau bụng.

· Nôn nhiều.

· Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.

· Nôn ra máu, hoặc đi tiêu ra máu.

· Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn hoặc cáu gắt.

Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue):

Đây là thể bệnh dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn, bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ cộng với triệu chứng chảy máu, huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp...

Trường hợp này thường xảy ra ở người bệnh trong lần nhiễm bệnh sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với một loại kháng nguyên virus, sau khoảng 2 - 5 ngày mắc bệnh thì bệnh sẽ có tiến triển nặng, dạng bệnh này có thể xảy ra ở trẻ và gây tử vong nhanh chóng.

Infographic: VietnamNet

3. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng là rất lớn. Do vậy, việc xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh là rất cần thiết để có thể đưa ra phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết phù hợp.

Giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 - 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho người bệnh.

Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn (12-24 giờ): Cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay khi biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.

Giai đoạn nhập viện thời gian dài (24 giờ): Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở...

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).

4. Khuyến cáo khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Không tự ý dùng thuốc hạ nhiệt

Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc giảm sốt, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều. Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn đối với trẻ em.

Với thuốc hạ nhiệt Aspirin và ibuprofen, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc này vì sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng.

Có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt và đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không thực hiện cạo gió.

Không tự ý truyền dịch

Khi bị sốt xuất huyết không tự ý truyền dịch tại nhà vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng.

Không dùng các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ

Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân không nên ăn thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ vì khi cơ thể đào thải sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu khi bị xuất huyết qua đường tiêu hóa.

Hoặc nếu người bệnh bị nôn ra chất dịch có màu thâm đen, xám bất thường thì lại khó phân biệt được đó là do màu của thực phẩm hay do xuất huyết tiêu hóa.

Không ăn trứng khi đang điều trị sốt xuất huyết

Ăn trứng khi đang điều trị sốt xuất huyết sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn trong cơ thể người bệnh. Do đó, những người bị sốt cao, nhất là trẻ em khi ăn trứng gà sẽ làm cho thân nhiệt tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi.

Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ

Dầu mỡ nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, khiến cho cơ thể bệnh nhân chậm hồi phục hơn.

Không để muỗi đốt

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chính là do muỗi truyền bệnh, do vậy người bệnh tránh để muỗi đốt vì khả năng muỗi sẽ truyền thêm một lượng virus gây bệnh, không những khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.

Không sử dụng các đồ uống có chất kích thích

Việc sử dụng đồ uống chứa các chất kích thích sẽ khiến cho não rơi vào trạng thái bị kích thích và dẫn đến tăng huyết áp. Ngoài ra, đồ uống có chất kích thích sẽ làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt.

Không uống nước ngọt, nước có gas

Không nên sử dụng nước ngọt, nước có gas, mật ong và các loại đường tự nhiên khác khi đang điều trị sốt xuất huyết. Bởi vì việc hấp thụ đường vào cơ thể người bệnh sẽ khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu diệt khuẩn chậm chạp hơn và vì thế bệnh càng trở nên lâu khỏi.

Không ăn đồ cay nóng

Khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm đáng kể và năng lượng cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Ăn các món cay nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn khiến bệnh nặng thêm và thời gian hồi phục lâu hơn.

Không nên ra gió, tắm nước lạnh

Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà, không nên ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng cách lau người với nước ấm. Nước lạnh có khả năng làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng, đây là tình trạng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong đột ngột.

5. Phòng ngừa sốt xuất huyết

· Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.

· Không nên trữ nước trong nhà.

· Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.

· Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Tin cùng chuyên mục

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

7:27 | 07/05/2024

Sỏi túi mật là một trong những bệnh thường gặp nhất của bệnh lý đường tiêu hóa. Bệnh gần như không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đa phần được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác - chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.

Người bị loãng xương tập gì, kiêng tập gì?

Người bị loãng xương tập gì, kiêng tập gì?

7:26 | 05/05/2024

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Tập thể dục thường xuyên làm giảm tỷ lệ mất xương và bảo tồn mô xương, giảm nguy cơ gãy xương.

Chống lão hóa bằng tập thể dục

Chống lão hóa bằng tập thể dục

7:26 | 03/05/2024

Các bài tập thể lực và các bài huấn luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) ngoài việc tốt cho sức khỏe còn có thể làm giảm thiểu các triệu chứng của lão hóa ở mức độ tế bào.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.