Sốt xuất huyết ở trẻ em: Dấu hiệu cảnh báo, cách điều trị và phòng chống bệnh

16:40 | 15/10/2021

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Khi trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi TW, chỉ trong hai tuần trở lại đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi TW) đã tiếp nhận và điều trị hàng chục trường hợp trẻ sốt xuất huyết. Đáng chú ý là trường hợp bé gái (9 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim do nhập viện muộn, gây chậm trễ trong điều trị.

Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường gặp hơn so với người lớn là bởi trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Sốt xuất huyết là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần biết một số biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em để kịp thời phát hiện, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường gặp hơn so với người lớn là bởi trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, bệnh do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho người. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.

Bệnh có thể diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong. Hiện sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, trẻ bị sốt cao đột ngột từ (39 - 40 độ C), liên tục. Thời gian sốt từ 2-7 ngày kèm theo biểu hiện sau: đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại virus khác.

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở trẻ bị sốt xuất huyết).

Khi đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

3. Điều trị và chăm sóc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Khi trẻ em có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở uy tín để khám và chẩn đoán bệnh. Sau đó, phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị tại nhà (điều trị ngoại trú) và đến tái khám đầy đủ theo lịch hẹn.

Nếu bệnh nhi sốt cao trên 39 độ C, cần được uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo chỉ định, uống lặp lại 4-6 giờ một lần.

Thường xuyên giúp trẻ hạ nhiệt cơ thể bằng cách nới lỏng quần áo, chườm khăn ấm ở trán, nách bẹn. Điều này giúp tránh tình trạng sốt cao gây co giật rất nguy hiểm.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Cho trẻ uống nhiều nước (nước sôi để nguội), oresol (nước điện giải), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,...) hoặc cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải cho trẻ.

Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Các loại thức ăn nấu loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng.

Nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động thời gian trẻ bị sốt xuất huyết;

Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay khi thấy có các dấu hiệu:

Trẻ sốt li bì không thuyên giảm, ngày càng vật vã. 

Dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt cao liên tục trong 2 ngày. 

Thường xuyên đau bụng.

Lạnh chân tay.

Da bầm, môi tím tái. 

Nôn trớ nhiều.

Lưu ý trong điều trị chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Không tùy tiện sử dụng thuốc Aspirin hay Ibuprofen cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ra xuất huyết dạ dày. 

Không cạo gió, cắt lể gây nhiễm trùng.

Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm và uống nước có màu đen/đỏ để tránh trường hợp nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. 

Không nên ăn trứng khi đang điều trị sốt xuất huyết.

Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà.

4. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.

Diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín các dụng cụ có chứa nước, để muỗi không thể vào đẻ trứng.

Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.

Cho trẻ mặc quần áo dài tay;

Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày);

Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

Cho trẻ bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tích cực phối hợp với cấp chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết định kỳ.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.