Thế giới trên 21,5 triệu ca bệnh, Nga sản xuất lô vaccine COVID-19 đầu tiên

11:58 | 16/08/2020

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 236.000 ca bệnh nâng tổng số ca mắc trên toàn thế giới hơn 21,5 triệu ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Nga thông báo, đã sản xuất lô vaccine COVID-19 đầu tiên do Viện Gamaleya phát triển.

Theo thống kê của worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 236.000 ca bệnh nâng tổng số ca mắc trên toàn thế giới hơn 21,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 767.000 người tử vong.

Số ca mắc mới vẫn tập trung chủ yếu ở ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất với gần 64.000 ca; tiếp đó là Mỹ với trên 49.000 ca và Brazil với trên 38.000 ca. Ba quốc gia nói trên cũng ghi nhận số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Mỹ (1.005 ca), Ấn Độ (950 ca) và Brazil (661 ca).

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 21,5 triệu ca. Ảnh: Reuters

Châu Mỹ hiện vẫn là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Riêng tại Mỹ, tổng số ca mắc bệnh đã vượt quá 5,3 triệu trường hợp. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Dịch bệnh cũng đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.

Tại Mexico, quốc gia Bắc Mỹ này hiện cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Tính đến ngày 16/8, Mexico đã ghi nhận 511.369 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 55.908 ca tử vong, đứng thứ 7 thế giới về số ca bệnh.

Khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, chính phủ Mexico đang tìm mọi cách để sớm tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Ông Marcelo Ebrard - Ngoại trưởng Mexico thông báo nước này sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 11 tới theo một thỏa thuận với Chính phủ Argentina, công ty dược phẩm AstraZeneca, Đại học Oxford của Anh và Quỹ Carlos Slim.

Trước đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cũng đã ký sắc lệnh tuyên bố quốc tang 30 ngày từ ngày 13/8-11/9 để tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khám sức khỏe cho các bệnh nhân tại trung tâm điều trị COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Châu Phi, số người nhiễm và tử vong cũng tăng mạnh khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, trong 24 giờ qua, châu lục này đã có thêm 11.030 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1,1 triệu người, trong đó có 25.371 ca tử vong. Nam Phi hiện đứng đầu châu lục về cả số ca mắc bệnh (583.653 người) và tử vong (11.677 người). Xét theo số ca mắc, Nam Phi chiếm hơn 50% số người mắc bệnh tại châu Phi. Khu vực miền Nam châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, sau đó là Bắc Phi và Tây Phi.   

Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết, quốc gia này đã ghi nhận 22 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 14 ca "nhập cảnh" và 8 ca lây truyền trong nước. Có tới 20 ca mới không có triệu chứng, trong đó có 13 ca nhập cảnh. Tính đến hết ngày 15/8, NHC ghi nhận 4.406 ca nhiễm và 67 ca tử vong tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, 46 ca nhiễm tại khu hành chính đặc biệt Macau, và 481 ca nhiễm trong đó có 7 ca tử vong tại Đài Loan.

Dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nhiều nơi trên cả nước, chính phủ Nhật Bản tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế. Ngày 14/8, Tokyo đã ghi nhận 389 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một tuần qua, trong đó khu vực thành thị và lĩnh vực du lịch ghi nhận số ca nhiễm tương đối cao trong mùa nghỉ dưỡng. Đây cũng là lần đầu tiên trong tuần qua, số ca nhiễm trong một ngày vượt ngưỡng 300 ca. Hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 17.069 ca nhiễm, còn cả nước ghi nhận 54.600 ca. Theo chính quyền thủ đô Tokyo, 58% số ca nhiễm tại thành phố này ở độ tuổi 20-30, khoảng 62% không rõ nguồn gốc lây nhiễm. 

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, ngày 15/8, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh (KCDC) Hàn Quố cho biết đã ghi nhận 166 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 15.039 ca. KCDC cảnh báo khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch mới và việc nới lỏng quy định giãn cách xã hội có thể phải lùi lại nếu tốc độ lây nhiễm tiếp tục tăng.

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn ở vùng đô thị Seoul sau khi số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này tăng lên 166 ca, mức cao nhất từng ghi nhận trong 5 tháng qua trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đang tăng nhanh đáng báo động.

Tại Iraq, trong ngày 15/8, Bộ Y tế nước này thông báo có 4.293 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh lên 172.583 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 76 người, theo đó tổng số người chết vì COVID-19 tăng lên 5.785 trường hợp. Giới chức y tế nước này cho rằng, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh luôn ở mức tăng trên 4.000 mỗi ngày là do người dân không tuân thủ các biện pháp y tế trong dịp lễ Eid al-Adha, đồng thời kêu gọi các cơ quan liên quan nhanh chóng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với những người vi phạm các chỉ dẫn y tế.

Tại châu Âu, chính phủ Pháp đã tuyên bố thủ đô Paris và vùng Bouches-du-Rhone xung quanh thành phố Marseille ven biển Địa Trung Hải là những vùng "đỏ" có nguy cơ cao lây nhiễm virus. Giới chức y tế Pháp cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng nhanh nhất trong giới trẻ.

Nước Anh cũng ghi nhận thêm 1.441 ca mắc bệnh vào ngày 14/8, đây là ngày có số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ trung tuần tháng 6 vừa qua. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 11 người. Tại Bỉ, các bệnh viện đang tăng cường dự trữ thuốc và đồ bảo hộ, đồng thời lập nhiều kế hoạch nhằm ứng phó với những tình huống bất ngờ trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao khiến chính quyền thủ đô Brussels quy định người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.    

Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: Sputnik

Một quan chức thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho rằng, việc các biện pháp hạn chế được nới lỏng và không nghiêm ngặt tuân thủ quy định y tế nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại châu lục này gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại ở mức thấp. Chuyên gia trên cho rằng có thể là do dịch bệnh lây lan ở những người trẻ tuổi, đối tượng thường không có các triệu chứng nghiêm trọng nhất và có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Theo WHO, hiện châu Âu ghi nhận gần 3,7 triệu ca bệnh và 218.383 ca tử vong.

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến theo chiều hướng diễn biến xấu nhưng tín hiệu tích cực về vaccine phòng chống COVID-19 có nhiều triển vọng. Ngày 15/8, Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. “Lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Gamaleya phát triển đã được sản xuất”, văn phòng báo chí thuộc Bộ Y tế Nga thông báo.

Trước đó, ngày 11/8, Nga đã đăng ký vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên gọi Sputnik V. Loại vaccine này đã trải qua tất cả các bước kiểm tra cần thiết và đã chứng minh khả năng xây dựng sự miễn dịch chống lại virus. Vaccine Sputnik V có 2 liều tiêm riêng rẽ, có giá thành khoảng 10USD/2 liều. Liều thứ 2 phải được tiêm sau liều thứ nhất 3 tuần. Các liều vaccine này được kỳ vọng sẽ giúp người dùng xây dựng khả năng miễn dịch bền vững chống lại virus.

Các quan chức Nga cho hay, nước này có khả năng sản xuất 500 triệu liều vaccine COVID-19 trong 12 tháng tới. Việc sản xuất dự kiến cũng sẽ được tiến hành ở nước ngoài và các cuộc thử nghiệm lâm sàng dự kiến cũng sớm bắt đầu tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ả rập Xê út và Philippines.

Tin cùng chuyên mục

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

9:52 | 21/04/2024

Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương còn được biết đến với tên gọi là Bạch tuộc khổng lồ Bắc Thái Bình Dương là một loài bạch tuộc cỡ lớn trong chi Enteroctopus phân bố ở bờ biển phía Bắc Thái Bình Dương và có ở California, Oregon, Washington, British Columbia, Alaska, Nga, Bắc Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

8:53 | 03/04/2024

Siêu gia tộc Rothschild có đế chế đa ngành, bắt đầu từ ngành ngân hàng và sự giàu có của họ đã trải rộng khắp thế giới.

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

8:20 | 28/03/2024

Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm được thủy thủ đoàn trên con tàu container phát ra đã giúp cứu sống nhiều người.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.