Tiểu đường: Các biến chứng tim mạch nguy hiểm cần lưu ý

19:37 | 17/01/2022

Các bệnh về tim mạch là một trong số những biến chứng nguy hiểm của người mắc tiểu đường. Vì vậy cần phát hiện sớm để có phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Các biến chứng tim mạch trên bệnh nhân tiểu đường phần lớn do hậu quả của rối loạn chuyển hóa Lipid, làm tăng Glucose kết hợp với các yếu tố khác như: Môi trường, di truyền, bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Dưới đây là một số thông tin để mọi người hiểu thêm về tiểu đường cũng như các biến chứng tim mạch liên quan tới bệnh.

1. Tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường, do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu.

Tiểu đường là bệnh lý nguy hiểm ngày càng xuất hiện nhiều ở xã hội hiện đại.

2. Tiểu đường và bệnh tim mạch có liên quan gì đến nhau?

Ở người tiểu đường, tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu và dây thần kinh (các dây thần kinh này chi phối tới các mạch máu cũng như tim của người bệnh). Đồng thời làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, khiến mạch máu dễ bị tổn thương, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh. Kèm theo đó là hiện tượng tăng đông do rối loạn các yếu tố tham gia quá trình đông máu, dẫn đến hậu quả cuối cùng là hình thành cục huyết khối gây tắc hoặc bán tắc mạch vành dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim (là bệnh lý nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội).

Thời gian mắc đái tháo đường càng lâu, khả năng bị các bệnh lý tim mạch càng cao. Bệnh nhân bị đái tháo đường có xu hướng mắc bệnh lý tim mạch ở tuổi trẻ hơn so với những người không bị đái tháo đường. Tuy nhiên nếu quản lý tốt bệnh tiểu đường có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Tiểu đường gây nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.

3. Cơ chế biến chứng tim mạch ở người tiểu đường

Cơ chế quan trọng nhất là bệnh tiểu đường sẽ gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Lớp nội mạc là lớp tế bào trong cùng của thành mạch, nơi tiếp xúc trực tiếp giữa thành mạch và các thành phần của máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, nó sẽ làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc. Từ đó sẽ hình thành mảng vữa xơ động mạch, hoặc mảng vữa xơ đã hình thành thì tiến triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch, gây nên các biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ quan tổ chức.

Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính các tế bào tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch làm tắc mạch cấp tính, gây nên các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu cục bộ cấp tính của tổ chức như cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...đe doạ nghiêm trọng tính mạng người bệnh.

Tuỳ theo vị trí của mạch máu bị thương tổn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu tổn thương động mạch mắt, sẽ gây nên giảm thị lực rồi dẫn đến mù loà. Nếu tổn thương ở động mạch thận sẽ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp. Tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não và tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi, hoại tử đầu chi...).

Tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử,...

4. Nguyên nhân tăng thêm biến chứng tim mạch ở người tiểu đường

Các yếu tố dưới đây sau khi kết hợp với tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch lên nhiều lần. Càng nhiều yếu tố kết hợp, tỷ lệ biến chứng tim mạch càng tăng mạnh.

Các yếu tố bao gồm:

- Tuổi cao (≥60 tuổi; càng cao tuổi, nguy cơ càng tăng).

- Tăng huyết áp.

- Rối loạn lipid máu (tăng cholesterol; triglycerid máu hoặc kết hợp).

- Béo phì (đặc biệt là béo bụng).

- Nghiện thuốc lào, thuốc lá.

- Tình trạng ít vận động.

- Tiền sử gia đình có người chết vì nhồi máu cơ tim.

Tuổi cao, tăng huyết áp là nguyên nhân tăng biến chứng tim mạch ở người tiểu đường.

5. Triệu chứng của bệnh tim mạch ở người tiểu đường

Bệnh mạch vành

Đây là căn nguyên tử vong chủ yếu của bệnh lý tim mạch ở các bệnh nhân tiểu đường. Một đặc điểm rất quan trọng phải luôn nhấn mạnh, đó là biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở các bệnh nhân tiểu đường rất nghèo nàn. Rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi khám kiểm tra sức khoẻ mới tình cờ phát hiện được.

Chính vì lý do đó, những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường phải thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai tráI, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở…

Trước tất cảc các dấu hiệu bất thường, dù là rất nhỏ, người bệnh cũng cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch để kịp thời phát hiện và xử trí sớm. Bệnh nhân có thể được chỉ định làm các thăm dò cần thiết để chẩn đoán bệnh mạch vành như: Ghi điện tâm đồ lúc nghỉ, ghi điện tim liên tục 24 giờ theo phương pháp Holter; siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim và chụp mạch vành bằng máy CT đa dãy (64; 128; 256 hay 320 lát cắt). Khi nghi ngờ có thiếu máu cơ tim, bệnh nhân sẽ được chụp động mạch vành trên máy chụp mạch kỹ thuật số Angiography để phát hiện bệnh động mạch vành và nong, đặt giá đỡ nếu có chỉ định.

Bệnh mạch vành là một trong số những triệu chứng liên quan đến tim mạch ở người tiểu đường.

Bệnh lý mạch máu não

Chủ yếu là gặp tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng, cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc có thể tử vong.

Các biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ.. Lúc này, làm các xét nghiệm thăm dò mạch máu não như siêu âm Doppler xuyên sọ, lưu huyết não... có thể phát hiện thấy các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não. Khi có biểu hiện lâm sàng bằng các dấu hiệu thần kinh khu trú (bại hoặc liệt chi thể), bệnh nhân cần được chụp căt lớp vi tính (chụp CT sọ não) để chẩn đoán xác định tổn thương là nhồi máu não hay xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh lý mạch máu ngoại biên

Biểu hiện sớm của tổn thương mạch máu ngoại biên là dấu hiệu đi cà nhắc cách hồi, nghĩa là người bệnh thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ. Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu hết đi, bệnh nhân lại có thể tiếp tục đi được cho đến khi lại xuất hiện lại các triệu chứng đau. Lúc đầu, quãng đường đi bộ còn dài, sau đó người bệnh sẽ thấy quãng đường này bị rút ngắn dần. Ngoài ra còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi; sờ mạch có thể thấy mạch mu chân mất hoặc yếu; mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp... Kiểm tra siêu âm Doppler mạch máu sẽ phát hiện thấy các tổn thương mạch máu lớn của chi thể, hoặc chụp động mạch bằng máy CT đa dãy hay máy Angio để phát hiện kịp thời tổn thương động mạch và có các biện pháp điều trị phù hợp.

Cần chú ý các triệu chứng của cơ thể để phát hiện bệnh sớm nhất.

6. Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường

Biến chứng mạch máu nhỏ

- Biến chứng mắt: Bệnh võng mạc mắt là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường. Đa số người bệnh không phát hiện sớm biến chứng võng mạc do không có triệu chứng lâm sàng, chỉ đến khi tổn thương tiến triển nặng.

Có thể phát hiện sớm bằng cách theo dõi thường xuyên và điều trị kịp thời sẽ giúp phòng ngừa và trì hoãn sự phát triển của biến chứng.

- Biến chứng thần kinh: Là dạng biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường với nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Trong đó, biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động là thường gặp nhất, ở khoảng 50% người tiểu đường tuýp 2. Các dạng biến chứng khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ ít gặp hơn.

Có thể phòng ngừa và điều trị biến chứng này bằng việc kiểm soát đường máu chặt chẽ, tránh các yếu tố gây hạ huyết áp và điều trị triệu chứng.

- Biến chứng thần kinh tự động tiêu hóa: Triệu chứng nuốt nghẹn, ăn chậm tiêu, đầy bụng, ợ chua, buồn nôn, nóng hoặc đau vùng thượng vị, nôn. Bệnh thần kinh ống tiêu hóa dưới gây táo bón hoặc tiêu chảy.

- Biến chứng thần kinh tự động tiết niệu – sinh dục: Biến chứng gây giảm hoặc tăng hoạt động bàng quang, bệnh thần kinh hệ sinh dục. Nam bị rối loạn cương dương, liệt dương, nữ bị rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, khô âm đạo, giảm cảm giác vùng bẹn, mất cảm giác kích thích tình dục.

- Bệnh thần kinh vận mạch: Làm tăng tiết mồ hôi vùng mặt và thân, thường xảy ra lúc bắt đầu các bữa ăn, vào ban đêm hoặc lúc tập thể dục. Làm giảm tiết mồ hôi vùng xa gốc chi dưới: da khô, ngứa, bong vảy, rụng lông, rạn nứt, tăng chai chân và loạn dướng móng.

- Biến chứng thần kinh ngoại vi: Triệu chứng giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc da, cảm giác nhiệt; Cảm giác kiến bò, tê rần hoặc rát bỏng đầu ngón chân, ngón tay; Mất cảm giác ngược lên ở tay, chân; Đau âm ỉ hoặc kịch phát, tăng đau ở chân, tay và bụng về đêm.

- Biến chứng thận: Biến chứng thận do tiểu đường chiếm đến 50% trường hợp suy thận giai đoạn cuối, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với các bệnh nhân tiểu đường.

- Có thể điều trị ngừa biến chứng bằng cách: Ăn giảm đạm, giảm protein ăn vào từ 0.8 – 1.0 g/kg/ngày ở giai đoạn sớm và <0.8 g/kg/ngày ở giai đoạn muộn, cải thiện chức năng thận. Kiểm soát huyết áp: huyết áp <140/80 mmHg. Kiểm soát Glucose máu HbA1c < 7%: làm giảm, làm chậm tiến triển của đạm niệu. Điều trị mỡ máu: dùng thuốc giảm mỡ máu phòng các biến cố tim mạch.

Bệnh nhân tiểu đường sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có tim mạch.

Biến chứng mạch máu lớn

Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường chính là tình trạng xơ vữa động mạch và các hậu quả của nó.

Xơ vữa động mạch là kết quả của tình trạng viêm và tổn thương lớp nội mạc mạch máu cùng các tiểu phân mỡ xấu LDL bị oxid hóa thấm nhập vào thành mạch máu. Chúng kích hoạt sự thâm nhập của tế bào viêm và tăng sinh lớp cơ trơn thành mạch, gây tích tụ collagen, tạo mảng xơ vữa giàu lipid với phần trên là các sợi fibrin.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Các tình trạng đái tháo đường gây ra đều góp phần gây xơ vữa động mạch, gây các biến chứng tim mạch và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Xơ vữa động mạch có thể gây ra các hậu quả:

- Ở mạch máu não: đột quị do xuất huyết não, nhũn não, bệnh nhân đôi khi có cơn thoáng thiếu máu não.

- Ở tim: bệnh cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực

- Ở mạch máu ngoại vi: tắc mạch chi, hoại tử chi.

- Xơ vữa động mạch cũng góp phần tăng rối loạn cương, loét chân và một số biến chứng khác hiếm gặp hơn như: phình động mạch chủ, tắc mạch mạc treo....

7. Điều trị và phòng ngừa biến chứng tim mạch ở người tiểu đường

Kiểm soát đường huyết

- Đánh giá đường huyết: Kiểm tra A1c giúp đánh giá đường huyết trung bình trong 3 tháng vừa qua của bạn. Điều này khác với việc kiểm tra đường máu hàng ngày. Chỉ số A1c càng cao, mức đường máu trong suốt 3 tháng càng cao. Mức đường trong máu cao có thể gây tổn thương tim, mạch máu, thận, bàn chân và mắt.

Mục tiêu A1c cho rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường là ≤ 7%. Một vài bệnh nhân kiểm soát tốt hơn có thể có mục tiêu A1c ≤ 6,5%. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về mục tiêu A1c của mình.

Cần kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể.

- Huyết áp: Mục tiêu huyết áp cho hầu hết bệnh nhân đái tháo đường là dưới 140/90 mmHg. Hãy hỏi bác sĩ điều trị về mục tiêu huyết áp của mình là bao nhiêu để có thể tự quản lý huyết áp tốt nhất cho bản thân

- Cholesterol: Hãy hỏi bác sĩ điều trị xem mục tiêu cholesterol của mình là bao nhiêu. Nếu bạn trên 40 tuổi, có thể bạn phải sử dụng thuốc như là statin để giảm cholesterol và bảo vệ tim mạch. Một vài bệnh nhân có mức LDL-cholesterol (cholesterol ‘xấu’) ở mức rất cao có thể phải sử dụng thuốc ở độ tuổi trẻ hơn.

- Ngừng hút thuốc: Ngừng hút thuốc đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường. Nếu bạn ngừng hút thuốc, bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:

Giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh lý thần kinh, bệnh lý thận, bệnh lý mắt và cắt cụt chi. Đường máu, huyết áp, mức cholesterol máu có thể sẽ được cải thiện. Tuần hoàn máu sẽ được cải thiện. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hoạt động thể lực.

Duy trì lối sống khỏe mạnh

Điều này có thể giúp tăng cường hiệu quả điều trị tiểu đường và bảo vệ tim mạch:

- Có một chế độ ăn khỏe mạnh

- Hoạt động thể lực hàng ngày

- Cố gắng đạt được và giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh

- Ngủ đủ giấc

Cần có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để phòng ngừa bệnh tiểu đường và tim mạch.

Kiểm soát căng thẳng

Điều trị tiểu đường không bao giờ là dễ dàng. Bệnh nhân đái tháo đường thường xuất hiện các cảm giác căng thẳng, buồn rầu, nóng giận thường xuyên hơn những người không mắc đái tháo đường. Căng thẳng kéo dài sẽ càng làm tăng đường máu và huyết áp. Tuy nhiên bạn có thể học cách làm giảm căng thẳng bằng cách: cố gắng thở sâu, đi bộ, làm vườn, tập yoga, làm một việc bạn thích, hoặc nghe một bản nhạc yêu thích.

Dùng thuốc

Thuốc là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh. Thuốc có thể giúp:

- Đạt được mục tiêu A1c (đường máu), huyết áp và cholesterol máu.

- Giảm nguy cơ tắc mạch, nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ

- Hãy hỏi bác sĩ điều trị của mình xem liệu mình có phải dùng aspirin hay không. Aspirin là một thuốc cực kỳ quan trọng để dự phòng tắc mạch ở những bệnh nhân đái tháo đường đã từng có tiền sử bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng aspirin.

Statin có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở một số bệnh nhân đái tháo đường. Statin là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị mỡ máu.

- Hãy trao đổi với bác sĩ của mình nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì về thuốc. Trước khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, hãy hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp và làm cách nào để phòng tránh nó. Nếu tác dụng phụ của thuốc gây cho bạn phiền toái, hãy thông báo ngay cho bác sĩ, đừng tự ý ngừng thuốc.

Nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cụ thể về bệnh lý.

Gặp bác sĩ

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có những dấu hiệu cảnh báo sau của nhồi máu cơ tim:

- Đau hoặc cảm giác nặng ngực kéo dài hơn vài phút hoặc có thể mất đi và lại quay trở lại.

- Đau hoặc cảm giác không thoải mái ở một hoặc cả hai bên cánh tay, hoặc vai, lưng, cổ, cằm.

- Hơi thở ngắn.

- Vã mồ hôi hoặc đau đầu nhẹ.

- Buồn nôn hoặc không tiêu hóa được (cảm giác khó chịu ở vùng dạ dày).

- Cảm giác rất mệt.

- Các dấu hiệu cảnh báo có thể khác nhau ở những người khác nhau. Bạn có thể có một dấu hiệu hoặc có thể có tất cả các dấu hiệu.

- Đau ngực là triệu chứng rất quan trọng. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng đau ngực điển hình, đặc biệt những bệnh nhân có tổn thương hệ thống thần kinh báo động do đái tháo đường thì nhiều khi lại không có bất kỳ biểu hiện đau ngực nào. Ở phụ nữ thỉnh thoảng có buồn nôn và nôn, cảm giác rất mệt (có thể trong vài ngày), kèm theo đau lưng, vai, hàm mà không có bất kỳ biểu hiện đau ngực nào.

- Yếu hoặc tê ở mặt, tay hoặc chân cùng bên.

- Lẫn lộn, hoặc gặp khó khăn khi nói hoặc khi hiểu.

- Chóng mặt, mất thăng bằng, hoặc khó đi lại.

- Khó nhìn ở một hoặc cả hai bên mắt.

- Đau đầu đột ngột dữ dội.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.