Tiểu đường ở trẻ em: Cách điều trị và phòng ngừa biến chứng thế nào?

17:40 | 21/01/2022

Tiểu đường trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, cách tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh sớm, từ đó có những biện pháp điều trị và phòng được các biến chứng sau này.

1. Tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường, do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu.

Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Tiểu đường là bệnh lý ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ em.

Một số loại tiểu đường hay gặp:

- Tiểu đường tuýp 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).

- Tiểu đường tuýp 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).

- Tiểu đường tuýp 3 (còn gọi là tiểu đường não, xảy ra do hàm lượng insulin não thấp hơn bình thường).

- Tiểu đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).

- Ngoài ra, tiểu đường do các nguyên nhân khác, như: Tiểu đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô.

2. Nguyên nhân

Tiểu đường ở trẻ em thường là tiểu đường tuýp 1, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ Insulin là hormone cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng. Trẻ bị tiểu đường tuýp 1 có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thời thơ ấu (kể cả lúc mới sinh) nhưng thường gặp ở độ tuổi từ 6-13 tuổi.

Tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở trẻ vị thành niên và ngưới lớn (trên 40 tuổi) và thường gắn liền với tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Những người này có khả năng sản xuất Insulin nhưng Insulin hoạt động không hiệu quả.

Trước thập niên 90, trên 95% trẻ em bị tiểu đường là tuýp 1. Gần đây, số lượng trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên, bị tiểu đường tuýp 2 rất cao và tăng nhanh. Hiện nay, 10 – 50% trẻ em được chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 2. Sự gia tăng này liên quan đến tình trạng béo phì và tiền sử gia đình.

Tiểu đường ở trẻ em thường là tiểu đường tuýp 1.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em bao gồm:

Tiền sử gia đình: Bất cứ trẻ nào có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Di truyền: Một số gen có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.

Chủng tộc: Ở Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh bệnh tiểu đường tuýp 1 ở những đứa trẻ da trắng gốc Tây Ban Nha thấp hơn so với trẻ thuộc các chủng tộc khác.

Virus: Phơi nhiễm với các loại virus khác nhau có thể kích hoạt quá trình tự phá hủy của các tế bào đảo tụy.

3. Dấu hiệu tiểu đường ở trẻ

- Thường xuyên khát nước: Do cơ thể gặp vấn đề về việc duy trì lượng nước trong cơ thể, trẻ có thể trở nên rất khát nước để dự phòng tình trạng mất nước.

- Thường xuyên đi tiểu: Khi lượng đường huyết bắt đầu tích tụ lại, thận sẽ cố gắng loại bỏ lượng glucose thường bằng cách thường xuyên đi tiểu và đi tiểu nhiều hơn. Một đứa trẻ sẽ phải đi tiểu thường xuyên, khoảng 1 giờ một lần. Trẻ bị tiểu đường tuýp 1 có thể sẽ bị đái dầm, trong khi trước kia trẻ không bị. Thận của trẻ sẽ tiếp tục hoạt động để loại bỏ lượng glucose thừa trong suốt cả đêm.

Trẻ bị tiểu đường thường có các dấu hiệu: Hay khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói, mệt mỏi,...

- Đau đầu hoặc nhìn mờ: Do lượng đường huyết bắt đầu tăng lên ngoài tầm kiểm soát, một số trẻ sẽ thường xuyên bị đau đầu hoặc bị nhìn mờ.

- Hay đói: Thiếu Insulin sẽ khiến glucose tích tụ trong máu, thay vì đi vào các tế bào. Do vậy, kể cả khi đã ăn, trẻ có thể sẽ vẫn bị đói do các tế bào thiếu lượng năng lượng cần để hoạt động.

- Mệt mỏi: Tiếp tục, do các tế bào không tiếp cận được các phân tử đường cần để cung cấp năng lượng cho toàn cơ thể, trẻ sẽ thấy mệt mỏi.

- Giảm cân không chủ đích: Cơ thể sẽ bắt đầu phá vỡ các mô cơ và các tế bào lưu trữ mỡ để cung cấp năng lượng cho các tế bào đang bị "đói năng lượng", từ đó dẫn đến tình trạng giảm cân một cách đáng kể, không có chủ đích.

- Nhiễm nấm âm đạo ở trẻ gái chưa đến tuổi dậy thì: Mặc dù có rất nhiều lý do khiến một bé gái bị nhiễm nấm âm đạo, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, bệnh tiểu đường tuýp 1 là một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển của tình trạng nhiễm nấm này.

- Thay đổi cảm xúc thất thường và dễ bị kích thích: Một nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ thường sẽ có hành vi bộc phát hơn khi lượng đường huyết trong máu tăng cao. Cha mẹ cũng báo cáo lại rằng, trẻ thường sẽ dễ bị kích thích và thay đổi cảm xúc hơn khi lượng đường máu xuống quá thấp.

4. Biến chứng tiểu đường ở trẻ

Bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể của trẻ. Do đó, việc giữ mức đường huyết gần với mức bình thường trong suốt cuộc đời còn lại có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các nhiều biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em như: Tim mạch, thần kinh, thận, mắt.

Các biến chứng có thể gồm:

- Bệnh tim và mạch máu: Tiểu đường làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như mạch máu bị hẹp, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.

- Tổn thương thần kinh: Lượng đường dư thừa có thể làm tổn thương các thành của các mạch máu nhỏ có chức năng nuôi dưỡng dây thần kinh của người bệnh. Biến chứng này dẫn tới người bệnh có triệu chứng ngứa ran, tê, nóng hoặc đau. Tổn thương thần kinh thường xảy ra từ từ trong một khoảng thời gian dài.

- Tổn thương thận: Tiểu đường có thể làm hỏng rất nhiều mạch máu nhỏ có chức năng lọc máu trong thận của trẻ.

- Tổn thương mắt: Tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu ở võng mạc và dẫn đến giảm thị lực.

- Loãng xương: Tiểu đường có thể dẫn đến giảm mật độ xương thấp hơn bình thường và dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương khi trẻ trưởng thành.

Nếu trẻ có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh tiểu đường tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi xét nghiệm tiểu đường để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

5. Điều trị tiểu đường

Tiểu đường tuýp 1

- Điều trị bằng Insulin: Cần bổ sung lượng Insulin mà cơ thể không sản xuất ra được. Insulin cần phải được tiêm vào lớp mỡ dưới da (gọi là tiêm dưới da)

- Chế độ ăn: Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ tinh bột (carbohydrate) là cần thiết với lượng insulin tiêm vào cơ thể.

- Tập thể dục: Tập thể dục và vận động là yếu tố cấu thành lối sống khoẻ mạnh. Điều quan trọng là phải hiểu tập thể dục có ảnh hưởng thế nào đến bệnh Đái tháo đường.

- Tìm hiểu và học hỏi: Có rất nhiều điều cần biết về bệnh đái tháo đường để có thể kiểm soát tốt về bệnh. Đây là một quá trình lâu dài.

Phụ huynh nên xây dựng chế độ ăn và tập thể dục khoa học cho trẻ.

Tiểu đường tuýp 2

- Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì cần đặt ra mục tiêu là duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ. Khi trẻ cao lên, cân nặng của trẻ sẽ phù hợp với chiều cao hơn. Một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 vẫn mạnh khỏe nếu ăn uống điều độ, vận động và giảm cân, và có thể không cần đến biện pháp điều trị nào khác, ít nhất là trong một vài năm.

- Các bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần phải có các biện pháp hỗ trợ khác như uống thuốc hoặc tiêm insulin hoặc cả hai.

6. Phòng ngừa tiểu đường

- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.

- Thường xuyên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em. Quá trình xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em khá đơn giản và nhanh chóng. Để xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm đường huyết trong nước tiểu hay trong máu.

- Đối với những trẻ đã bị mắc bệnh, cần giáo dục cho trẻ ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi những tác nhân gây hại như tránh để bị trầy xước, áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.

Điều quan trọng là cha mẹ cần tạo cho trẻ một môi trường sống bình thường như những đứa trẻ khác để trẻ được phát triển toàn diện. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa trị bệnh đái tháo đường trẻ em.

Giống như nhiều bệnh lý khác, tiểu đường trẻ em thường không có biểu hiện rõ rệt nên rất khó nhận biết. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh cha mẹ cần tiến hành xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.