Vì sao chương trình hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới của Hà Nội khó hiện thực hóa?

7:12 | 17/09/2020

Chủ trương hỗ trợ 2-4 triệu đồng để người dân bỏ xe máy sản xuất trước năm 2002 và không đạt chuẩn về khí thải của thành phố Hà Nội đang được nhiều người quan tâm, nhưng muốn hiện thực hóa phải giải được bài toán về tính pháp lý và nguồn kinh phí.

Cần khoản kinh phí trên 10.000 tỉ đồng

TP Hà Nội đã từng lên nhiều phương án để quản lý, tiến tới loại những chiếc xe máy cũ nát ra khỏi hệ thống giao thông. Đó là thu phí môi trường thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ; Thu hồi, loại bỏ xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoặc mức phát thải môi trường vượt quá ngưỡng cho phép, không có các biện pháp khắc phục; Đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố tiến tới năm 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành. Nhưng rồi, các chủ trương, giải pháp đều phải gác lại bởi lẽ đây là "vấn đề lớn", nhạy cảm, phức tạp liên quan đến những lao động nghèo. Họ muốn đổi xe nhưng hoàn cảnh không cho phép.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại các quận nội thành, số người sử dụng xe máy "quá đát" chủ yếu vào các khung giờ 3 - 5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ 22h đêm đến 3h sáng. Các loại xe "quá đát" này phần lớn chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số… phương tiện thường tập trung ở các chợ đầu mối, được người dân sử dụng để chở hàng hóa vào các khu vực nội thành.

Vì sao chương trình hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới của Hà Nội khó hiện thực hóa? - Ảnh 1.
Cần thiết phải ban hành quy định về niên hạn sử dụng và kiểm tra định kỳ khí thải xe máy nhằmbảo vệ môi trường, giảm tai nạn giao thông. Ảnh: PV

Anh Nguyễn Văn Khương (43 tuổi, quê Nghệ An) làm công việc chở hàng thuê ở khu vực chợ hoa quả Long Biên chia sẻ, chiếc xe Dream cũ nát mà anh đang dùng cũng đã hơn 30 năm tuổi và qua đến chục đời chủ. Từ khi mua lại từ một người bạn trước đây làm nghề chở lợn từ huyện Thường Tín vào nội thành Hà Nội, chiếc xe này trở thành "cần câu cơm" của 4 miệng ăn trong nhà anh. Anh cho biết, chiếc xe có thể chở những hàng hóa cồng kềnh vào những khu vực ngõ, phố nhỏ khi xe ôtô không thể đi vào. Hơn nữa, tiền công vận chuyển của xe máy rẻ hơn rất nhiều, trong khi độ linh hoạt và tiện dụng lại rất cao.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó khoảng 2,5 triệu xe cũ, đăng ký trước năm 2000 cùng trên 730.000 ôtô các loại. Số lượng phương tiện trên chưa bao gồm phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Khí thải từ xe cộ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.

Để từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát, Sở TN&MT Hà Nội trình UBND thành phố về việc chấp thuận triển khai chương trình lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trên địa bàn để phục vụ cho việc đo khí thải ở 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Dự kiến, lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau. Hiệp hội Xe máy Việt Nam là đơn vị chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải, lắp đặt 8 trạm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe, cùng các cán bộ kỹ thuật để thực hiện hoạt động này. Theo chương trình, người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng. Đồng thời, chương trình cũng lên kế hoạch thu hồi, hỗ trợ đổi xe máy cũ từ 2 đến 4 triệu đồng.

Các chuyên gia kinh tế và giao thông cho rằng để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe máy, Hà Nội cần khoản kinh phí trên 10.000 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, vì vậy để thực hiện thành công và triệt để là điều không dễ. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nếu Hà Nội cấm những phương tiện quá hạn lưu thông thì những người nghèo sẽ không có phương tiện mưu sinh. Phương án hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/xe vẫn còn ít vì hiện nay, giá một chiếc xe máy mới khoảng 20 triệu đồng trở lên. Với sự hỗ trợ như thế thì nhiều người chắc chắn sẽ không mua xe mới. Do đó, nếu tăng số tiền hỗ trợ lên có lẽ khả thi hơn. Vấn đề là có đủ nguồn kinh phí thực hiện chương trình hay không?.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Hà Nội cần khảo sát ý kiến của người dân và lên kế hoạch bài bản chứ không nên làm theo kiểu nửa vời. Thu hồi xe máy cũ nát không phải là chuyện của một địa phương nào mà là chung của cả nước. Để thực hiện tốt việc này, các bộ, ngành chức năng cần xây dựng lộ trình phù hợp, tiến tới thu hồi, loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng - đặc biệt là hệ thống xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…

Tăng cường kiểm soát

Vì sao chương trình hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới của Hà Nội khó hiện thực hóa? - Ảnh 2.
Xe máy cũ thường là “cần câu cơm”, được những người thu nhập thấp sử dụng để chở hàng hóa thuê.

Quanh câu chuyện khí thải xe máy, ThS Vũ Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực giao thông đô thị cho biết: Ngành giao thông vận tải phát thải hơn 30 nghìn tấn CO2/năm. Đáng chú ý, hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện định kỳ thường xuyên, thay thế những thiết bị đã cũ, hỏng được coi là một giải pháp hạn chế khí thải của phương tiện. Nếu như ô tô, công tác này được kiểm soát định kỳ và có hình thức xử lý chặt chẽ thì ở xe máy lại ngược lại. Ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ, theo nghiên cứu từ những đợt khám và bảo dưỡng xe máy trước đây, quá trình bảo dưỡng thay lọc gió, dầu bôi trơn… cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%. Tuy nhiên, một bộ phận người tham gia giao thông chưa nhận thức sâu sắc về việc kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như ảnh hưởng của khí thải từ giao thông đối với sức khỏe con người.

Về thắc mắc xe máy có mức thải thế nào là đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Để biết xe máy đang sử dụng có đạt tiêu chuẩn khí thải hay không phải thực hiện đo, đánh giá kết quả bằng thiết bị và phần mềm kiểm tra khí thải phương tiện giao thông cơ giới và so sánh với tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn khí thải lớn nhất cho phép đối với mô tô, xe máy. Hiện tiêu chuẩn khí thải xe máy đang được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018. Trường hợp xe máy có khí thải vượt mức giới hạn lớn nhất cho phép trong tiêu chuẩn trên là không đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Cụ thể hơn, theo TCVN 6438:2018, có hai mức tiêu chuẩn (áp dụng chung với mô tô, xe máy). Với giới hạn về thành phần chất CO, giới hạn lớn nhất có trong khí thải xe máy là không quá 4,5% thể tích (đối với cả 2 mức); còn chất HC không quá 1.500 và 1.200 ppm thể tích (đối với động cơ 4 kỳ), không quá 10.000 và 7.800 ppm thể tích (đối với động cơ 2 kỳ).

Cần thêm những văn bản pháp quy liên quan

"Hiện ở Việt Nam xe máy là phương tiện chủ đạo chiếm hơn 75%, tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm (giai đoạn 2010-2020). Nhà chức trách đều biết xe máy phát thải nhiều chất thải gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng chúng ta vẫn chưa có các quy định về kiểm định khí thải xe máy định kỳ như ô tô. Bởi vậy, nhiều phương tiện, thậm chí có những xe quá cũ vẫn lưu hành trên đường phố. Do vậy, ngoài cải thiện thói quen sử dụng (xe máy) thì Nhà nước phải ban hành những văn bản pháp quy để quy định, quản lý những phương tiện này. Và khi có quy định thì câu chuyện bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ và định mức khí thải để phương tiện được phép lưu thông như quản lý ô tô, chúng ta sẽ cải thiện được mức độ phát thải của xe máy", chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

Tất tần tật các thông tin về giấy phép lái xe quốc tế có thể nhiều người chưa nắm rõ

6:00 | 18/04/2024

Khi ra nước ngoài, bằng lái xe quốc tế là một trong những vật dụng cần thiết đem lại sự tiện ích cho người sở hữu. Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan về giấy phép lái xe quốc tế Việt Nam có thể nhiều người chưa nắm rõ.

Ngành Kiểm toán có thực sự đáng mơ ước?

Ngành Kiểm toán có thực sự đáng mơ ước?

6:00 | 17/04/2024

Kiểm toán là hoạt động kiểm tra, xác minh tính trung thực, chính xác của báo cáo tài chính. Thông qua đó, người làm kiểm toán có thể cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức

Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng cao hơn?

Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng cao hơn?

6:00 | 16/04/2024

Nâng hạng giấy phép lái xe ô tô là yêu cầu bắt buộc nếu như người lái xe muốn được cấp phép điều khiển các loại ô tô khác theo quy định. Trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có được nâng hạng?

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.