Viêm tủy xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

19:39 | 25/10/2021

Viêm tủy xương là một bệnh khá nguy hiểm, khi có triệu chứng người bệnh không nên chủ quan cần đến ngay các cơ sở y tế được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời để hạn chế những biến chứng sau này.

Theo VOV, mới đây các nhà khoa học vừa phát hiện một biến chứng mới ở bệnh nhân COVID-19 đã điều trị khỏi tại tại Pune (Ấn Độ) là viêm tủy xương Aspergillus. Căn bệnh này do các loài nấm Aspergillus gây ra. Bệnh nhiễm trùng mới này dẫn đến tổn thương xương nghiêm trọng ở các khoảng không giữa đĩa đệm cột sống của bệnh nhân.

Việc phát hiện ra một biến chứng mới ở bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng trong cộng đồng y tế. Bệnh nhân bị sốt nhẹ và đau thắt lưng dữ dội một tháng sau khi chữa khỏi COVID-19, đồng thời đã được điều trị ban đầu bằng thuốc giãn cơ và thuốc chống viêm Steroid.

Sau khi chụp MRI, kết quả cho thấy xương bị tổn thương nghiêm trọng ở các khoảng giữa đĩa đệm cột sống gây viêm đốt sống. Nguyên nhân được tìm ra là do nhiễm nấm Aspergillus gọi là viêm tủy xương Aspergillus.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Deenanath Mangeshkar (Ấn Độ) là Tiến sĩ Parikshit Prayag cho biết, trong vòng 3 tháng qua, đã phát hiện 4 bệnh nhân bị bệnh viêm tủy xương đốt sống do nấm Aspergillus. Trước đó, Ấn Độ chưa từng ghi nhận những bệnh nhân hậu COVID-19 bị viêm tủy xương đốt sống. Điểm chung trong cả 4 trường hợp này là đều bị mắc COVID-19 nặng, họ được điều trị bằng Steroid để vượt qua bệnh COVID-19 và các biến chứng.

Các khuyến cáo về sử dụng Corticosteroid đã lưu ý rằng, sử dụng lâu dài có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm tủy xương do Aspergillus.

Viêm tủy xương làm biến dạng xương, hạn chế vận động gây đau đớn cho người bệnh.

1. Viêm tủy xương là gì?

Viêm tủy xương là một tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính hay mãn tính ở xương bao gồm tủy xương hay mô mềm quanh xương. Thường do vi khuẩn, lao hoặc nấm gây ra. Những tác nhân này xâm nhập vào xương từ máu trong cơ thể sau khi bị gãy xương, nhọt, vết ăn trên da, nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hay bất kì bệnh nhiễm trùng nào.

Viêm tủy xương không chỉ có biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ mà còn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân. Viêm tủy xương cấp biểu hiện cấp tính với các triệu chứng rầm rộ. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể phát triển thành viêm tủy xương mạn tính, bệnh diễn biến kéo dài.

Viêm tủy xương làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, biến dạng xương, hạn chế vận động gây đau đớn cho người bệnh. Ở trẻ em, cơ chế gây tổn thương tủy xương bắt đầu trong thân xương. Do đó, khi phát hiện bị viêm tủy xương cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm tủy xương

Do vi khuẩn: Vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng (khoảng 50% trường hợp). Vi khuẩn thường gặp khác bao gồm: liên cầu trùng tan máu, phế cầu, Ecoli, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh.

Vi khuẩn có thể từ một cái nhọt, một vết xước, viêm nhiễm ở da, viêm họng, viêm amidan hay bất kì viêm nhiễm nào trên cơ thể, sau đó vi khuẩn đi vào máu sau đó tập trung tại xương phần lớn tập trung ở chỗ nối tiếp giữa đầu xương và thân xương do vùng này rất giàu mạch máu và dễ phát sinh bệnh viêm tủy xương

Nấm và lao có thể gây viêm xương tuỷ xương theo đường máu, thường ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc ở các vùng nhiễm trùng. Xương đốt sống thường bị ảnh hưởng.

Bị viêm tủy xương gây hạn chế việc đi lại.

3. Đối tượng mắc bệnh viêm tủy xương

Trẻ em thường gặp chiếm hơn 80% từ 6-16 tuổi. Bất kì xương nào cũng có thể tổn thương, vị trí hay gặp là các đầu xương dài, nơi xương mềm, có tủy đỏ., xương càng phát triển càng dễ bị viêm. Viêm tủy cấp cũng có thể thứ phát sau ổ viêm nhiễm của đường hô hấp trên như viêm tai - mũi - họng, phế quản phế viêm...

Viêm xương tủy cấp ở trẻ em mang tính chất nhiễm trùng toàn thân. Tại chi viêm, giới hạn viêm không rõ ràng, vừa có tính phá hủy vừa có tính tái tạo xương mới.

Ở người lớn: Viêm đốt sống đĩa đệm là dạng phổ biến nhất. Bệnh nhân đau âm ỉ tại vùng tổn thương, co cơ cạnh cột sống, hạn chế vận động cột sống, ấn tại chỗ đau chói kèm triệu chứng chèn ép thần kinh như liệt, rối loạn đại tiểu tiện…

4. Triệu chứng bệnh viêm tủy xương

4.1. Triệu chứng viêm tủy xương cấp tính

Viêm tủy xương cấp tính ở trẻ thường mang tính chất toàn thân, là biến chứng của viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm phế quản, viêm tai mũi họng… Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Rét run, sốt cao, vị trí gần xương viêm bị nóng đỏ,… Nếu có ban đỏ kèm sưng phồng phần mềm gần xương thì viêm đã nặng, mủ tích tụ vượt qua vỏ xương lan sáng phần mềm và khớp lân cận.

Đau và hạn chế đi lại.

Sưng mủ: Nếu viêm nhiễm trùng kéo dài có thể hình thành ổ áp xe ở chi, tại vị trí đó bùng nhùng mủ sờ thấy rõ, xung quanh sưng nóng và đỏ. Một vài trường hợp còn có lỗ mủ và chảy dịch ra ngoài. Mủ có mùi hôi tanh đặc trưng.

Ở người lớn thường chỉ bị viêm đốt sống đĩa đệm gây đau âm ỉ, hạn chế vận động, khi ấn bị đau nhói, rối loạn đại tiểu tiện, liệt nếu viêm chèn ép thần kinh…

Hình ảnh nhiễm trùng trong xương.

4.2. Triệu chứng viêm tủy xương mạn tính

Đa phần các trường hợp mạn tính triệu chứng bệnh không rầm rộ, nhất là triệu chứng toàn thân. Các giai đoạn triệu chứng khởi phát thường xen kẽ nhau, song đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng thường phát hiện muộn.

Viêm tủy xương mạn tính thường có lỗ rò từ xương ra ngoài da, mủ sẽ chảy qua đường này, đôi khi có cả mảnh xương chết đi theo. Nếu lỗ rò bị tắc, dịch bị tụ lại thì nhiễm khuẩn sẽ tái phát.

5. Cách chẩn đoán bệnh viêm tủy xương

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng biểu hiện nhiễm trùng toàn thân và viêm tại chỗ.

Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm thấy bạch cầu tăng, máu lắng và có protein C phản ứng tăng.

Chụp X-quang, siêu âm, chụp CT, MRI, chọc dịch mủ.

Chụp xạ hình xương.

Nuôi cấy mô xương, áp xe, hoặc cả hai

6. Viêm tủy xương có điều trị được không?

Điều trị sớm có vai trò quyết định trong hiệu quả và thời gian điều trị, tránh bệnh tiến triển thành biến chứng nặng. Người bệnh nếu điều trị tích cực, kiêng khem và chăm sóc tốt hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Kháng sinh đường tĩnh mạch được bác sĩ chỉ định trong điều trị cho người bị bệnh viêm tủy xương. Ảnh minh họa

7. Điều trị bệnh viêm tủy xương

Chẩn đoán và sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch sớm.

Dẫn lưu mủ và tổ chức hoại tử hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các mô - xương xung quanh.

Xác định vi khuẩn gây viêm bằng cấy máu, cấy dịch khớp, mủ.

Dùng kháng sinh liều cao, nhóm diệt khuẩn qua đường tĩnh mạch ngay từ đầu.

Điều trị và liệu trình kháng sinh dựa trên kết quả kháng sinh đồ.

Thông thường, bệnh nhân sẽ dần phục hồi và khỏi bệnh sau 4 - 6 tuần điều trị tích cực. Chỉ các trường hợp tiến triển nặng hoặc có dấu hiệu chèn ép thần kinh bác sĩ mới phải phẫu thuật can thiệp. 

Với điều trị viêm tủy xương mạn tính:

Cần cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc điều trị phẫu thuật loại trừ hẳn ổ viêm tủy xương mạn tính. Phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ ổ viêm.

Nên dùng kháng sinh thích hợp trước khi phẫu thuật nhiều ngày để khống chế tình trạng nhiễm khuẩn, sau đó tiếp tục dùng thuốc 4-6 tuần đường tĩnh mạch sau mổ.

Gần đây các biện pháp ghép xương, ghép phần mềm, phẫu thuật chuyển mạch nhằm cải thiện tình trạng nuôi dưỡng tại chỗ đã tạo ra những tiến bộ lớn trong điều trị viêm tủy xương mạn tính.

Phục hồi chức năng.

8. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tủy xương

Tránh để cơ thể bị chấn thương, trầy xước trong các hoạt động sống, vui chơi, thể thao, lao động.

Nếu bị chấn thương cần được sát khuẩn cẩn thận, đến cơ sở y tế khi vết thương quá sâu.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Khi phát hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc triệu chứng của viêm tủy xương cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục

7 loại protein nạc lành mạnh nhất bạn nên ăn thường xuyên

7 loại protein nạc lành mạnh nhất bạn nên ăn thường xuyên

8:35 | 18/03/2024

Protein nạc là nguồn thực phẩm với hàm lượng chất béo thấp, ít calo nhưng cung cấp lượng protein cao cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác, giúp phát triển cơ bắp và kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả.

6 loại thực phẩm giúp 'đốt cháy chất béo' hỗ trợ giảm cân

6 loại thực phẩm giúp 'đốt cháy chất béo' hỗ trợ giảm cân

8:34 | 16/03/2024

Lựa chọn đúng thực phẩm không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có thể tăng cường trao đổi chất, loại bỏ lượng mỡ thừa và hỗ trợ giảm cân.

7 lợi ích sức khỏe khi uống trà gừng điều độ

7 lợi ích sức khỏe khi uống trà gừng điều độ

8:33 | 14/03/2024

Có bằng chứng cho thấy trà gừng hỗ trợ giảm bớt các bệnh từ buồn nôn đến đau bụng kinh, đồng thời nó có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.