WHO: Cảnh báo dịch COVID-19 ở châu Âu 'rất nghiêm trọng', cần tăng cường an toàn cho nhân viên y tế

18:17 | 18/09/2020

Các nước châu Âu đang tái áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt và tăng cường phong tỏa để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 tăng đột biến. Trước thực trạng này, WHO cảnh báo số ca nhiễm tăng lên là lời cảnh báo về những gì sắp diễn ra với khu vực này.

Ngày 17/9, ông Hans Kluge - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết, hơn một nửa số quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong hai tuần qua. "Số ca nhiễm mới mỗi tuần đã vượt mức được ghi nhận khi đại dịch lần đầu tiên đạt đỉnh ở châu Âu hồi tháng 3. Tuần trước, tổng số ca nhiễm trong tuần đã vượt mức 300.000 bệnh nhân", ông Hans nói.

Phát biểu của vị này được đưa ra trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng đột biến khi các nước châu Âu đang tái áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt và tăng cường phong tỏa để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Ông Hans cho rằng, số ca bệnh tăng lên là lời cảnh báo về những gì sắp diễn ra tại khu vực châu Âu.

"Vào mùa xuân và đầu mùa hè, chúng tôi có thể thấy tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Những nỗ lực đã được đền đáp. Trong tháng 6, số ca bệnh đạt mức thấp nhất kể từ đầu dịch. Tuy nhiên, trong tháng 9 số ca bệnh tăng đột biến, đó là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta", Giám đốc Hans nhận định.

Số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đang tăng mức báo động. Ảnh: Reuters

Cũng theo quan chức WTO, trước đây số ca mắc COVID-19 tại châu Âu được ghi nhận ở các nhóm tuổi cao hơn từ 50-79. Nhưng trong tuần đầu tháng 9, số ca nhiễm mới chiếm tỷ lệ lớn nhất ở khu vực này nằm trong độ tuổi từ 25-49.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh các quốc gia bắt đầu thắt chặt trở lại các quy định phòng dịch. Đơn cử, tại Anh, giới chức yêu cầu người dân không được tụ tập theo nhóm hơn 6 người, dù là trong nhà hay ngoài trời. Nhiều thành phố lớn các quán bar, quán rượu, nhà hàng và trung tâm giải trí phải đóng cửa lúc 22h.  Hiện số người tử vong vì COVID-19 tại Anh đã lên tới hơn 41.700 người, trong khi số ca nhiễm vượt mốc 381.000 người.

Tại Pháp, số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng lên nhanh chóng trong những ngày gần đây ở các thành phố lớn như Paris, Bordeaux và Marseille. Mới đây một kỷ lục đã được thiết lập khi Pháp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Số ổ dịch cũng tăng lên và số ca điều trị tích cực đã tăng 25% trong tuần vừa qua. Tính đến nay, Pháp ghi nhận hơn 31.000 ca tử vong và hơn 415.000 ca mắc COVID-19.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng thông báo các biện pháp hạn chế mới để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh. Lãnh đạo Madrid cho rằng, nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng lên là cho dân nhập cư. Hiện Tây Ban Nha ghi nhận hơn 30.400 ca tử vong và hơn 625.000 ca nhiễm. Trong khi đó, Italia cũng lần lượt vượt mức 35.600 người tử vong và 293.000 trường hợp ca mắc mới.

WHO kêu gọi tăng cường an toàn cho nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chính phủ Đức đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới và yêu cầu tăng cường xét nghiệm tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Bavarian nổi tiếng sau khi xuất hiện ổ dịch COVID-19 liên quan tới một công dân Mỹ. Tại Đức, số người chết vì nhiễm bệnh thấp hơn nhiều nước châu Âu khi ghi nhận hơn 9.400 người, trong khi số ca nhiễm lên tới gần 270.000 người.

Cũng trong ngày 18/9, WHO kêu gọi tăng cường an toàn cho nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra khi tổ chức này công bố một hiến chương nhằm tăng cường an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế.

Theo số liệu thống kê, trên toàn cầu các nhân viên y tế bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức độ nói chung. Đội ngũ nhân viên y tế chiếm chưa đầy 3% dân số ở hầu hết các nước và chưa tới 2% dân số ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, song họ chiếm khoảng 14% trong tổng số ca mắc COVID-19 được báo cáo tới WHO. Theo WHO, tỉ lệ này ở một số nước lên tới 35%.

Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế chỉ ra rằng, hàng nghìn y tá có thể đã tử vong trong đại dịch. Tính đến giữa tháng 8, có tới 1.097 y tá ở 44 nước tử vong do COVID-19. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về vai trò quan trọng của các nhân viên y tế... Tất cả chúng ta nợ họ, không chỉ do họ chăm sóc cho người bệnh mà bởi họ đã đánh đổi cả mạng sống của mình để thực hiện nhiệm vụ". 

Tin cùng chuyên mục

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

Bí ẩn về loài bạch tuộc chỉ sinh sản một lần và bảo vệ con cái của chúng cho đến hơi thở cuối cùng!

9:52 | 21/04/2024

Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương còn được biết đến với tên gọi là Bạch tuộc khổng lồ Bắc Thái Bình Dương là một loài bạch tuộc cỡ lớn trong chi Enteroctopus phân bố ở bờ biển phía Bắc Thái Bình Dương và có ở California, Oregon, Washington, British Columbia, Alaska, Nga, Bắc Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

Tài sản lên tới 1.000 tỷ USD nhưng chưa ai từng xuất hiện trong danh sách người giàu

8:53 | 03/04/2024

Siêu gia tộc Rothschild có đế chế đa ngành, bắt đầu từ ngành ngân hàng và sự giàu có của họ đã trải rộng khắp thế giới.

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

Thảm họa sập cầu tại Mỹ: Tiết lộ về cuộc gọi khẩn cấp cứu sống nhiều người vào thời điểm nguy hiểm

8:20 | 28/03/2024

Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm được thủy thủ đoàn trên con tàu container phát ra đã giúp cứu sống nhiều người.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.