Xoắn ruột: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và sự nguy hại với trẻ

18:29 | 24/11/2021

Xoắn ruột là một dạng của tắc ruột do nghẹt ruột gây nên. Nếu có biểu hiện bị xoắn ruột, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, gần đây Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phẫu thuật, hồi sức thành công cứu sống bé Nguyễn M.T (6 tuổi, Hà Tĩnh) do bị hoại tử do xoắn ruột.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Bé T đau bụng dữ dội đã hơn 1 ngày, lơ mơ, tái nhợt, dọa ngừng tim, bụng chướng hơn bình thường. Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển gấp lên khoa Hồi sức Ngoại khoa.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sỹ đã tiến hành thăm khám, hồi sức tích cực, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, siêu âm và chụp X-quang. Chọc dò dịch ổ bụng bệnh nhi, các bác sỹ phát hiện tình trạng máu loãng không đông trong ổ bụng. Sau khi có kết quả, các bác sỹ Khoa Hồi sức Ngoại và Ngoại Tổng hợp thống nhất chẩn đoán theo dõi tình trạng xoắn ruột hoại tử, suy hô hấp, theo dõi nhiễm khuẩn huyết và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhi trên, ThS.BS Đậu Anh Trung – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp nhận định, đây là một trường hợp khó vì bệnh nhi nhập viện ở giai đoạn muộn. Khi tiến hành mở ổ bụng, kíp phẫu thuật nhận thấy có nhiều dịch bẩn. Kiểm tra các quai ruột, phát hiện ruột non của bé đã hoại tử thâm đen, quai hồi tràng dài khoảng 2m cách góc manh tràng 30cm bị thoát vị nội, hoại tử.

Nhận định quai ruột xoắn đã bị hoại tử không có khả năng phục hồi nên kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử. Sau đó, tiến hành đưa 2 đầu hồi tràng ra làm hậu môn nhân tạo tạm thời. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công, bệnh nhi được chuyển về điều trị tại Khoa Hồi sức Ngoại khoa. Sức khỏe bé T đã ổn định và vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bé T đã ổn định và vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất. Ảnh: H.Y

1. Xoắn ruột là gì?

Xoắn ruột là một dạng của tắc ruột, đây là một trong những bệnh tiêu hóa khá thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Xoắn ruột gây tắc nghẽn trong đường ruột, khiến thức ăn không thể di chuyển xuống dưới, vì vậy không thể tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Xoắn ruột là một tình trạng cấp cứu cần thiết phải điều trị bằng phẫu thuật. Nếu không được điều trị kịp thời, phần ruột bị thiếu máu nuôi dần dần sẽ chết đi, cuối cùng là tình trạng viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng.

2. Nguyên nhân xoắn ruột

Ở trẻ em, xoắn ruột non thường gặp là do sự xoay không bình thường của ruột. Quá trình xoay bất thường được xác định khi mà có vấn đề trong quá trình hình thành ruột non (ruột được đặt ở sai vị trí bình thường). Điều này dẫn tới ruột non bị xoắn hoặc trở nên tắc nghẽn.

Ở người lớn, nguyên nhân xoắn đại tràng sigma bao gồm:

Đại tràng phì đại.

Sự dính trong ổ bụng hình thành sau phẫu thuật, chấn thương hoặc nhiễm trùng.

Bệnh lí của ruột già, chẳng hạn như bệnh Hirschsprung’s.

Đại tràng không được cố định vào thành bụng.

Sự bắt chéo nhau tại vị trí mạc treo.

Táo bón mạn tính.

Mang thai.

Những yếu tố nguy cơ khác của xoắn đại tràng sigma bao gồm:

Nam.

Trên 60 tuổi.

Sống trong viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc dài hạn.

Xoắn ruột thường diễn ra do những tình trạng bệnh lí hoặc sinh lí bất thường. Tuy nhiên thì thỉnh thoảng cũng không tìm được lí do nào cả.

Hình ảnh ruột bị xoắn.

3. Đối tượng bị xoắn ruột

Xoắn ruột non thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở người trưởng thành thì hiếm khi bị xoắn ruột non.

Ở người lớn, xoắn ruột có xu hướng diễn ra ở ruột già hay còn được biết là xoắn đại tràng sigma.

4. Phân loại xoắn ruột

Xoắn ruột sơ sinh.

Xoắn dạ dày.

Xoắn ruột non.

Xoắn manh tràng.

Xoắn đại tràng sigma.

5. Triệu chứng xoắn ruột

Xoắn ruột non

Đau bụng đột ngột và đau tăng lên rất nhanh, đau liên tục, dồn dập.

Nôn ói.

Bí trung tiện và đại tiện hoàn toàn.

Thể trạng suy sụp nhanh chóng

Bệnh nhân bị sốc rất nhanh với các biểu hiện như mạch nhanh, huyết áp hạ, lo sợ, hốt hoảng…

Khám bụng thấy có các biểu hiện như: dấu hiệu Wahi, quai ruột giãn căng, ấn nhẹ rất đau, bụng trướng…

X-quang: Hình chữ U, mực nước hơi ở hai bên và có vài mực nước hơi rải rác

Xoắn đại tràng chậu hông

Đau bụng, đau tăng theo thời gian.

Nôn hoặc không nôn.

Bí trung đại tiện.

Bụng trướng không đều, quao ruột giãn to.

X-quang thấy quai ruột đầy hơi giãn rất lớn gần hết ổ bụng, dưới quai có 2 mực nước hơi. Chụp đại tràng barit có hình mỏ chim…

Xoắn dạ dày

Đau vùng thượng vị.

Nôn hoặc không nôn.

Khó nuốt hoặc không nuốt được.

Ở trẻ nhỏ có thể có thêm các triệu chứng sau:

Trẻ quấy khóc, bỏ bú, da xanh tím tái, khóc khó dỗ, khóc thét từng cơn, khóc nhiều lần trong ngày.

Hôn mê.

Nhịp tim nhanh và thở nhanh.

Cử động chân giống như vẽ khi đau.

Xoắn ruột nếu không được điều trị kịp thời, phần ruột bị thiếu máu nuôi dần dần sẽ chết đi. Ảnh: TL

6. Biến chứng của xoắn ruột

Xoắn ruột có thể dẫn đến biến chứng như: Viêm ruột hoại tử, viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn… khiến trẻ phải thực hiện phẫu thuật để điều trị cấp cứu.

Nhiễm trùng máu nặng.

Rối loạn hấp thu hay còn được gọi là hội chứng ruột ngắn, kết quả của việc cắt ruột non quá nhiều trong phẫu thuật cho chết ruột.

Nhiễm trùng ở bụng hay là nhiễm trùng phúc mạc thứ phát.

Xoắn ruột có thể đe doạ tính mạng nếu như không được điều trị sớm.

7. Chẩn đoán xoắn ruột

Xét nghiệm máu.

Xét nghiệm tìm máu trong phân.

Chụp X-quang ống tiêu hóa.

Chụp cắt lớp điện toán (CT-scan) ổ bụng để phát hiện bất thường.

Soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm.

Phương pháp điều trị xoắn ruột gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa cấp cứu. Ảnh: TL

8. Điều trị xoắn ruột

Các phương pháp điều trị xoắn ruột gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa cấp cứu.

Dựa vào biểu hiện của người bệnh, hình ảnh siêu âm, nội soi cũng như chỉ số các xét nghiệm công thức máu, sinh hoá… các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch, đặt ống thông dạ dày, dùng kháng sinh, điều trị giảm đau, phẫu thuật…

9. Chăm sóc trẻ sau khi điều trị xoắn ruột

Sau khi điều trị xoắn ruột, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ để trẻ phục hồi nhanh hơn.

Cho trẻ uống nhiều nước, bú sữa mẹ (nếu vẫn còn bú), uống nước trái cây... để tránh bị mất nước.

Để hạn chế tình trạng tắc ruột nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, cho trẻ ăn chế độ ăn uống ít chất xơ, không ăn ngũ cốc và các loại hạt.

Cho trẻ ăn đồ ăn dễ tiêu, lỏng như: Súp, cháo.

Tránh các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn khó tiêu hóa.

Tránh các loại thực phẩm tạo hơi như: Các loại đậu, lạc, rau, nước giải khát.

Nên theo dõi biểu hiện của các bé trong những ngày tiếp theo, khi phát hiện thấy triệu chứng lạ cần đưa các bé đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra lại, tránh các biến chứng hoặc trường hợp trẻ bị xoắn ruột tái phát.

Tin cùng chuyên mục

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

8:22 | 13/04/2024

Tăng huyết áp đột ngột gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Việc nhận biết và có cách xử trí tăng huyết áp đột ngột giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

8:22 | 11/04/2024

Chưa từng ghi nhận bệnh lý tim mạch, nhưng theo thông tin khai thác trong gia đình bệnh nhân 39 tuổi đã có 4 thành viên đột tử không rõ nguyên nhân.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.