Phạt học sinh bằng cách đập nát điện thoại gây tranh luận trái chiều

PV 17/09/2019 14:32

Yêu cầu học sinh tự đập nát điện thoại hoặc nhà trường sẽ đập nát điện thoại của học sinh khi các em vi phạm là hình phạt phổ biến ở nhiều trường học tại các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hành vi này đã gây ra những tranh cãi trái chiều.

Vnexpress dẫn nguồn từ India Today cho hay, mới đây Hiệu trường một trường đại học tại Ấn Độ đã tự tay dùng búa đập vỡ nhiều chiếc điện thoại di động của sinh viên trước sự chứng kiến của đông đảo học sinh toàn trường.

Trước đó Trường Đại học M.E.S Chaitanya PU ở thành phố Sirsi, bang Karnataka (Ấn Độ) có quy định sinh viên không sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Tuy nhiên, nhiều em vẫn phớt lờ, ngang nhiên vi phạm nội quy dù nhiều lần được nhắc nhở.

Sáng 12/9, Ban giám hiệu nhà trường đã kiểm tra đột xuất các lớp học và phát hiện 16 trường hợp sử dụng điện thoại ngay trong lớp học, sau đó trường đã tịch thu và yêu cầu sinh viên tập trung tại hội trường để chứng kiến Hiệu trưởng RM Bhat dùng búa đập vỡ chúng. 

Hiệu trưởng RM Bhat đập vỡ một số điện thoại của học sinh vi phạm. Ảnh: India Today.

Ông RM Bhat- Hiệu trường nhà trường cho biết: “Việc sinh viên dùng điện thoại nhắn tin trong khi giáo viên đang giảng bài trên lớp là hành động không thể chấp nhận được. Chiếc điện thoại khiến các em mất tập trung và tình trạng này xảy ra khá phổ biến”.

Liên quan đến sự việc trên, nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng đó là một biện pháp mạnh nhằm răn đe giúp học sinh học hành tiến bộ. Hơn nữa, rèn các em có ý thức tuân thủ nội quy, quy định của nhà trường.

Ông D Shashi Kumar, Giám đốc quản lý các trường trung học song ngữ tại bang Karnataka (Ấn Độ) cho rằng, hình phạt của ông RM Bhat là cần thiết do tình hình sử dụng điện thoại di động ở các trường trung học, đại học đã vượt qua sự kiểm soát của giáo viên. "Phụ huynh nên quan tâm đến quy định về đồ dùng bị cấm trong trường học, nhắc nhở con em thực hiện đúng", ông nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình trước hành vi của ông RM Bhat. Một số người nhận xét hành động đập phá điện thoại của ông RM Bhat là không phù hợp. "Chúng ta không nên phá hủy đồ vật có giá trị. Cách trừng phạt như vậy không cần thiết và vượt quá ranh giới", một người dân bình luận.

Không chỉ ở Ấn Độ mà tại Trung Quốc, hình phạt đập nát điện thoại của học sinh khi các em vi phạm cũng đã xảy ra ở nhiều trường học. Thông tin từ Zing, một trường học tại thành phố Quý Dương (Trung Quốc) cũng đã từng xảy ra hiện tượng giáo viên đã dùng búa phá hủy điện thoại sau khi tịch thu của học sinh, sau đó giáo viên này còn dùng tay bẻ nát chúng ra.

"Nếu các bạn học sinh lén lút mang điện thoại đến trường và không thông báo với giáo viên, nhà trường sẽ ngâm điện thoại trong nước và đập nát chúng", một giáo viên nói.

Điện thoại bị tịch thu và nhúng vào nước sau đó. Ảnh: vnexpress.

Một hình thức xử lý khác cũng được áp dụng tại nhiều trường học ở Trung Quốc khi phát hiện học sinh vi phạm dùng điện thoại trong giờ học, đó là tự bản thân học sinh phải dùng búa đập nát chiếc điện thoại của mình trước sự chứng kiến của thầy cô và các bạn học sinh toàn trường.

Việc đưa ra những hình thức phạt, xử lý học sinh dùng điện thoại trong giờ học là việc làm cần thiết. Tuy nhiên hành vi đập nát điện thoại của học sinh, hoặc yêu cầu học sinh tự đập nát chiếc điện thoại của mình như vậy đã vô tình xâm phạm đến quyền và tài sản cá nhân của mỗi người. "Cách giải quyết này quá bạo lực, không phù hợp với môi trường học đường chút nào cả", một cư dân mạng bày tỏ ý kiến.

Thực tế nhiều nước cũng đã đưa ra các biện pháp để xử lý học sinh vi phạm sử dụng điện thoại trong giờ học có hiệu quả. Vnexpress cho hay, trường Roanoke thuộc bang Virginia (Mỹ) đã thuê túi khóa điện thoại để thực hiện chương trình thí điểm không để học sinh bị sao nhãng bởi điện thoại ở tất cả lớp học tại trường.

Theo đó, khi đến lớp, học sinh sẽ được yêu cầu tắt điện thoại di động và bỏ vào trong các túi được khóa bằng cơ chế từ và không thể mở ra được cho đến khi giáo viên mở khóa bằng một thiết bị riêng biệt.

Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã có dự thảo Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và đưa thông tin không lành mạnh lên mạng. Nhiều trường học tại các địa phương dù cũng đã có nhiều biện pháp răn đe, tuy nhiên vấn nạn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học vẫn chưa đươc xử lý triệt để.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phạt học sinh bằng cách đập nát điện thoại gây tranh luận trái chiều
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO