5 loại thuốc cần tránh khi sử dụng thuốc tránh thai

DS. Thu Hoài 06/07/2025 07:00

Dùng một số thuốc và thực phẩm bổ sung trong khi dùng thuốc tránh thai có thể làm giảm hiệu quả tránh thai của thuốc.

Một số thuốc làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc tránh thai

1. Thuốc kháng sinh chống lao rifampin

Theo thông tin đăng trên trang health, trong hầu hết các trường hợp, thuốc kháng sinh không tương tác với thuốc tránh thai. Ngoại lệ duy nhất là rifadin (rifampin), một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh lao. Rifadin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai nội tiết tố (kể cả dạng thuốc viên, miếng dán, vòng và que cấy).

Rifadin làm tăng hoạt động của các enzyme CYP phân hủy estrogen (hormone sinh sản nữ) trong cơ thể, làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai. Do đó, luôn sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng khác trong khi dùng rifadin.

Dữ liệu về việc liệu các loại kháng sinh khác có tương tác với biện pháp tránh thai hay không còn hạn chế. Do đó, hãy thận trọng và sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng, chẳng hạn như bao cao su, trong khi dùng kháng sinh.

2. Thuốc chống nấm

Thuốc chống nấm được sử dụng để điều trị nhiễm trùng nấm, ví dụ như bệnh nấm ở chân, nấm bẹn... Thuốc có dạng bôi, uống và tiêm. Một số thuốc chống nấm có thể tương tác với thuốc tránh thai. Ví dụ, griseofulvin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai nội tiết tố. Do đó, nên dùng thêm biện pháp tránh thai khác trong khi dùng griseofulvin.

5 loại thuốc cần tránh khi sử dụng thuốc tránh thai- Ảnh 1.

Một số thuốc làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai.

Một số thuốc chống nấm nhóm azole, chẳng hạn như nizoral (ketoconazole), voriconazole cũng có thể tương tác với thuốc tránh thai nội tiết tố bằng cách ngăn chặn enzyme chịu trách nhiệm phân hủy thuốc tránh thai nội tiết tố. Điều này có thể dẫn đến tăng nồng độ thuốc tránh thai trong có thể, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn và đau ngực.

3. Thuốc chống động kinh

Một số loại thuốc chống động kinh tương tác với thuốc tránh thai nội tiết tố bằng cách làm giảm nồng độ thuốc tránh thai trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của chúng trong việc ngăn ngừa thai nghén.

Các loại thuốc chống động kinh này bao gồm:

  • Tegretol (carbamazepin)
  • Trileptal (oxcarbazepin)
  • Depacon (valproat)
  • Topamax (topiramate)
  • Dilantin (phenytoin)

Kết hợp thuốc tránh thai nội tiết tố với thuốc chống co giật lamictal (lamotrigine) có thể làm giảm nồng độ lamictal trong cơ thể, làm giảm hiệu quả của thuốc trong việc kiểm soát cơn co giật.

4. Thuốc điều trị HIV

Một số loại thuốc điều trị HIV được biết là tương tác với các loại thuốc khác, bao gồm thuốc tránh thai. Ví dụ, thuốc sustiva (efavirenz) có thể làm giảm hiệu quả của biện pháp tránh thai nội tiết tố, bao gồm cả thuốc cấy ghép và thuốc viên. Nhiều loại thuốc điều trị HIV kết hợp có chứa efavirenz, chẳng hạn như atripla (efavirenz/emtricitabine/tenofovir) và symfi (efavirenz/lamivudine/tenofovir).

Do đó, luôn đọc kỹ thành phần, tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu phác đồ điều trị HIV của bạn có an toàn khi dùng cùng với biện pháp tránh thai hay không.

5. Than hoạt tính

Than hoạt tính được sử dụng để điều trị ngộ độc, quá liều thuốc, cholesterol cao, tình trạng nôn nao và đau dạ dày... Dùng than hoạt tính và thuốc tránh thai cùng nhau có thể làm giảm lượng thuốc tránh thai mà cơ thể hấp thụ, khiến thuốc tránh thai kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa thai nghén. Để tránh tương tác này, hãy dùng than hoạt tính ít nhất ba giờ sau hoặc 12 giờ trước khi bạn uống thuốc tránh thai.

Nên bổ sung chất dinh dưỡng nào khi dùng thuốc tránh thai?

Thuốc tránh thai có liên quan đến một số thiếu hụt dinh dưỡng. Một nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai đường uống có thể làm giảm nồng độ vitamin B6, vitamin B12, folate, kẽm, selen và magiê…

Do đó, có thể bổ sung các loại vitamin hoặc thực phẩm bổ sung cụ thể, đặc biệt là nếu bạn dùng biện pháp tránh thai trong thời gian dài. Tuy nhiên, người dùng nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng xem có cần bổ sung hoặc cách bổ sung an toàn, hiệu quả cho cá nhân,

Biện pháp tránh thai có thể rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách, nhưng một số yếu tố nhất định có thể khiến biện pháp này giảm hiệu quả. Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể tương tác với biện pháp tránh thai, làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai hoặc làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của biện pháp này.

Do đó, người dùng luôn luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung mới, để giúp bạn xác định xem thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có ảnh hưởng đến biện pháp tránh thai của bạn hay không. Nếu có, họ có thể đề xuất một biện pháp tránh thai dự phòng.

Mời độc giả xem thêm:


Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/5-loai-thuoc-can-tranh-khi-su-dung-thuoc-tranh-thai-169250705163252006.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/5-loai-thuoc-can-tranh-khi-su-dung-thuoc-tranh-thai-169250705163252006.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        5 loại thuốc cần tránh khi sử dụng thuốc tránh thai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO