Đốt pháo sáng trên sân bóng đá bị phạt thế nào?

PV 01/04/2020 14:52

Tối ngày 11/9, "cơn mưa" pháo sáng đã xảy ra trên sân Hàng Đẫy khi Hà Nội FC tiếp đón Nam Định, vòng 22 V.League, khiến một người bị thương. Vậy, những chế tài nào để ngăn chặn hành vi đốt pháo sáng trên sân bóng?

Pháo sáng nguy hiểm thế nào?

Cổ động viên đốt pháo sáng tại trận đấu Hà Nội FC và Nam Định đã khiến một cổ động viên bị thương nặng. Ảnh: Soha

Theo những nhà chuyên môn thì pháo sáng được sử dụng trong hoạt động cứu nạn trên biển vì khó bị dập tắt ngay cả khi dính nước. Pháo sáng có chứa hóa chất, có thể cháy tới nhiệt độ 1.600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép), có loại lên đến 3.000 độ C. Khói được tạo ra từ pháo sáng cũng chứa nhiều chất độc nguy hiểm, với những người bị hen suyễn khi hút phải sẽ khiến họ trở nên khó thở nhanh chóng. 

Bụi khói của pháo sáng ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc. Khí sunfurơ gây sốc và mẫn cảm mạnh đường hô hấp, tác động tức thì. Khí carbonmono oxit làm giảm các phản ứng thần kinh thực vật và hôn mê.

Tuy nhiên, những người sử dụng pháo sáng tại sân vận động Hàng Đẫy ngày (11/9) đã không ý thức được tác hại của nó. Với họ đó có thể là niềm vui nhưng với người lại trở thành sự khó chịu và gây nguy hiểm cho người xung quanh.

Các mức phạt đối với hành vi đốt pháo sáng

Liên quan đến sự việc cổ động viên đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy trong đó có người bị thương, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết trên Tri Thức Trẻ: “Theo quy định của pháp luật thì pháo sáng không được Nhà nước cho phép sử dụng vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người”.

 CĐV Nam Định đốt pháo sáng nhiều lần trong trận đấu.

Việc cổ động viên mang pháo sáng và sử dụng trong sân vận động Hàng Đẫy có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Mức phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng khi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Hành động sử dụng pháo sáng bắn từ khán đài B sang khán đài A làm một phụ nữ bị thương nặng, theo bác sĩ chuyên môn có thể phải phẫu thuật nhiều lần đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Do đó, ở đây có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích", tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS. Cụ thể: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp (Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm....

Tại Điều 10 quy định, nếu vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây... Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; Sử dụng các loại pháo mà không được phép...

Đối với Ban tổ chức thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 68 Quyết định 72/QĐ-LĐBĐVN ngày 05/03/2018 của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

Khi Ban tổ chức trận đấu để xảy ra sự việc đốt lửa, đốt pháo nổ các loại, thuốc pháo nổ trong sân vận động gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác, thì sẽ bị phạt 20 triệu đồng. Nếu Ban tổ chức để vi phạm nhiều lần trong trận đấu; Vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu thì sẽ phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng.

Vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nhiều lần nhưng vẫn tái phạm thì bị xử lý bằng hình thức thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian. Nếu lỗi do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách cũng sẽ bị xử lý kỷ luật tương tự.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đốt pháo sáng trên sân bóng đá bị phạt thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO