8 vấn đề sức khỏe trẻ sơ sinh có thể mắc phải

14:40 | 02/08/2022

Do sức đề kháng còn kém và chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh. Một số các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh các bậc cha mẹ cần nắm được để có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất.

Sơ sinh là giai đoạn có nhiều nguy cơ tổn thương nhất. Bởi vì trẻ có sự thay đổi từ trong bụng mẹ rất an toàn sang môi trường sống ở ngoài. Do sức đề kháng còn kém và chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh. Một số các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ cần nắm được.

1. Vàng da

Bệnh vàng da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở trẻ sơ sinh non tháng, sau khi chào đời 2 - 3 ngày, thường xuất hiện vàng da. Ở những trẻ đủ tháng, vàng da là khá hiếm và chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30%. Nguyên nhân gây vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh là do sự tích tụ Bilirubin - chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng. Hiện tượng vàng da xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có số lượng tế bào hồng cầu cao, lại thường xuyên bị phá vỡ và thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ trưởng thành để đào thải hết Bilirubin ra khỏi máu và vì vậy mà gây nên vàng da. Khi trẻ khoảng 2 tuần tuổi, gan sẽ phát triển đầy đủ hơn để có khả năng xử lý và lọc bỏ hết Bilirubin. Chính vì thế bệnh vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi mà không để lại bất cứ nguy hiểm nào.

Tuy nhiên trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý lẫn vàng da bệnh lý - biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó. Trong khi vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần, thì vàng da bệnh lý cần được bác sĩ chuyên khoa chữa trị lâu dài bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh.

Biểu hiện vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh thông thường

- Vàng da đơn thuần ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn.

- Xuất hiện khoảng 48 -72 giờ sau sinh.

- Tự khỏi trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non.

- Không kết hợp các triệu chứng bất thường khác.

- Nước tiểu có màu tối hoặc vàng và phân nhạt màu.

- Trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều.

Dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh

- Mức độ vàng da rất đậm, vàng toàn thân và cả mắt.

- Xuất hiện sớm từ ngày đầu tiên sau sinh.

- Không khỏi sau 1 tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

- Có các triệu chứng khác kèm theo như: Bỏ bú hoặc bú kém, sốt, khóc nhiều, lừ đừ, ngưng thở, thở nhanh, thay đổi thân nhiệt…

- Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường.

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh là tình trạng không thể coi thường vì có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như: Bilirubin não cấp tính, Vàng da nhân (Bệnh não do Bilirubin).

Khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.

tre bi vang da

2. Đầy hơi chướng bụng

Trẻ sơ sinh bị đầy hơi là do trẻ thường nuốt rất nhiều không khí dư thừa từ hai quá trình bú và khóc. Cha mẹ nên quan sát bụng của trẻ. Thông thường, trẻ sơ sinh có bụng lồi, mềm. Nếu sờ vào bụng của trẻ có cảm giác cứng và phồng lên, đó có thể là do đầy hơi hoặc táo bón. Khi cơ thể trẻ bắt đầu thích nghi với việc bú, tình trạng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu đầy bụng kéo dài và bụng căng tức nhiều, điều đó có thể là vấn đề nghiêm trọng ở các cơ quan nội tạng.

Ngoài ra, hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển và làm quen, từ khả năng dung nạp, hấp thu cho đến bài tiết. Những tháng đầu làm quen với sữa và sự tăng lượng sữa, từ 6 tháng lại phải làm quen với chế độ ăn dặm, với sự tăng lên cả về lượng và loại thức ăn. Khí cũng sinh ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn hay hoạt động của vi khuẩn đường ruột. Cho bú hay cho ăn quá nhiều so với khả năng tiêu hóa cũng dẫn đến trẻ sơ sinh chướng bụng.

Để giảm cảm giác đầy hơi chướng bụng ở trẻ nhũ nhi mẹ có thể áp dụng các biện pháp:

- Cho trẻ bú đúng tư thế: Cần cho bé bú đúng tư thế, luôn chú ý giữ đầu bé cao hơn dạ dày để sữa sẽ chảy xuống đáy dạ dày còn hơi sẽ ở bên trên dễ dàng hơn cho việc ợ hơi loại bỏ khí dư. Nếu bé bú bình, nên nghiêng bình sao cho sữa ngập núm vú để trẻ không nuốt phải nhiều khí trong quá trình bú.

- Massage bụng: Để giúp trẻ dễ chịu hơn, mẹ cần massage bụng cho trẻ thường xuyên, không những trẻ thấy thoải mái mà cách này sẽ giảm được lượng hơi trong dạ dày hiệu quả. Mẹ nên nhẹ nhàng dùng các ngón tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài bụng của bé. Có thể dùng dầu massage để tay mẹ không bị rít khi chạm vào da của bé. Tuy nhiên, không nên massage ngay sau khi bé vừa ăn xong.

- Chườm nóng vùng bụng: Mẹ có thể lấy 2 chiếc khăn tay và làm ấm chúng, không nên quá nóng bằng cách nhúng nước nóng và vắt khô. Kiểm tra độ nóng bằng cách chườm lên tay, sau đó gấp một chiếc khăn lại thành gói và đặt lên vùng bụng của bé. Lấy chiếc khăn thứ hai và quấn xung quanh bụng bé để cố định chiếc khăn thứ nhất. Cần cẩn thận quấn không quá chặt, không quá nóng.

- Giúp bé ợ hơi: Sau khi cho bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay mà nên bế vác bé lên vai hoặc cho bé nằm sấp lên đùi hoặc ngồi với tay đỡ sau lưng và đầu bé và vỗ ợ hơi cho bé.

Có thể thử nhiều tư thế và phương pháp nhau:

+ Ẵm bé tựa đầu vào vai và vỗ nhẹ lên lưng bé.

+ Ẵm bé tựa đầu vào vai và xoa lưng bé theo những chuyển động tròn dọc theo xương sống từ dưới lên tới cổ. Động tác này giúp đưa không khí từ trong bụng lên trên và đẩy ra ngoài.

+ Đặt bé ngồi trên đùi, một tay giữ nhẹ cằm bé còn tay kia xoa hoặc vỗ lưng cho bé.

+ Để bé nằm sấp trên đùi và vỗ hoặc xoa lưng cho bé.

+ Nếu bé vẫn còn dấu hiệu đầy hơi có thể thực hiện động tác nhiều lần.

- Thay đổi cách cho bé ăn: Nếu đang cho trẻ bú, hãy chắc chắn bé đang ngậm núm vú đúng cách, tránh hút phải khí thừa. Đối với những bình sữa nên chuyển sang dùng dạng bình có núm vú chảy chậm để bé không bị nghẹn. Đồng thời, đảm bảo bé nằm ở tư thế nghiêng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc tiêu hóa của bé. Khi trẻ bú, không nên để không khí lọt vào tránh trẻ hít phải hơi khí.

- Cho bé uống nước: Đối với các bé trên 6 tháng tuổi, thử kiểm tra lại lượng nước mà bé uống mỗi ngày. Uống thiếu nước cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh bị đầy hơi. Do đó, cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho bé.

Khi trẻ bị đầy hơi chướng bụng trong thời gian dài, nôn trớ nhiều, chán ăn, quấy khóc, chậm tăng cân... cha mẹ cần cho trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tìm nguyên nhân và được tư vấn xử trí sớm, kịp thời và đúng cách.

3. Tiêu chảy

Đối với trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu, vì vậy những bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy là tình trạng xảy ra phổ biến. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể có nhiều nguyên nhân như: Thay đổi chế độ ăn của bé hoặc thay đổi chế độ ăn của mẹ nếu cho con bú; sử dụng kháng sinh cho bé, hoặc mẹ sử dụng kháng sinh và cho con bú; nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; viêm mãn tính của đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn; không dung nạp protein hoặc đường; hội chứng ruột kích thích.

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần:

- Cho con uống nhiều nước để tránh mất nước.

- Mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú.

- Nếu trẻ vẫn có vẻ khát sau hoặc giữa các lần cho ăn, hãy thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn, bác sĩ có thể khuyên các mẹ cho bé uống thêm chất lỏng bổ sung có chứa chất điện giải (oresol).

- Không tự ý cho bé uống thuốc chống tiêu chảy trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.

- Nếu trẻ đã ăn dặm trước khi tiêu chảy bắt đầu, hãy cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa cho dạ dày, chẳng hạn như: chuối, táo và ngũ cốc.

- Không cho bé ăn thức ăn khiến bệnh tiêu chảy nặng hơn, chẳng hạn như: nước ép trái cây, sữa hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ…

Nếu tình trạng của bé không thuyên giảm trong vòng 24 giờ, trẻ dưới 6 tháng tuổi, sốt trên 40 độ C, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài có máu, phân màu đen, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được thăm khám.

Trẻ sơ sinh khi có vấn đề về sức khỏe thường hay quấy khóc.

Trẻ sơ sinh khi có vấn đề về sức khỏe thường hay quấy khóc.

4. Sốt

Sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như: virus, vi khuẩn. Sốt là biểu hiện hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, sốt có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh, bao gồm các bệnh lý đơn giản và nguy hiểm.

Trẻ sơ sinh bị sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38 độ C trở lên. Nhiệt độ dưới 38 độ C chưa được tính là sốt vì cơ thể của trẻ có thể tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thời tiết nóng, trẻ mặc quá nhiều quần áo, vừa tắm nước ấm... Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể trẻ có xu hướng tăng cao vào cuối buổi chiều và giảm đi vào buổi sáng sớm. Vì vậy, cha mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của trẻ bằng nhiệt kế để xác định chính xác trẻ có bị sốt hay không.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu bị sốt thân nhiệt trên 38-39 độ C, trẻ 3-6 tháng tuổi có thân nhiệt 40 độ C, đặc biệt kèm theo triệu chứng đau tai, ho, mệt mỏi, phát ban, nôn mửa, tiêu chảy hoặc co giật… có thể dẫn đến những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến trẻ, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám để có phác đồ điều trị hợp lý.

Khi trẻ sốt cha mẹ cần:

- Trẻ sơ sinh sốt dưới 38,5 độ C thì nên hạ sốt bằng cách chườm khăn ấm. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm khoảng 30 độ C để lau cơ thể trẻ, nhất là vùng trán, nách và bẹn.

- Nếu chườm ấm liên tục mà trẻ không hạ sốt hoặc sốt cao trên 38,5 độ C thì mới cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý:

+ Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên hạ sốt cho trẻ bằng acetaminophen (paracetamol) hơn là ibuprofen.

+ Cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ.

+ Không cho trẻ uống aspirin.

+ Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt được 30 phút mà nhiệt độ vẫn không giảm thì nên cho trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

5. Táo bón

Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đi tiêu. Đối với trẻ uống sữa công thức, việc đại tiện thường diễn ra 1 lần/ngày. Với trẻ bú mẹ, việc đại tiện có thể diễn ra 2-3 lần/ngày. Tuy nhiên, có trẻ 3-7 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn trẻ 1 - 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, cứng, trẻ phải rặn khó khăn thì là táo bón.

Có rất nhiều nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có một vài nguyên nhân chính khiến bé gặp phải tình trạng này như: Trẻ bú không đủ khiến cơ thể trẻ bị mất nước; trẻ uống sữa công thức dễ bị táo bón; do chế độ ăn uống của mẹ; táo bón sơ sinh do bệnh lý.

Do trẻ sơ sinh chưa biết nói, nên bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời và có biện pháp khắc phục sớm:

- Tần suất đi đại tiện ít hơn bình thường.

- Phân cứng, vón cục.

- Trẻ quấy khóc, lười ăn hoặc bỏ ăn.

- Trẻ bị đầy bụng, khó tiêu.

Để khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần:

- Cho trẻ sơ sinh bú đủ để phòng tránh thiếu nước.

- Mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện chất lượng sữa mẹ: tăng cường chất xơ từ rau củ quả, uống nhiều nước, tránh các đồ ăn cay nóng, chất có cồn,...

- Trẻ bú sữa công thức bị táo bón, mẹ có thể chuyển sang một loại sữa công thức khác phù hợp hơn với con.

- Massage bụng cho bé: Mẹ dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, đặt lên vùng bụng xung quanh rốn rồi xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ với lực ấn vừa đủ. Việc làm này sẽ khiến thức ăn khó tiêu còn trong bụng sẽ mềm ra và chuyển động xuống hậu môn. Mẹ hãy thực hiện động tác này mỗi lần 3 phút để kích thích trẻ đi ngoài.

Trong trường hợp triệu chứng táo bón ở trẻ kéo dài hơn 2 tuần hoặc táo bón có kèm theo sốt, nôn ói, tiêu phân có máu, bụng bự lên, sụt cân, nứt hậu môn thì nên đưa trẻ đi khám ngay.

Massage bụng cho bé giúp giảm triệu chứng táo bón khi bé mắc phải.

Massage bụng cho bé giúp giảm triệu chứng táo bón khi bé mắc phải.

6. Phát ban:

Phát ban là tình trạng thường xảy ra khi cơ thể của trẻ quá nóng, còn được gọi là rôm sảy hoặc ban đỏ. Tình trạng phát ban nhiệt hay phát ban do nóng trong có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm tuổi dễ bị bệnh nhất. 

Phát ban, trên da bé sẽ xuất hiện những cục mụn nhỏ, có màu đỏ. Những mụn đỏ này có thể nổi lên ở khắp cơ thể nhưng những vùng cơ thể tiết nhiều mồ hôi sẽ có thể là nơi mọc nhiều mụn nhất, chẳng hạn như vùng trán, vùng cổ, lưng, các nếp gấp trên cơ thể, vùng tã lót…

Tình trạng trẻ bị phát ban do nóng trong có thể được cải thiện nhanh chóng nếu thời tiết trở nên mát hơn và đồng thời trẻ cũng ít đổ mồ hôi hơn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan. Trường hợp phát ban nghiêm trọng, cha mẹ không xử lý đúng cách sẽ gây tổn thương cho da, tình trạng phát ban ngày càng lan rộng, thậm chí gây nhiễm trùng và biến chứng toàn thân, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

Khi trẻ có những biểu hiện phát ban, cha mẹ cần:

Nếu trẻ bị sốt, phát ban cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, hạ nhiệt cơ thể cho trẻ bằng cách dùng khăn ấm lau người cho trẻ tại vùng cổ, nách, bẹn của bé. Có thể dùng thuốc hạ sốt cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Thường xuyên lau sạch mồ hôi cho trẻ.

- Bù nước và điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ, uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây, ăn các loại cháo, súp loãng hoặc có thể sử dụng điện giải oresol theo hướng dẫn. 

- Nên cách ly trẻ với những trẻ khác để tránh tình trạng nhiễm khuẩn hoặc phòng ngừa lây nhiễm. 

- Cắt tỉa móng tay cho bé thường xuyên để tránh để tình trạng trẻ gãi và làm xước da và gây ra tình trạng nhiễm trùng.

- Trong trường hợp những triệu chứng của trẻ không được cải thiện thì mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và kịp thời điều trị, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm cho bé.

Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cha mẹ nên đưa bé đi khám để có hướng xử lý kịp thời.

Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cha mẹ nên đưa bé đi khám để có hướng xử lý kịp thời.

7. Ho

Trẻ sơ sinh rất dễ bị ho bởi lúc này hệ hô hấp của trẻ chưa được phát triển một cách toàn diện. Đây là một trong những triệu chứng thông thường của việc trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới).

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp thường có các triệu chứng như: sốt, thở bất thường, khò khè, khụt khịt mũi, chảy nước mũi, ho, quấy khóc, bú kém, mệt mỏi, nôn trớ…

Để tránh những biến chứng nguy hiểm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm khi xuất hiện triệu chứng ho. Đồng thời nên chăm sóc trẻ cẩn thận giai đoạn này bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn kém, hệ hô hấp còn non nớt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển nên rất dễ nhiễm bệnh.

8. Nôn trớ

Nôn trớ là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình. Nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nôn trớ cũng là biểu hiện của một bệnh lý và thường đi kèm với những dấu hiệu khác như:

- Khóc thét khi đang bú.

- Bụng chướng.

- Đau quặn bụng, ưỡn bụng.

- Rơi vào trạng thái lơ mơ.

- Có hiện tượng co giật.

- Mất nước, khô miệng.

- Bãi nôn có xuất hiện máu hoặc có màu vàng, màu xanh.

Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn tới mất nước, suy dinh dưỡng, một số trường hợp có thể bị sặc chất nôn gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó, cần lưu ý và biết cách xử trí khi trẻ nôn trớ:

- Cho trẻ bú đúng cách: Dựa vào cấu tạo, vị trí giải phẫu của dạ dày, nên cho trẻ bú bên trái trước vì lúc này lượng dịch dạ dày còn ít. Sau đó, khi dạ dày chứa nhiều sữa cần chuyển cho trẻ bú phải vì bé cần nằm nghiêng trái. Như vậy sữa sẽ dễ dàng xuống và lưu lại trong dạ dày mà không trào ngược lại. Khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh sặc. Không nên cho trẻ bú quá nhiều, cần chia làm nhiều bữa ăn, mỗi bữa cách nhau 2-4 giờ.

- Giữ đúng tư thế sau khi bú: Cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15-20 phút, không cho trẻ nằm. Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.

- Nới lỏng quần áo: Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.

Nếu bé nôn trớ kèm các triệu chứng bất thường như: đau bụng, co giật, có máu thì cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức bởi rất có thể bé đang mắc phải bệnh lý nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.