Adenovirus lây lan rộng, đã có vaccine phòng bệnh chưa?

10:08 | 26/09/2022

Adenovirus có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp thông thường khác. Hiện đã có nhiều loại vaccine giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, đã có vaccine phòng bệnh do Adenovirus chưa?

Adenovirus là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột, gan...

Adenovirus có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp thông thường khác, khiến việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm bệnh càng tăng.

Theo ghi nhận, thời gian qua tại các bệnh viện tại Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với adenovirus, đã có 7 trường hợp tử vong liên quan đến Adenovirus.

Cấu trúc của Adenovirus.

Cấu trúc của Adenovirus.

Đường lây truyền của Adenovirus

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Sự nguy hiểm của Adenovirus

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Triệu chứng viêm phổi do Adenovirus rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do Adenovirus sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè.

Bệnh diễn tiến tùy theo thể trạng từng người, có bệnh nhân bị nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trường hợp sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những ca trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc.

Mắc bệnh do Adenovirus gây ra, có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phương pháp chẩn đoán Adenovirus

Theo BSCKI. Vũ Thanh Tuấn (Chuyên khoa Hô hấp – Bệnh viện Medlatec), nếu chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng, sẽ khó khăn để nhận biết có nhiễm Adenovirus hay không. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nhất là khi các ca bệnh nhiễm Adenovirus đang tăng nhanh như hiện nay, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và hướng dẫn phương pháp điều trị bệnh.

Nên thực hiện xét nghiệm Adenovirus tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác. Ảnh: Medlatec

Nên thực hiện xét nghiệm Adenovirus tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác. Ảnh: Medlatec

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến hiện nay: 

- Test nhanh bằng mẫu bệnh phẩm phân: Phương pháp này dễ thực hiện và có thể mang đến kết quả chỉ sau 60 phút chờ đợi. 

- Test Realtime PCR: Phương pháp này sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch tỵ hầu. Thời gian trả kết quả là sau 3 - 4 ngày từ thời điểm thực hiện xét nghiệm. 

Đã có vaccine phòng Adenovirus chưa?

Chia sẻ với Báo Dân trí, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hiện nay tại Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus.

Do đó, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy, đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.

Ngoài ra, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp phòng bệnh cho trẻ như:

+ Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời, nên cho trẻ bú kéo dài đến năm 2 tuổi. 

+ Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đúng cách khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm. 

+ Đảm bảo không gian vui chơi, phòng ngủ của bé luôn được sạch, thoáng. 

+ Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. 

+ Chú ý vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đối với những trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối. 

+ Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay. 

+ Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nếu cho trẻ ra ngoài, nên đeo khẩu trang cho trẻ.

+ Cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

 - Đối với những trẻ đã nhiễm bệnh, cần chú ý những điều sau: 

+ Nên đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có những biểu hiện bất thường. Đồng thời tiến hành cách ly cho trẻ để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. 

+ Điều trị theo biểu hiện bệnh: Hạ sốt khi trẻ bị sốt, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, uống thuốc kháng virus trong trường hợp cần thiết và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. 

+ Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định hỗ trợ hô hấp bằng biện pháp thở oxy hoặc thở máy. 

+ Trong trường hợp trẻ bị bội nhiễm viêm phổi có thể áp dụng điều trị bằng thuốc kháng sinh. 

Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp, Adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác.

Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp, Adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác.

CDC Mỹ có vaccine Adenovirus

Theo thông tin từ Vinmec, tại Mỹ đã có vaccine phòng ngừa Adenovirus. Tuy nhiên, vaccine Adenovirus ở Mỹ chỉ được sử dụng cho quân nhân. Vaccine này chứa Adenovirus sống loại 4 và loại 7 (virus đã gây ra các đợt dịch bệnh hô hấp ở nhiều tân binh tại Mỹ), nhưng có thể ngăn ngừa hầu hết các bệnh do 2 loại virus này gây ra.

Vaccine Adenovirus được bào chế ở dạng viên uống, với liều 2 viên, uống cùng một lúc. Các viên vaccine này nên được nuốt toàn bộ, không nhai hay nghiền nát.

Vaccine Adenovirus được chấp thuận cho các quân nhân từ 17 - 50 tuổi. Vaccine Adenovirus có thể được sử dụng cùng lúc với các vaccine khác.

Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, vẫn có thể uống vaccine Adenovirus. Những người bị bệnh vừa hoặc nặng thường nên đợi cho đến khi khỏi hẳn trước khi chủng ngừa Adenovirus.

Virus từ viên vaccine Adenovirus có thể được thải ra trong phân cho đến 28 ngày sau khi sử dụng. Để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus từ vaccine cho người khác trong giai đoạn này, người uống vaccine được khuyến cáo tuân thủ vệ sinh cá nhân đúng cách, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tiếp xúc gần với trẻ em từ 7 tuổi trở xuống, người suy giảm hệ miễn dịch hoặc với phụ nữ mang thai.

Tin cùng chuyên mục

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

8:24 | 17/04/2024

Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy tham khảo từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.