Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, sẽ đổ bộ vào khu vực nào?

Tô Hội 18/07/2025 05:53

Sáng sớm nay (18/7), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippin đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là WIPHA đang hướng thẳng vào phía Vịnh Bắc Bộ của nước ta.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (18/7), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippin đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là WIPHA.

Hồi 1 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 125,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, sẽ đổ bộ vào khu vực nào?- Ảnh 2.

Dự báo đến 1 giờ ngày 19/7, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h và có khả năng mạnh thêm. Lúc này, tâm bão nằm trên vùng biển phía Bắc đảo Lu zon (Philippin), có vị trí tại 18,7 độ Vĩ Bắc – 121,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh cấp 8–9, giật cấp 11.

Đến 1 giờ ngày 20/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25 km/h, có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Vị trí tâm bão khi đó ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc – 117,0 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 740 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được xác định từ vĩ tuyến 17,5N đến 22,5N và kinh tuyến 115,5E đến 120,0E. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông ở mức cấp 3.

Đến 1 giờ ngày 21/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25 km/h và có khả năng mạnh thêm. Tâm bão khi đó ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc – 112,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220 km về phía Đông.

Sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14. Vùng nguy hiểm mở rộng về phía Tây, bao gồm khu vực phía Bắc vĩ tuyến 18,0N và từ kinh tuyến 110,5E đến 119,0E. Toàn bộ vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông tiếp tục duy trì cấp độ rủi ro thiên tai ở mức cấp 3.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều ngày 18/7 có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cũng đưa ra nhận định về cơn bão số 3.

TS Huy cho biết, hiện nay có 2 kịch bản bão đổ bộ: Kịch bản 1 với xác suất cao là bão sẽ đổ bộ vào khu vực giáp ranh giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc (Khu vực Quảng Ninh và tâm bão cũng có thể đi qua Hải Phòng). Với kịch bản này bão có thể đi tới Hải Dương (cũ) và tiếp cận khu vực Hà Nội vào ngày 22/7.

Kịch bản 2 với xác suất thấp hơn là bão sẽ di chuyển dọc các tỉnh từ Quảng Ninh, đi qua Hải Phòng và vào các tỉnh Thái Bình (cũ), Nam Định (cũ), Thanh Hoá sau đó đi vào khu vực phía Tây của Thanh Hoá, Ninh Bình, Hoà Bình và Nghệ An.

Sau khi bão vào Biển Đông sẽ có tốc độ đi rất nhanh với vận tốc khoảng 20-25km/h và thời điểm bão đi vào ven bờ Vịnh Bắc Bộ có thể là vào khoảng sáng ngày 21/7.

Khi đi vào biển Đông, khu vực kinh tuyến 120 gần đảo Luzon bão sẽ có cấp gió 11, giật cấp 12-14. Khi đi vào ven bờ phía Nam của Trung Quốc, bão bị ma sát với đất liền nên sẽ giảm cấp xuống còn cấp 10-11, giật cấp 12-13. Khi đi vào Vịnh Bắc Bộ, bão có khả năng tăng cấp gió lên cấp 11 và giật cấp 12-13. Khi tiếp cận đất liền khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, bão có thể có cấp gió 10-11, giật cấp 12 và có thể mạnh hơn.

Về dự báo lượng mưa, chuyên gia phân tích bão số 3 có thể sẽ mang theo một lượng mưa rất lớn trong bối cảnh hiện nay các hồ chứa phía Bắc đang có mực nước cao do mùa hè năm nay mưa nhiều. Với kịch bản hiện tại, lượng mưa phổ biến do hoàn lưu bão gây ra ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Đông Bắc, Tây Bắc, Trung Du và Miền núi phía Bắc vào khoảng 250-300mm, cá biệt sẽ có những điểm đạt tổng lượng mưa tích luỹ 400-450mm cả đợt tính từ 21/7-23/7.

Bão số 3 có thể tạo sóng biển cao 3.5m gần bờ khu vực ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng. Như vậy sóng biển do bão số 3 gây ra sẽ thấp hơn bão Yagi (cao 6m gần bờ).

Tàu thuyền đánh cá khu vực Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ đến ven bờ Nghệ An nên di chuyển sớm vào bờ tìm nơi neo đậu trước ngày 21/7. Các tour du lịch ra các đảo của Hải Phòng và vùng ven biển Quảng Ninh có thể cân nhắc hoãn hoặc huỷ trong thời gian từ 20/7 đến 23/7.

Bà con các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá và cả khu vực đất liền cách bờ từ 200-250km nên có phương án dự phòng về phòng chống bão như chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, gỡ hoặc gia cố các biển quảng cáo ngoài trời. Những người ở vùng ven biển, khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản cần chuẩn bị phương án sơ tán nếu được chính quyền địa phương yêu cầu thì tuyệt đối tuân thủ.

Khu vực miền núi phía Bắc cần khơi thông các đập tạm, các hồ chứa nhỏ vì các đập tạm và hồ chứa nhỏ sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị vỡ và kích hoạt các trận lũ quét và sạt lở đất. Khi được dự báo bão vào khu vực của mình ở thì lưu ý đưa xe ô tô đến nơi cao, không đậu xe dưới các tán cây.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/ap-thap-nhiet-doi-da-manh-len-thanh-bao-se-do-bo-vao-khu-vuc-nao-169250718072039397.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/ap-thap-nhiet-doi-da-manh-len-thanh-bao-se-do-bo-vao-khu-vuc-nao-169250718072039397.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, sẽ đổ bộ vào khu vực nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO