Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách chăm sóc trẻ bị ho khi thời tiết giao mùa

20:42 | 18/10/2022

Ho là một phản xạ bảo vệ có lợi của cơ thể, xảy ra khi đường thở có vật lạ hay dịch tiết ứ đọng nhiều. Phản xạ ho giúp khai thông đường thở và cải thiện hiệu quả của hệ hô hấp khi có dị vật cản trở, giúp trẻ hít thở dễ dàng hơn.

Theo Ths.BS. Nguyễn Hy Quang, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện E, trong viêm đường hô hấp bản chất của phản xạ ho là để đánh bật dịch tiết ra khỏi vùng tiền đình thanh quản tránh để dịch tiết lọt qua thanh môn xuống khí quản và đường thở dưới. Bởi vậy một khi dịch tiết rơi vào vùng tiền đình thanh quản, thanh môn thì phản xạ ho sẽ lặp lại liên tục.. (gây ho cơn dài, ho rũ trên lâm sàng) để bảo vệ đường thở dưới (tuy nhiên ở tư thế nằm quá trình này vẫn dễ để lọt dịch xuống đường thở dưới qua mép sau dây thanh âm).

Ở trẻ nhỏ do đa phần chưa biết khạc nhổ nên dịch, đờm sau khi được ho bắn ra khỏi vùng thanh quản ra vùng hạ họng - xoang lê sẽ được nuốt xuống dạ dày - tiêu hóa.

Nếu trẻ bị ho nhiều hay ho kéo dài có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tới chất lượng cuộc sống của trẻ: Làm trẻ ngủ không ngon, hay thức giấc về đêm, căng thẳng, buồn rầu, lo lắng và sa sút trong học tập... Trong trường hợp này, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám cẩn thận để xác định nguyên nhân và tìm phương hướng điều trị hiệu quả.

Trẻ ho nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn những bệnh nguy hiểm.

Trẻ ho nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn những bệnh nguy hiểm.

Nguyên nhân trẻ bị ho

  • Theo độ tuổi

- Trẻ nhũ nhi (1 - 12 tháng tuổi): Nhiễm virus hô hấp, trào ngược dạ dày - thực quản, ho gà, lao, nhiễm vi khuẩn không điển hình...; hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, dị tật đường hô hấp.

- Trẻ nhỏ (1 - 5 tuổi): Hen phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản, dị vật đường thở bị bỏ quên, tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm virus đường hô hấp,..

- Trẻ lớn (>5 tuổi): Ho lâu ngày do lao, hen phế quản, hội chứng chảy mũi sau (viêm mũi/xoang), giãn phế quản hoặc ho trào ngược do tâm lý (gây co thắt dạ dày - thực quản đẩy đờm lên).

  • Liên quan đến các bệnh về đường hô hấp

- Ho kéo dài có đờm do trào ngược, viêm mũi xoang, dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản - phổi...

- Ho cơn đỏ mặt do ho gà, dị vật trong đường thở (hội chứng xâm nhập: cơn ho điển hình sặc sụa, đỏ mặt - tím tái) hoặc do vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlamydia,...

- Ho khi nằm/đi ngủ, ho sau khi bú, sau khi ăn, ho khi đói do trào ngược dạ dày - thực quản (khi ăn dạ dày tăng tiết acid, khi đói dạ dày vẫn tiết acid theo nhịp sinh học được duy trì trước đó).

- Ho về đêm, sau vận động, hoạt động gắng sức do hen, trào ngược.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ho, trong đó có liên quan đến các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ho, trong đó có liên quan đến các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,...

  • Dịch tiết ở họng

- Dịch từ viêm mũi, viêm VA chảy xuống họng: Theo đường thành bên họng (nẹp trước, nẹp sau loa vòi) trong viêm mũi hoặc từ chính giữa vòm đi xuống thành sau họng trong viêm VA, hoặc dịch từ ngách sàng - bướm ở viêm mũi, chảy xuống họng đa phần được trẻ nuốt (có thể gây rối loạn tiêu hóa), chủ yếu gây ho lúc sáng ngủ dậy và gây ho húng hắng trong ngày ít, hoặc không gây ho.

- Dịch từ họng miệng, amidan viêm xuất tiết hoặc dịch xuất tiết từ các tuyến nước bọt sau khi ăn: Đọng ở khoang miệng, đáy lưỡi, xoang lê, cũng gần như không hoặc ít gây ho.

- Dịch từ dạ dày - thực quản đi lên: Ngoài đọng dịch ở xoang lê, dịch còn dễ dàng đi vào thanh quản (miệng thực quản nằm ngay phía sau mà phía trước là sụn phễu - liên phễu - dây thanh âm) bởi vậy ngoài gây khàn tiếng, hắng giọng (trẻ lớn), có thể gây ho cơn kéo dài, liên tục, tiếp nối sát nhau, ho rũ rưỡi, ngoài ra do dịch có tính acid gây xót, ngứa khó chịu càng khiến trẻ như thể phải cố ho ra cho bằng được..

Ngoài dễ gây ho cơn ở tư thế dạ dày nằm ngang, ở tư thế dạ dày thẳng đứng dịch, đờm trào ngược vẫn có thể dễ dàng lên vùng thanh quản - hạ họng do nhu động, co thắt của thực quản, dạ dày, cơ hoành (đặc biệt khi trẻ bị tâm lý, khóc thét).

- Dịch từ phế quản - phổi đi lên qua khí quản - thanh quản: Có thể gây ho cơn dài ở tư thế nằm tuy nhiên khoảng cách giữa các cơn ho rất thưa, vì phải cần một khoảng thời gian để các lông chuyển biểu mô hô hấp dưới vận chuyển được dịch đờm lên vùng thanh quản.

Ở tư thế đứng dịch từ đường thở dưới rất khó lên được vùng thanh quản để gây phản xạ ho nhiều (vì thế trên lâm sàng gặp không ít bệnh nhân viêm phế quản - phổi nhưng không, hoặc ít ho).

Chăm sóc trẻ ho tại nhà

Ho là phản xạ có lợi nên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và tìm cách kìm hãm nếu trẻ thỉnh thoảng bị ho nhẹ. Trong trường hợp trẻ bị ho nhiều hay ho kéo dài uống thuốc không khỏi, phụ huynh có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau:

- Cho trẻ nghỉ ngơi, giữ cơ thể thoảng mát khi trời nóng, không để điều hòa trong phòng quá lạnh, đặc biệt vào đêm và gần sáng.

- Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh: Mặc quần áo đủ ấm, khăn quàng cổ, đeo khẩu trang...

- Súc miệng nước muối ấm. Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm ho, làm loãng đờm hiệu quả.

- Nếu trẻ ho có đờm, cha mẹ nên vỗ rung vùng lưng giúp trẻ ho ra đờm dễ hơn.

Nếu trẻ ho nhiều kèm theo các biểu hiện bất thường nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu trẻ ho nhiều kèm theo các biểu hiện bất thường nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Nhỏ thuốc sát khuẩn và làm thông mũi nếu có nghẹt mũi.

- Cho trẻ sử dụng một số thảo dược, bài thuốc trị ho dân gian an toàn như tắc chưng đường, mật ong, gừng, uống nước trà ấm loãng... Không tự ý dùng kháng sinh mà phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Chỉ sử dụng thuốc ho khi trẻ bị ho quá nhiều hoặc gây ra hậu quả xấu như bé bị đau ngực, mất ngủ, nôn ói,... Nếu cần dùng thuốc ho cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý:

+ Chỉ nên dùng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi, không tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc ho dành cho người lớn để tránh tác dụng phụ.

+ Dùng thuốc ho theo tính chất cơn ho của trẻ: Ho khan dùng siro ho chứa antihistamine hay dextromethorphan; ho đờm thì dùng thuốc long đờm (Prospan, Bisolvon...) để trị ho hiệu quả.

- Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ thoáng khí, sạch sẽ và tránh các tác nhân có hại cho đường hô hấp như khói thuốc lá, bụi bẩn,…

Trẻ ho và nôn trớ phụ huynh nên làm gì?

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi sẽ thường dễ bị nôn trớ khi ho do dạ dày bé còn nhỏ, vị trí dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị yếu.

Chú ý khi bé ho và đang nôn trớ, bố mẹ nên cho bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước hoặc nằm nghiêng, tránh làm đồ ăn rơi vào khí quản. Tuyệt đối không được bế xốc trẻ khi đang nôn, có thể dịch nôn sẽ tràn vào đường thở gây khó thở, suy hô hấp nguy kịch cho trẻ.

- Khi trẻ nôn xong đã mất một lượng nước nhất định trong cơ thể, do đó mẹ cần bổ sung nước cho bé để bù lại chất điện giải bị mất. Bé có thể uống oresol, nước lọc hay nước trái cây loãng. Cho trẻ uống ít một, từ từ, tuyệt đối không cho vào bình sữa cho trẻ bú hoặc cho trẻ uống quá nhanh.

- Để giảm bớt triệu chứng ho - nôn trớ, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị nôn trớ ra ngoài. Nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, hạn chế dầu mỡ, gia vị chua cay... Không ép trẻ ăn quá no, không cho trẻ bú nằm, không đặt trẻ nằm ngay sau ăn, không nấu đồ ăn quá đặc cho trẻ còn nhỏ hoặc ngược lại, độ loãng đặc của đồ ăn nên được thay đổi khi trẻ lớn dần.

Phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện của trẻ để có phương pháp chăm sóc phù hợp khi bé bị ho.

Phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện của trẻ để có phương pháp chăm sóc phù hợp khi bé bị ho.

Khi nào cần cho trẻ bị ho đi khám?

Sau đây là một số triệu chứng đi kèm ho cảnh báo phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức:

- Trẻ bỏ bú, bú ít hoặc không bú được, không uống được sữa.

- Bé ngủ li bì, khó đánh thức.

- Trẻ bị co giật.

- Trẻ bị khó thở: thở nhanh hơn bình thường, thở co lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực bị lõm vào khi trẻ hít vào thay vì nở ra như bình thường).

- Trẻ thở có tiếng rít.

- Bé bị ho ra máu.

- Cơn ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hay chơi, cơn ho sặc sụa tím tái (do dị vật đường thở).

- Ho kèm sốt cao.

- Ho khạc ra đờm đặc, màu xanh - vàng, có mùi hôi khó chịu.

Nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây, phụ huynh cũng nên sắp xếp thời gian đưa bé đi khám sớm:

- Trẻ ho nhiều, không giảm sau 7 ngày chăm sóc.

- Cơn ho của trẻ kéo dài trên 10 - 14 ngày.

- Trẻ bị ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều (có thể là dấu hiệu bệnh lao)

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị ho nhiều.

- Ho có đờm kéo dài.

- Ho kèm thở khò khè.

- Trẻ khó ăn, khó bú, khó nuốt.

Tin cùng chuyên mục

4 dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc hội chứng động mạch vành

4 dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc hội chứng động mạch vành

7:36 | 17/05/2024

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Bệnh động mạch vành xảy ra khi lòng động mạch bị tắc nghẽn dẫn đến cơ tim thiếu dưỡng khí, làm bệnh nhân đau thắt ngực, đau tim thậm chí là tổn thương cơ tim.

Cơ thể mất nước sẽ có những dấu hiệu gì?

Cơ thể mất nước sẽ có những dấu hiệu gì?

7:34 | 15/05/2024

Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày.

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

7:33 | 11/05/2024

Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết nắng nóng là viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang. Phòng ngừa bệnh hô hấp bằng cách uống đủ nước, tiêm phòng vaccine

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.