Bất an với thực phẩm 'bẩn’
Vụ việc 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm bị phát hiện ngâm, tưới bằng “nước kẹo”, cùng với hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghi do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ xảy ra gần đây tại Nghệ An đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn thường trực
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một nhóm gồm bốn người đàn ông mở bốn cơ sở tại TP Vinh để sản xuất khoảng 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất trước khi đưa ra thị trường. Theo lời khai của các đối tượng, trung bình mỗi cơ sở sản xuất từ 3 đến 5 tấn giá đỗ mỗi ngày, cung cấp cho các tiểu thương tại chợ đầu mối TP Vinh với giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg.Số giá đỗ ngâm “nước kẹo” này sau đó tiếp tục được vận chuyển, phân phối đến nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh để tiêu thụ.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc sử dụng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến tổn thương phổi, xơ phổi, và trong trường hợp nặng, thậm chí tử vong.

Theo TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, thời gian qua công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được chính quyền các cấp đã vào cuộc một cách quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách, giải pháp về công tác an toàn thực phẩm đã được triển khai mạnh mẽ, nhiều mô hình điểm về an toàn thực phẩm đã được triển khai hiệu quả. Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đã được chú trọng, tăng cường góp phần ngăn chặn, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo. Trong khi đó, công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố, còn gặp nhiều khó khăn.

Cần tăng cường công tác quản lý
Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Trung ương đã phát động Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025, diễn ra từ ngày 14/4 đến 14/5/2025.Hưởng ứng chỉ đạo này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các hoạt động chính như: tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm. Thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ được triển khai mạnh mẽ. Tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.Vào trung tuần tháng 4 vừa qua, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động. Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; đồng thời làm việc với các huyện, thành phố, thị xã để đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Thời gian thực hiện kiểm tra từ 15/4 - 15/5/2025.Hiện tại, Đoàn kiểm tra liên ngành bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại nhiều địa phương, tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các đơn vị dịch vụ ăn uống. Cùng thời điểm, các ngành chức năng khác cũng thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra chuyên đề để tăng cường hiệu quả quản lý.