Bệnh tay chân miệng và những quan niệm sai lầm của không ít phụ huynh

18:34 | 08/11/2022

Mặc dù, bệnh tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn những quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc khiến bệnh của trẻ trở nặng.

Triệu chứng bệnh tay chân miệng 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính do Enterovirus 71 và Coxsackie virus gây ra. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, gây thành dịch lớn.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có các triệu chứng điển hình như sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông,... nếu không quan sát kỹ, có thể nhầm lẫn với các bệnh phát ban hay thủy đậu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong,...

Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71 thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi,… khi không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Một số điểm cần lưu ý khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Mặc dù, tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ khiến bệnh của trẻ trở nặng.

Cụ thể, nhiều phụ huynh khi thấy con mắc bệnh, nổi bọng nước thì hạn chế tắm rửa, cho trẻ mặc đồ quá kín hoặc có nhiều phụ huynh tự ý bôi các loại thuốc lên da, các nốt ban của trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Những việc làm trên có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da, làm che lấp đi các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ, khiến các bác sĩ khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến bệnh. Do đó, phụ huynh cần lưu ý, nên vệ sinh tắm rửa sạch sẽ, cho trẻ ăn mặc thoáng mát. Đồng thời, đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức. Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da, thuốc uống cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, không ít phụ huynh quan niệm cho trẻ ở nhà thì không bị tay chân miệng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh, do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. Cha mẹ, người thân hoàn toàn có thể mang bệnh về cho con nếu không vệ sinh sạch sẽ. Vì thế, cần giữ vệ sinh chung, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, lau dọn nhà cửa để hạn chế nguồn lây bệnh cho trẻ.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng.

Khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà, cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời, thường trẻ mắc tay chân miệng sẽ trở nặng nhanh. Dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết trẻ bị chân tay miệng trở nặng là giật mình. Nếu trong vòng 30 phút mà trẻ giật mình 2 lần trở lên thì chắc chắn sẽ trở nặng, cha mẹ phải cho trẻ đến viện ngay.

Ngoài ra, có 1 số trẻ sẽ quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoặc trẻ yếu tay, yếu chân. Đó là dấu hiệu trẻ trở nặng, phụ huynh phải cho con đến viện ngay.

Dấu hiệu quan trọng thứ ba là khi trẻ có dấu hiệu sốt trên 2 ngày, sốt cao, sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, dùng thuốc Paracetamol cũng không hạ thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ. Trường hợp trẻ không có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần bình tĩnh theo dõi tư vấn của bác sĩ.

Chủ động phòng, chống bệnh chân tay miệng

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát. Người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ. 

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà,… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cha mẹ có con bị tay chân miệng, nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác. 

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ có diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tin cùng chuyên mục

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

7:33 | 11/05/2024

Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết nắng nóng là viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang. Phòng ngừa bệnh hô hấp bằng cách uống đủ nước, tiêm phòng vaccine

9 thói quen tốt đánh bại chứng mất ngủ

9 thói quen tốt đánh bại chứng mất ngủ

7:32 | 09/05/2024

Mất ngủ là rối loạn được đặc trưng bởi việc khó đi vào giấc ngủ. Mất ngủ không chỉ làm suy giảm năng lượng và cảm xúc, mà còn gây tổn hại cả sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

7:27 | 07/05/2024

Sỏi túi mật là một trong những bệnh thường gặp nhất của bệnh lý đường tiêu hóa. Bệnh gần như không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đa phần được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác - chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.