Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về đề xuất học 2 buổi/ngày
Chiều 6/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã trao đổi thông tin về đề xuất

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc học 2 buổi/ngày không phải là hoạt động mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiệnthì đều tổ chức học 2 buổi/ngày.Việt Nam cũng có những điều kiện như vậy, riêng đối lứa tuổi Tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày từ rất lâu. Đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định rõ việc dạy học 2 buổi/ngày bắt buộc ở cấp Tiểu học; cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông chương trình được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày. Từ thực tế cho thấy dạy 2 buổi/ngày với học sinh Tiểu học thuận lợi hơn rất nhiều. Các cháu nhỏ học bán trú và được tổ chức chương trình học rất phù hợp.Thứ trưởng cho biết thêm, từ năm 2010, Bộ đã có hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày với Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích. "Muốn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tốt, ít nhất phải có 3 điều kiện: Cơ sở vật chất, đủ giáo viên và chương trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi" – Thứ trưởng cho biết.Thực tế, nhiều trường trung học hiện nay vẫn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh, thiếu sân chơi. Giáo viên quá tải, lớp học phải xoay vòng theo ca. Trong khi đó, buổi học thứ 2 ở nhiều nơi chỉ là hình thức phụ đạo, hoặc nhắc lại kiến thức buổi sáng, khiến học sinh mệt mỏi, phụ huynh lo lắng, giáo viên áp lực.Tinh thần cốt lõi của chương trình giáo dục mới là phát triển học sinh toàn diện, từ kiến thức, kỹ năng, đến thể chất và giá trị sống. "Buổi học thứ 2 không chỉ để học thêm kiến thức. Đó phải là khoảng thời gian để các em rèn luyện thể chất, phát triển kỹ năng, tiếp cận công nghệ, học ngoại ngữ…", Thứ trưởng chia sẻ.Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là nâng cao chất lượng học tập, đảm bảo giảm áp lực cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Bộ cũng mong muốn học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện về thể chất, tâm hồn, được phát triển kỹ năng về công dân số, ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo chứ không đơn giản là chỉ học kiến thức phổ thông.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kế hoạch triển khai học 2 buổi/ngày phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Bởi vì khi lên Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, học sinh đã có những nhu cầu riêng, định hướng nghề nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành.