Bộ trưởng Bộ Y tế: Cần chung tay thực hiện hiến máu tình nguyện để bảo đảm máu cho điều trị và cấp cứu
Trong vận động hiến máu tình nguyện, cần đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng, phù hợp với xu thế số hóa và tiếp nhận thông tin mới của người dân. Ngoài các chiến dịch truyền thống, cần xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến các điểm hiến máu, giờ tiếp nhận, thông báo khẩn thiếu máu… để người dân dễ dàng tiếp cận, tham gia.
Tham gia cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận độnghiến máu tình nguyện; đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo.

6 tháng đầu năm, toàn quốc vận động và tiếp nhận gần 894.000 đơn vị máu
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận gần 894.000 đơn vị máu. Có 23/65 tỉnh, thành phố và đơn vị đạt trên 50% kế hoạch năm. Các cấp đã tổ chức 3.510 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với hơn 450.000 sản phẩm truyền thông và 1.080.729 lượt người được tuyên truyền.Đáng chú ý, các hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2025 đã được tổ chức thành công nhân dịp "Ngày Quốc tế Người hiến máu – 14/6", diễn ra từ ngày 3 đến 5/6 tại Hà Nội và Phú Thọ, với thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới: "Hiến giọt máu đào, trao niềm hy vọng – Chung tay cứu người!". Đoàn đại biểu đã vinh dự được Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp đón, gặp mặt và động viên tại Phủ Chủ tịch nước.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm Ban Chỉ đạo cho biết sẽ sớm Kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên, đảm bảo chất lượng, hoạt động hiệu quả đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đảm bảo nguồn cung cấp máu phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại tất cả các cơ sở y tế trong toàn quốc; tuyệt đối không được gián đoạn do việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại các địa phương.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; đa dạng hóa các loại hình truyền thông gắn với vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện, lồng ghép tuyên truyền đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người.

"Những hoạt động này không chỉ góp phần đảm bảo nguồn máu an toàn cho cấp cứu và điều trị mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân ái trong cộng đồng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

'Cần chung tay thực hiện để bảo đảm máu cho điều trị và cấp cứu người bệnh'
Bộ trưởng Đào Hồng Lanđề nghị Ban Chỉ đạo các cấp cần khẩn trương: Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện từ Trung ương tới cấp xã, bảo đảm nhân sự đủ năng lực, rõ ràng vai trò và trách nhiệm. Các địa phương đã thay đổi địa giới hành chính cần rà soát, bổ sung nhân sự và thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ và chính quyền địa phương.Về phương thức triển khai thực hiện cần rà soát lại các đầu mối vận động hiến máu (đầu mối các đơn vị tổ chức các sự kiện vận động hiến máu tình nguyện) có thay đổi không; Tiếp đó là việc triển khai các quy trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, điều tiết thay đổi thế nào cho phù hợp với thực tiễn thay đổi về địa giới hành chính... làm sao để tránh được độ trễ quá lâu.






Đảm bảo điều kiện vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác hiến máu, tránh tình trạng ách tắc trong đấu thầu, cung ứng túi máu, thiết bị bảo quản… Các địa phương cần chủ động kế hoạch, không bị động về thời gian và quy trình mua sắm.

"Hiến máu nhân đạo không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế hay Hội Chữ thập đỏ, mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò, cùng chung tay thực hiện để bảo đảm máu cho điều trị và cấp cứu người bệnh – đây chính là bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách thiết thực nhất.Với tinh thần trách nhiệm cao, tôi đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục bám sát kế hoạch, khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu năm 2025 về vận động hiến máu tình nguyện"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
