Các dạng viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ cha mẹ cần nhận biết

7:58 | 06/08/2022

Do da trẻ nhỏ còn quá mỏng manh, chưa kịp thích nghi với các tác nhân gây dị ứng nên dễ bị viêm da dị ứng. Khi trẻ bị viêm da dị ứng, cha mẹ cần nhận biết để có hướng xử lý thích hợp.

ThS.BS Phan Ngọc Hải (Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) cho biết, khi thấy trẻ ngứa ngáy, đau rát da, mất ngủ, da bị nhiễm trùng xuất hiện vệt đỏ, mủ hay vảy vàng, trẻ không thể tự chăm sóc bản thân hoặc nổi ban ảnh hưởng đến khả năng nhìn thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị vì rất có thể trẻ đang bị viêm da dị ứng.

Viêm da dị ứng là tình trạng rất nhiều trẻ nhỏ gặp phải do da bé còn quá mỏng manh, chưa kịp thích nghi với các tác nhân gây dị ứng. Khi bị viêm da dị ứng cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu để có biện pháp xử lý kịp thời.

1. Viêm da dị ứng ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm da dị ứng còn được gọi là bệnh chàm. Đây là bệnh viêm da mãn tính với biểu hiện đặc trưng là da bị khô, nổi sần, ngứa và tróc vảy… Mảng da khô do bị dị ứng da thường xuất hiện ở vùng đầu, trán và mặt. Các triệu chứng của bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần khi tiếp xúc phải tác nhân gây dị ứng.

Thống kê cho thấy, có khoảng 1/3 trẻ nhỏ mắc viêm da dị ứng. Tuy nhiên, đây là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau khi trưởng thành (khoảng 70% trường hợp mắc bệnh).

Tuy nhiên, dù lành tính nhưng da của trẻ rất mỏng manh, hệ miễn dịch lại non yếu nên nếu không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng, nguy hại sức khỏe cho bé. Do đó, cha mẹ không được chủ quan khi bé bị viêm da dị ứng dù nhẹ hay nặng.

Viêm da dị ứng ở trẻ em có triệu chứng nổi mẩn, ngứa nhiều vào buổi tối.

Viêm da dị ứng ở trẻ em có triệu chứng nổi mẩn, ngứa nhiều vào buổi tối.

2. Triệu chứng khi bé bị viêm da dị ứng

Tùy vào các loại dị ứng khác nhau, trẻ sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Thông thường bé sẽ có những dấu hiệu phổ biến sau:

- Nổi mẩn, ngứa nhiều vào buổi tối.

- Da dày, khô và dễ tróc vảy.

- Da sần sùi, nhạy cảm hơn, sưng lên khi gãi.

- Các mảng da ở vùng mí mắt, cổ, ngực, cổ tay… có màu đỏ hoặc xám nâu.

Với trẻ sơ sinh, triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khi bé được 2 – 3 tháng tuổi. Trẻ cảm thấy ngứa và có thể chà xát vào giường, thảm hay những đồ vật xung quanh.

Nếu bệnh khởi phát khi trẻ được 2 tuổi thì sẽ có dấu hiệu là trẻ thường xuyên bị phát ban trên các vùng da có nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối… Những vùng da này bỗng trở nên dày hơn do bị cào gãi nhiều.

Ngoài ra, dấu hiệu bệnh ở mỗi trẻ cũng khác nhau, tùy vào nguyên nhân gây dị ứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

- Thể bệnh cấp tính: Một số vùng da của bé xuất hiện mụn nước, mọc thành từng mảng. Những nốt mụn này gây phù nề, chảy nước kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

- Giai đoạn bán cấp tính: Những vùng da mọc mụn bị tổn thương nặng hơn. Bề mặt da thường khô và dễ bong tróc. Lâu dần, cảm giác ngứa ngáy cũng thuyên giảm.

- Thể bệnh mãn tính: Thượng bì da của trẻ khô và sần sùi hơn, bề mặt da dễ bong vảy và xuất hiện lichen hóa.

3. Các dạng viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ

3.1. Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay còn được gọi là bệnh chàm thể tạng (Eczema − chàm) với các biểu hiện như xuất hiện mẩn đỏ, ngứa ngáy vùng da nổi mẩn, nhất là ở những vùng da hay co duỗi như sau đầu gối, phía trước cổ, bên trong khuỷu tay…

Các triệu chứng rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ, khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu.

Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, trên người trẻ thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Do ngứa nhiều trẻ phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.

Bệnh viêm da cơ địa được chia thành 2 cấp độ là viêm da cơ địa cấp tính và viêm da cơ địa mãn tính:

- Viêm da cơ địa cấp tính: Xuất hiện những đốm ban đỏ hình tròn, bong trợt da, trên bề mặt da có mụn nước, phù nề và ở giai đoạn này trẻ thường rất ngứa.

- Viêm da cơ địa mãn tính: Là những sần đỏ, dẫn đến bong vảy, gây rối loạn sắc tố da, kèm theo hiện tượng chảy nước vàng cực kỳ khó chịu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em:

- Tiền sử trong gia đình có thành viên bị bệnh chàm da, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen, nổi mày đay thì khả năng cao trẻ sinh ra cũng sẽ mắc phải những căn bệnh này.

- Trẻ có cơ địa dị ứng khi gặp phải các tác nhân gây bệnh từ bên trong cơ thể hoặc các yếu tố bên ngoài làm bệnh tiến triển nặng hơn thành viêm da thể cấp tính, mạn tính.

- Yếu tố thường gặp là do sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh.

Thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ bị viêm da cơ địa.

Thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ bị viêm da cơ địa.

3.2. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là căn bệnh phổ biến về da, là tình trạng da bị dị ứng khi tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Khi bị viêm da tiếp xúc, trẻ sẽ cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu, bệnh còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ của da.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da tiếp xúc ở trẻ:

- Viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện sau khi da tiếp xúc với một sản phẩm mới nào đó, hoặc sau khi sử dụng một sản phẩm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

- Viêm da tiếp xúc cũng có thể do đeo trang sức, sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, tinh dầu… trong đó thành phần hóa học có chất gây dị ứng.

- Viêm da tiếp xúc có thể cũng do sử dụng một số thuốc gây nên, ví dụ như thuốc bôi chứa kháng sinh, benzocaine và thimerosal.

- Viêm da tiếp xúc thường gặp nhất được phát hiện đó là độc tố của cây thường xuân, cây sồi và cây sơn, do có chứa một loại dầu tên là urushiol.

3.3. Nổi mề đay

Mề đay là một dạng dị ứng da do các nguyên nhân: hóa chất, vi sinh vật và nhiệt độ môi trường… thay đổi gây ra. Các nốt phát ban có thể sưng tấy đỏ tạo thành mảng hoặc riêng lẻ gây ngứa, trông như những nốt mụn nhỏ li ti, đốm màu và xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể.

Trẻ bị nổi mề đay là tình trạng mao mạch trên da của bé bị tổn thương bởi những tác nhân gây kích ứng khiến trung bì bị phù cấp hoặc mãn tính. Căn cứ vào thời gian và mức độ bệnh mề đay, chứng mề đay ở trẻ nhỏ được chia làm 2 cấp độ:

- Nổi mề đay cấp tính: Mề đay mẩn ngứa xuất hiện trong ngày dưới kéo dài dưới 6 tuần. Ở giai đoạn này, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi các biểu hiện bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

- Trẻ bị mề đay mãn tính: Ở giai đoạn này, tình trạng mề đay ở trẻ kéo dài hơn 6 tuần, các triệu chứng dai dẳng khiến bé khó chịu.

Trẻ bị nổi mề đay có thể không nguy hiểm nhưng khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào lúc ngủ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay ở trẻ:

- Do nhiễm khuẩn vì sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên dễ nhiễm virus, vi khuẩn.

- Các vật thể lạ xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp gây bệnh.

- Do dị ứng với thức ăn, hải sản.

- Do dị ứng thuốc.

- Do tiếp xúc với các chất gây dị ứng: phấn hoa, vết trích côn trùng, lông động vật, các chất hóa học, thay đổi thời tiết.

3.4. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã (còn được gọi là 'viêm da tiết bã nhờn') là một tình trạng da phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh, xuất hiện trước 3 tháng tuổi và thường tự khỏi sau 6-12 tháng. Viêm da tiết bã thường gây đỏ và phát ban vảy nhờn, loang lổ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Loại viêm da này có biểu hiện là những mảng vảy cứng, nổi đỏ, thường gặp ở các vùng da dầu trên cơ thể như vùng lưng, ngực.

Hiện các chuyên gia về da liễu ở trẻ em vẫn chưa tìm được ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý viêm da tiết bã không phải là do vệ sinh kém hoặc dị ứng hay kích ứng da. Giới khoa học cho rằng, các hormone mà trẻ nhận được từ mẹ vào cuối thai kỳ sẽ kích thích quá mức các tuyến sản xuất dầu (tiết bã nhờn) của trẻ dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã. Kích ứng từ một loại nấm men xuất hiện trong các chất nhờn được sản xuất bởi các tuyến cũng được cho là một trong những thủ phạm gây ra viêm da tiết bã. Tuy nhiên hai nguyên nhân này không có sự liên quan gì với nhau.

3.5. Phù mạch

Phù mạch (hay mề đay phù mạch, phù mạch mề đay), là phản ứng sưng nề của da và niêm mạc trong thời gian ngắn. Đây là bệnh có biểu hiện tương tự mề đay. Tuy nhiên, mề đay biểu hiện chủ yếu là phát ban, nổi sần ở vùng thượng bì và trung bì, còn phù mạch thường gây các khối sưng, đỏ ở vùng hạ bì, đi kèm đau và căng.

Trong khi mề đay chỉ ảnh hưởng trên bề mặt da thì phù mạch có thể ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trên cơ thể, hay gặp nhất là ở môi và mắt. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây phù đường hô hấp và tiêu hóa, dễ dẫn đến tử vong.

Trẻ bị phù mạch hay gặp ở môi và mắt.

Trẻ bị phù mạch hay gặp ở môi và mắt.

Nguyên nhân gây phù mạch phụ thuộc vào từng loại phù mạch khác nhau. Cụ thể là:

- Phù mạch dị ứng cấp tính: Thường xảy ra cùng với mề đay sau khoảng 1 - 2 giờ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là dị ứng thức ăn (hải sản, trứng, sữa, đậu phộng,...), phấn hoa, thuốc (Penicillin, vaccine, thuốc chống viêm không steroid,...), côn trùng đốt, dị ứng chất cản quang, hạt latex…

- Phù mạch do thuốc: Là phản ứng do thuốc không theo cơ chế dị ứng, có thể khởi phát nhiều ngày sau lần dùng thuốc đầu tiên. Nguyên nhân gây phù mạch do thuốc là do bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển hay một loạt hiệu ứng của các sản phẩm kinin, chất chuyển hóa của axit arachidonic và nitricoxide.

- Phù mạch tự phát: Thường là dạng mạn tính, tái phát và xảy ra cùng với mề đay. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 30 - 50% các trường hợp mề đay phù mạch tự phát là do các rối loạn tự miễn, bao gồm lupus ban đỏ hệ thống.

- Phù mạch có tính chất di truyền: Là một bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, khá hiếm gặp. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là bất thường về gen gây thiếu hụt các protein bình thường trong máu.

- Thiếu hụt chất ức chế C1 mắc phải: Do u lympho hoặc cơ thể có kháng thể chống lại chất ức chế C1.

4. Điều trị cho trẻ khi bị viêm da dị ứng

- Dùng kem dưỡng ẩm hoặc, thuốc làm ẩm dành riêng cho trẻ nhỏ.

- Ngăn chặn tình trạng ngứa và kích ứng da trẻ bằng cách đưa trẻ đi khám sớm.

- Tắm cho trẻ hàng ngày, giữ da luôn khô ráo, không mặc quần áo quá chật.

5. Viêm da dị ứng có điều trị được không?

Điều trị bệnh viêm da dị ứng là sự phối hợp giữa việc dùng thuốc, chăm sóc da và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị bệnh viêm da dị ứng một cách triệt để nhưng có thể điều trị để làm giảm các triệu chứng như:

-Ngăn cho bệnh diễn tiến xấu đi hoặc bùng phát bệnh.

- Giảm đau, giảm ngứa.

- Giảm cảm giác khó chịu hay yếu tố nguy cơ gây ra.

- Ngăn nhiễm trùng.

- Giúp da không bị dày lên.

Giữ vệ sinh da của trẻ sạch sẽ để phòng tránh bệnh viêm da dị ứng.

Giữ vệ sinh da của trẻ sạch sẽ để phòng tránh bệnh viêm da dị ứng.

6. Cách phòng ngừa viêm da dị ứng cho trẻ

- Giữ cơ thể và da trẻ khô ráo, thoáng mát, tránh để tình trạng ẩm ướt.

- Tạo cho trẻ luôn ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh căng thẳng, quấy khóc, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da.

- Quần áo, đồ dùng của trẻ phải luôn được sạch sẽ, chất liệu mềm mịn, thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.

- Giữ vệ sinh da của trẻ sạch sẽ, sử dụng các loại nguyên liệu tự nhiên lành tính hoặc một số loại sữa tắm dành riêng cho trẻ nhỏ với các thành phần phù hợp.

- Cho trẻ uống đủ nước tránh cơ thể thiếu nước gây khô da.

- Cho trẻ ăn các loại thức ăn phù hợp, tránh các loại thức ăn gây dị ứng như hải sản, đồ lên men, đồ hộp....

Tránh sử dụng và lạm dụng các loại thuốc bôi da nếu không thực sự cần thiết.

Tránh cho trẻ ở gần và tiếp xúc với động vật hay các đồ vật không đảm bảo vệ sinh, đồ vật dễ gây dị ứng (thú nhồi bông, chổi lông, áo lông, áo len, đồ bằng len dạ...).

Khi thấy trẻ mất ngủ, đau vùng da bệnh, da bị nhiễm trùng xuất hiện vệt đỏ, mủ hay vảy vàng, ảnh hưởng đến hoạt động sức khỏe thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Tin cùng chuyên mục

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

8:22 | 13/04/2024

Tăng huyết áp đột ngột gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Việc nhận biết và có cách xử trí tăng huyết áp đột ngột giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

8:22 | 11/04/2024

Chưa từng ghi nhận bệnh lý tim mạch, nhưng theo thông tin khai thác trong gia đình bệnh nhân 39 tuổi đã có 4 thành viên đột tử không rõ nguyên nhân.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.