Cách bảo quản thuốc tiểu đường, huyết áp trong mùa hè

DS. Thu Hoàng 18/04/2025 09:00

Vào mùa hè khi nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến chất lượng, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc điều trị bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp… Bảo quản đúng cách các loại thuốc này là rất quan trọng để duy trì hiệu quả điều trị.

1. Tại sao việc bảo quản thuốc lại quan trọng hơn vào mùa hè?

Hầu hết các loại thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15°C - 25°C, điều này có thể khó hơn trong mùa hè, khi nhiệt độ phòng cao hơn mức này rất nhiều.

Theo thông tin đăng trên trang TOI, nhiều loại thuốc mà bệnh nhân tiểu đường và tim mạch sử dụng có thể mất hiệu quả khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. Nhiệt độ cao có thể làm thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc như insulin hoặc thuốc hạ cholesterol... làm giảm hiệu quả của chúng, có thể dẫn đến lượng đường tăng đột biến, mệt mỏi hoặc lú lẫn…

Bác sĩ tư vấn cách bảo quản thuốc tiểu đường và thuốc huyết áp đúng cách trong mùa hè cao điểm

Nhiệt độ cao có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.

2. Ai có nguy cơ do nhiệt cao nhất?

Những người bị tiểu đường hoặc huyết áp cao nhạy cảm hơn với sự thay đổi nhiệt độ. Thuốc men, tình trạng mất nước và các triệu chứng của họ đều phản ứng nhanh với tình trạng căng thẳng do nhiệt.

Bạn đặc biệt có nguy cơ nếu:

  • Sử dụng insulin hoặc thuốc tiêm
  • Dùng thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu hoặc statin
  • Sống ở vùng nóng và ẩm
  • Mang theo thuốc trong túi hoặc xe hơi khi đi du lịch
  • Thiếu điều hòa hoặc tủ lạnh…

3. Cách bảo quản thuốc đối với người bệnh tiểu đường

Đối với những người đang kiểm soát bệnh tiểu đường, đặc biệt là người dùng insulin cần lưu ý:

- Đối với insulin nên được bảo quản trong tủ lạnh (tốt nhất là từ 2°C - 8°C), nhưng không bao giờ được đông lạnh, vì quá trình đông lạnh có thể phá vỡ cấu trúc protein, khiến thuốc trở nên vô tác dụng. Nếu insulin bị đông lại và tan băng, hãy vứt bỏ ngay lập tức, ngay cả khi thuốc trông bình thường.

Khi bạn đang di chuyển, hãy sử dụng ví đựng insulin du lịch, túi làm mát dạng gel. Hãy nhớ, không đặt insulin trực tiếp lên túi đá, bọc bằng vải để tránh hư hỏng do đông lạnh.

Nếu bạn đang sử dụng tủ lạnh, hãy bảo quản thuốc ở phần giữa của tủ lạnh (không phải ngăn đá hoặc cửa tủ lạnh -nơi có sự thay đổi nhiệt độ). Giữ insulin trong hộp ban đầu để cách nhiệt thêm. Không bảo quản insulin gần lỗ thông hơi làm mát hoặc thực phẩm có thể bị hỏng và thải ra khí.

Vứt bỏ insulin nếu trông thuốc có vẻ đục hoặc đổi màu (trừ loại insulin đục như NPH, vốn có màu đục tự nhiên), lọ thuốc bị rò rỉ hoặc nứt, thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc không được bảo quản lạnh trong hơn 28 ngày...

Không bao giờ để insulin trong ô tô đang đỗ, trên bệ cửa sổ, gần bếp và trong túi xách dưới ánh nắng trực tiếp. Insulin tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể trông bình thường nhưng có thể không còn tác dụng.
TỔNG HỢP CÁCH BẢO QUẢN INSULIN

Insulin nên được bảo quản trong tủ lạnh, tốt nhất là từ 2°C - 8°C.

- Thuốc viên uống trị tiểu đường như metformin, glimepiride, thuốc ức chế DPP-4 và các loại khác cũng cần được bảo quản an toàn. Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời; không bảo quản trong phòng tắm vì độ ẩm sẽ làm hỏng thuốc. Bảo quản thuốc trong vỉ thuốc ban đầu để tránh bị nhiễm bẩn. Tránh bẻ đôi viên thuốc trừ khi được bác sĩ khuyên vì việc này làm tăng độ nhạy cảm với nhiệt độ/độ ẩm.

Mất nước, quá nóng hoặc tiêm insulin không đúng cách có thể dẫn đến hạ đường huyết đột ngột (lượng đường trong máu thấp). Các dấu hiệu bao gồm chóng mặt, lú lẫn và đổ mồ hôi hoặc tăng đường huyết bất ngờ (lượng đường trong máu cao), đặc biệt là nếu insulin không hiệu quả do tiếp xúc với nhiệt. Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên hơn vào mùa hè, đặc biệt nếu bạn cảm thấy mất cân bằng, chóng mặt hoặc mệt mỏi.

4. Bảo quản thuốc đối với bệnh nhân tăng cholesterol hoặc huyết áp cao

Thuốc hạ cholesterol và huyết áp (statin, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu) cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Không bao giờ cất thuốc trong tủ bếp phía trên lò nướng, kệ phòng tắm gần vòi sen, ngăn đựng trong ô tô... Những khu vực này thường vượt quá nhiệt độ bảo quản an toàn.

Bảo quản thuốc trong hộp kín, mờ đục, ngăn kéo mát hoặc tủ có luồng không khí tốt; tránh xa ánh sáng, độ ẩm hoặc hơi ẩm. Nếu lọ thuốc bị ẩm hoặc thuốc dính vào nhau, hãy vứt bỏ.

Sử dụng nhiệt kế trong khu vực bảo quản thuốc để đảm bảo nhiệt độ luôn dưới 25°C. Không cất tất cả thuốc trong tủ lạnh, trừ khi được khuyến cáo cụ thể. Luôn có một hộp đựng thuốc, nhưng hãy đổ đầy thuốc mới mỗi tuần. Dán nhãn hộp đựng để phân loại các loại thuốc nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu không chắc chắn, hãy đọc nhãn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ.

5. Dấu hiệu thuốc có thể bị hỏng

Người bệnh nên vứt bỏ hoặc thay thế thuốc nếu:

- Màu sắc, hình dạng hoặc mùi thay đổi

- Viên thuốc trở nên mềm, dính hay vỡ vụn

- Chất lỏng tách ra, đặc lại hoặc trở nên đục

- Bạn nhận thấy những thay đổi bất ngờ về sức khỏe sau khi sử dụng chúng…

Kiểm soát các tình trạng bệnh mạn tính không phải là điều dễ dàng. Thêm vào đó là cái nóng của mùa hè và người bệnh dễ bỏ qua những điều nhỏ nhặt như bảo quản thuốc. Với một vài biện pháp phòng ngừa người bệnh có thể giữ cho thuốc của mình an toàn và hiệu quả bất kể nhiệt độ tăng cao trong mùa hè.

Mời độc giả xem thêm:



Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cach-bao-quan-thuoc-tieu-duong-huyet-ap-trong-mua-he-169250417214558344.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/cach-bao-quan-thuoc-tieu-duong-huyet-ap-trong-mua-he-169250417214558344.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cách bảo quản thuốc tiểu đường, huyết áp trong mùa hè
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO