Cẩn trọng du học nghề
Khác với xuất khẩu lao động, du học nghề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm vì vừa được đào tạo nghề, vừa đi làm chính nghề đó ở nước ngoài để có thu nhập. Tuy nhiên hình thức du học này cũng ấn chứa những rủi ro, đòi hỏi người học phải cân nhắc.
Nhiều chương trình để lựa chọn
Mới đây, chương trình "Chuyến xe hướng nghiệp Đức" diễn ra tại Nghệ An, thu hút hàng trăm học sinh và phụ huynh đến tìm hiểu cơ hội học nghề tại Đức cũng như các ngành nghề tiêu chuẩn Đức ngay tại Việt Nam.Sự kiện tạo không gian kết nối thiết thực, giúp các bạn trẻ gặp gỡ chuyên gia, cựu du học sinh và đại diện doanh nghiệp tiếp nhận học viên. Tại đây, người tham dự được tư vấn cụ thể về hồ sơ, chi phí, cơ hội việc làm và định cư sau tốt nghiệp.

Còn chị Nguyễn Mai Hương, trú tại Phường Vinh Phú (TP Vinh cũ) bày tỏ, ban đầu gia đình định hướng cho con học đại học trong nước. "Sau khi nghe tư vấn, tôi thấy lựa chọn du học nghề phù hợp hơn, vừa giúp con sớm trưởng thành, vừa có thu nhập ổn định và cơ hội việc làm lâu dài. Gia đình đang tìm hiều thêm để chuẩn bị tốt nhất cho con", chị Hương chia sẻ.
Nước Đức đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều thanh niên Nghệ An nhờ chính sách miễn học phí, được trả lương trong thời gian học và cơ hội định cư rõ ràng. Các ngành nghề thu hút đông đảo học viên gồm điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, xây dựng và nông nghiệp.

Bên cạnh Đức, Nhật Bản cũng là điểm đến phổ biến với các ngành du lịch, nhà hàng - khách sạn, điện tử và điều dưỡng. Mô hình kết hợp học tiếng, học nghề và làm thêm tối đa 28 giờ/tuần với mức lương khoảng 750 yên/giờ giúp học viên tự chủ phần lớn chi phí học tập, sinh hoạt và rèn luyện tính tự lập. Tuy nhiên, chi phí tại Nhật khá cao, trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt và từ 7 - 11 triệu đồng/tháng cho học phí, khiến khả năng tiết kiệm không nhiều. Dẫu vậy, nhiều gia đình vẫn xem đây là lựa chọn đầu tư cho tương lai con cái.

Những rào cản cần lưu ý khi lựa chọn du học nghề
Tuy nhiên, vấn đề du học nghề bên cạnh nhiều cơ hội hấp dẫn, người học cần thận trọng tìm hiểu kỹ để tránh bị thiệt thòi. Theo một cán bộ Sở Nội vụ Nghệ An, ranh giới giữa việc học và làm trong một số chương trình du học nghề chưa rạch ròi. Có nơi gọi là du học nghề, có nơi lại gọi là xuất khẩu lao động.Ngoài ra, chi phí du học nghề ban đầu khá cao, bao gồm học phí học ngoại ngữ, dịch vụ làm hồ sơ, vé máy bay, bảo hiểm, cùng sinh hoạt phí trong thời gian đầu. Tổng chi phí dao động từ 250 - 400 triệu đồng, tùy vào quốc gia và trung tâm tư vấn du học nghề mà học viên lựa chọn.

Khả năng thích nghi với môi trường sống và làm việc nghiêm khắc cũng là một thử thách không nhỏ. Nhiều học viên rơi vào tình trạng sốc văn hóa, khó hòa nhập vì sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, thời tiết. Việc giới hạn giờ làm thêm khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn trong việc cân bằng tài chính.Thực tế, một số trường hợp du học sinh Nghệ An đi Nhật, Hàn rồi bỏ học hoặc làm việc bất hợp pháp do không đủ khả năng chi trả chi phí sinh hoạt, hoặc bị từ chối gia hạn visa vì vi phạm quy định làm thêm. Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai chưa chuẩn bị kỹ về tài chính, ngoại ngữ, cũng như tâm lý trước khi đi du học nghề.Để giảm thiểu rủi ro khi du học nghề, người học và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ lộ trình học tập qua các kênh thông tin chính thống, đồng thời lựa chọn các trung tâm tư vấn du học uy tín, có cam kết minh bạch về chi phí, hỗ trợ rõ ràng trong suốt quá trình học tập và làm việc tại nước ngoài.Bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, du học nghề là con đường thiết thực, giúp các em nhanh chóng hòa nhập môi trường quốc tế, mở ra cơ hội việc làm và định cư tại các nước phát triển. "Để thành công, các bạn trẻ phải trang bị vững ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, sức khỏe và tinh thần vững vàng để vượt qua thử thách, biến giấc mơ học tập, lập nghiệp ở nước ngoài thành hiện thực. Từ đó, các em có thể trở về góp sức xây dựng quê hương hoặc xây dựng sự nghiệp vững chắc cho mình", bà Loan nói.