Cẩn trọng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng do đắp lá chữa bỏng

16:35 | 20/09/2022

Bỏng là một loại tổn thương rất phổ biến, bỏng có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn với biểu hiện lâm sàng đa dạng, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

Thông tin từ VTV News cho biết, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã cứu chữa thành công cho bệnh nhi 5 tuổi bị nhiễm trùng nặng do điều trị bỏng bằng thuốc lá.

Theo đó, bệnh viện này đã tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhi H.T.B (5 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, ngày thứ 8 biến chứng xuất huyết tiêu hoá. Sau khi bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh và đắp lá thuốc lên vết thương. Khi đến viện, toàn bộ tổn thương bỏng đều đắp thuốc lá và có mủ, mùi hôi.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị bỏng nhiễm trùng - nhiễm độc do xử lý sai cách. Bệnh nhi được truyền dịch, đạm, truyền máu, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, điều trị xuất huyết tiêu hoá, nâng cao thể trạng, thay băng bỏng - đắp gạc tiên tiến hàng ngày, tắm điều trị bỏng 2 lần.

Sau gần 2 tuần nằm viện, bệnh nhi đã tỉnh, ăn uống được, không nôn ra máu. Da, niêm mạc hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi không rales, bụng mềm. Tổn thương bỏng toàn thân khỏi hoàn toàn, được xuất viện ngày 19/9.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, Khoa đã tiếp nhận điều trị gần 100 trường hợp bệnh nhi bị bỏng. Đa phần các bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học. Các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị bỏng, người dân không nên bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng đã bị tổn thương nghiêm trọng vì dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 1. Bỏng da là gì?

Bỏng da là tổn thương trên da và các tổ chức dưới da do tiếp xúc với nhiệt độ, hóa chất, bức xạ và điện. Bỏng được phân loại theo mức độ nông sâu và diện tích vết bỏng trên tổng diện tích bề mặt cơ thể (TBSA). Tỷ lệ bỏng ở trẻ nhỏ thường cao hơn do tính hiếu động và sự bất cẩn của người lớn.

2. Tác động của bỏng da đối với sức khỏe 

Bỏng thường gây đau, nhiễm trùng, choáng (sốc). Nếu bỏng nặng, gây ra các vấn đề về da như: ung thư, sẹo dính, co rúm da. Bỏng không những gây đau đớn mà việc chữa trị cũng phức tạp, lâu dài và rất tốn kém, để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co rút cơ, tàn tật, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người bệnh và thậm chí là tử vong.

3. Cơ chế bệnh sinh của nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng

3.1 Hấp thu độc chất

Cơ thể hấp thu vào máu và bạch mạch các sản phẩm của sự thoái biến và tan rã của các mô hoại tử bỏng như: Histamin, chất LPC, proteinase của da, men tiêu hủy protein giải phóng từ nguyên sinh chất và ty lạp thể của tế bào bị hủy (catepsin, phosphatase....) mủ, dịch viêm, nội độc tố vi khuẩn. Các yếu tố này thường gây nhiễm độc bỏng.

3.2 Tổn thương tại chỗ

Vết bỏng nhất là vết bỏng sâu là môi trường phát triển thuận lợi của vi khuẩn. Những vết bỏng này kém nuôi dưỡng sau bỏng đã ngăn cản kháng sinh và yếu tố miễn dịch của cơ thể tới vùng bỏng, tạo thêm điều kiện cho vi khuẩn phát triển tại chỗ, gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và có thể tử vong.

3.3 Suy giảm miễn dịch

Những tổn thương bỏng sâu, rộng là nơi sản sinh nhiều chất gây ức chế miễn dịch của cơ thể như: LPC, các peptid, prostaglandin gây ức chế miễn dịch. Nội độc tố của vi khuẩn, các sản phẩm chuyển hóa của acid arachidonic đều gây ức chế miễn dịch. Suy giảm miễn dịch xuất hiện sớm và tồn tại cùng với quá trình điều trị, có thể giảm đi nhưng cũng có thể tăng nặng thêm gây tình trình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm.

Khi bị bỏng cần làm dịu vết thương dưới vòi nước lạnh. Ảnh: TL

Khi bị bỏng cần làm dịu vết thương dưới vòi nước lạnh. Ảnh: TL

4. Biểu hiện lâm sàng nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng

Diễn tiến của nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích, độ sâu của bỏng, sức khỏe của bệnh nhân, những bệnh đồng mắc... gây nên biểu hiện lâm sàng đa dạng.

4.1 Biểu hiện toàn thân

Sốt: Nhiệt độ có thể dao động từ 38 - 40 độ C, không có chu kỳ.

Rối loạn tâm thần kinh: Biểu hiện lâm sàng với tình trạng ảo giác, cuồng sảng, hoang tưởng hoặc li bì, suy nhược thần kinh. Bệnh nhân thường hay mất ngủ, nhức đầu khi sốt cao. Thời gian của các rối loạn này thường 2-3 ngày, đôi khi 3-4 tuần.

Phù nề, xung huyết và sự biến đổi trong lượng của cơ thể.

4.2 Biểu hiện cơ quan tuần hoàn

Tụt huyết áp, trụy mạch, da niêm nhạt, thiểu niệu.... tùy trường hợp.

4.3 Biểu hiện cơ quan hô hấp

Biến chứng trên cơ quan hô hấp có thể gặp: Viêm phổi, mủ màng phổi, áp xe phổi, phù phổi cấp, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Khi nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gram (-), chưa sốc, thường có biểu hiện tăng thông khí và kiềm hô hấp.

4.4 Biểu hiện cơ quan tiêu hóa

Chán ăn, chậm tiêu, nôn, ợ hơi, trướng bụng, đau thượng vị. Trẻ em có biểu hiện bú kém, bỏ bú, đôi khi có tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, biến chứng còn có thể gặp là loét ống tiêu hóa, viêm gan cấp nhiễm độc, viêm túi mật cấp.... có khoảng 3% bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa vào tuần 2-3 sau bỏng với những mức độ khác nhau.

4.5 Biểu hiện cơ quan tiết niệu

Số lượng nước tiểu: Có thể gặp tình trạng đa niệu với lượng nước tiểu có thể đến 6 lít/ ngày ở người lớn và 2-3 lít/ ngày ở trẻ em. Tình trạng này thường gặp từ ngày 5 sau bỏng và kéo dài khoảng 1-2 tuần. Những bệnh nhân có biểu hiện này thường có tiên lượng tốt hơn những trường hợp thiểu niệu.

Thiểu niệu, vô niệu nặng, kéo dài là biểu hiện của bệnh nhân có suy thận cấp, thường gặp ở bệnh nhân bị bỏng có độ sâu lớn hay bỏng điện cao thế, nhiễm khuẩn huyết hay sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram (-). Những bệnh nhân này thường có tiên lượng xấu hơn những bệnh nhân đa niệu.

Màu sắc nước tiểu: Vàng nhạt khi có sốt, đậm màu ở bệnh nhân thiểu niệu và trong dần khi bệnh nhân đa niệu. Trong nước tiểu có thể tìm thấy albumin, hồng cầu và Hb.

Diễn tiến của nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích, độ sâu của bỏng, sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: TL

Diễn tiến của nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích, độ sâu của bỏng, sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: TL

5. Bị bỏng khi nào cần gặp bác sĩ?

Bỏng ở tay, chân, mặt, khu vực nhạy cảm, các khớp lớn hoặc diện tích bỏng lớn.

Bỏng sâu.

Bỏng do hóa chất và do điện.

Khó thở do bỏng đường hô hấp.

Nhiễm trùng các vết bỏng.

Có bọng nước lâu lành.

Bỏng xảy ra ở người nhỏ tuổi hoặc quá lớn tuổi, người có miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh mạn tính.

6. Điều trị vết bỏng nhiễm khuẩn

Theo Cẩm nang MSD (Phiên bản dành cho chuyên gia), điều trị bỏng nhiễm khuẩn được thực hiện theo các phương pháp sau:

6.1 Chăm sóc vết thương ban đầu

Sau khi giảm đau, làm sạch vết thương bằng xà bông hoặc nước. Nước rửa nên hơi ấm hoặc ở nhiệt độ phòng để tránh hạ thân nhiệt. Bọng nước không vỡ sẽ được giữ nguyên và điều trị bằng kháng sinh tác động tại chỗ. 

Đối với bỏng biểu bì chỉ cần điều trị với thuốc tác động tại chỗ. Đối với bỏng trung bì và bỏng toàn bộ da nên được điều trị bằng cách cắt bỏ và ghép da, nhưng trước mắt, điều trị tại chỗ là thích hợp.

6.2 Việc điều trị tại chỗ có thể dùng:

Thuốc kháng khuẩn như bạc sulfadiazine 1%, mafenide acetate.

Băng gạc kết hợp với bạc (băng gạc y tế có chứa nano bạc): Chỉ dùng với bỏng biểu bì – trung bì và cần được giữ ẩm, có thể không cần thay thường xuyên để giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân, khoảng 7 ngày/lần.

Da nhân tạo.

Các chi bị bỏng nên được kê cao. Cần tiêm 1 liều tăng cường huyết thanh chống uốn ván (0,5 ml tiêm bắp hoặc tiêm dưới da) cho bệnh nhân bị bỏng và chưa được tiêm chủng trong vòng 5 năm trở lại. Phẫu thuật cắt sẹo (escharotomy) ở những sẹo co thắt để mở rộng phần ngực và đảm bảo việc tưới máu đến các chi.

Khi bị bỏng cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất thường xảy ra.

Khi bị bỏng cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất thường xảy ra.

6.3 Các biện pháp hỗ trợ

Điều trị hạ thân nhiệt và giảm đau. Có thể dùng opioid ví dụ như morphine đường tĩnh mạch với liều lớn để giảm đau. Bổ sung Ca, Mg, K hoặc phosphate nếu thiếu hụt điện giải.

Bệnh nhân bỏng > 20% TBSA cần được hỗ trợ dinh dưỡng hoặc bệnh nhân suy dinh dưỡng từ trước.

6.4 Nhập viện

Sau khi điều trị ban đầu và đã ổn định, việc nhập viện cần dựa vào:

Bỏng toàn bộ da > 1% TBSA.

Bỏng biểu bì - trung bì > 5% TBSA.

Bỏng tay, mặt, bàn chân hoặc đáy chậu.

Bệnh nhân < 2 tuổi hoặc > 60 tuổi.

Nhiễm trùng.

Không dùng kháng sinh dự phòng toàn thân.

Điều trị theo kinh nghiệm trong 5 ngày đầu tiên đối với dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng, tập trung vào Staphylococci và Streptococci (dùng vancomycin cho bệnh nhân nhập viện). Nếu nhiễm trùng phát hiện sau 5 ngày, sử dụng kháng sinh phổ rộng. Việc lựa chọn kháng sinh sau đó dựa vào độ nhạy của kháng sinh và kết quả nuôi cấy.

6.5 Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật khi vết bỏng không thể lành trong 2 tuần đối với bỏng trung bì hoặc bỏng toàn bộ da. Mảng mô hoại tử (eschars) nên được cắt bỏ càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 3 ngày để ngăn nhiễm trùng huyết và tạo điều kiện có việc ghép da sớm, rút ngắn thời gian nhập viện. Nếu bỏng lan rộng và đe dọa tính mạng, cần phải cắt bỏ những vết bỏng lớn nhất sớm nhất có thể.

Sau khi cắt bỏ, tiến hành ghép da, việc ghép bằng da tự thân là lý tưởng nhất. Nếu bỏng > 40% TBSA, có thể sử dụng da nhân tạo, allografts (da sống từ người hiến xác) và da lợn để ghép tạm thời, sau đó sẽ đổi sang da tự thân.

6.6 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu nên được bắt đầu từ khi nhập viện để giảm sẹo co rút, đặc biệt đối với phần da có độ căng cao và thường xuyên di chuyển như mặt, tay. Các bài tập sẽ dễ dàng hơn khi tình trạng phù nề giảm, tập chủ động và bị động nên thực hiện 1 – 2 lần/ngày.

7. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của bỏng da:

7.1 Chế độ sinh hoạt

Tuân thủ theo sự căn dặn của bác sĩ.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất thường xảy ra.

Giữ sạch vết thương.

Nâng cao các chi bị thương và quấn băng gạc.

Thay băng hàng ngày (băng có nano bạc thay 7 ngày/lần, da nhân tạo chỉ thay khi có mủ).

Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của vết bỏng và có hướng điều trị phù hợp.

Che chắn vết thương tránh ánh nắng mặt trời.

7.2 Chế độ dinh dưỡng

Cần bổ sung thức ăn giàu đạm, vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, ngăn chặn nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành.

Tin cùng chuyên mục

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8 lợi ích sức khỏe của việc uống trà xanh mỗi ngày

8:37 | 28/03/2024

Nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh trà xanh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần, từ việc giảm lượng mỡ trong cơ thể và lượng đường trong máu đến tăng cường sức khỏe não bộ.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein

8:39 | 26/03/2024

Chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cân nặng, chữa lành vết thương và xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên ăn quá nhiều protein hơn mức cần thiết sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

6 lưu ý khi uống nước trong thời tiết lạnh tốt cho tim mạch

8:40 | 24/03/2024

Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề về tim. Dưới đây là những lời khuyên khi uống nước với người bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.