Chuyển đổi số là cốt lõi tạo ra nông nghiệp bền vững
Tô Hội•17/04/2025 09:38
Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân.
Nông nghiệp đang đứng trước thách thức chưa từng có
Sáng 17/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phiên thảo luận cấp cao "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị P4G.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (giữa) chủ trì phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị P4G.Phát biểu tại sự kiện,Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa từng có: biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đứt gãy do biến động địa chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, an ninh lương thực bị đe dọa, và khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, những nhóm dễ bị tổn thương nhất - là nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp, thiên nhiên mong manh, lại đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất."Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường nếu bỏ quên những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Và chúng ta không thể đòi hỏi những quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên môi trường bền vững, nếu thế giới không chia sẻ công bằng trách nhiệm và lợi ích", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.Trong bối cảnh đó, "Cách mạng Xanh 4.0" không đơn thuần là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu, là một mệnh lệnh hành động. Đây là cuộc cách mạng mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo.Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng.Theo đó, chủ đề "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" - nhấn mạnh vai trò sống còn của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác đa bên, hợp tác công - tư trong kiến tạo tương lai bền vững, công bằng cho nhân loại.
Nhiều thách thức với ngành nông nghiệp
Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (số liệu năm 2024).Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, và nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, nếu khí hậu tiếp tục nóng lên".Để giải quyết những thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó, chúng tôi xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030...Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025, ông Maximo Torero - Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chia sẻ đánh giá tích cực về vai trò tiên phong của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đang đi đúng hướng khi đặt con người làm trung tâm của chuyển đổi xanh, kết hợp đổi mới sáng tạo, khoa học và trí tuệ nhân tạo để kiến tạo một nền nông nghiệp công bằng và bền vững.Các nước thành viên P4G nói chung và Việt Nam nói riêng cần tận dụng sức mạnh AI, tận dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. AI có thể hỗ trợ tư vấn nông nghiệp bằng cách, ví dụ, nông dân chụp ảnh cây bị bệnh, gửi lên hệ thống, AI phân tích và trả kết quả ngay bằng ngôn ngữ địa phương. Nhưng cũng phải lưu ý: người nghèo, nông dân có thể bị bỏ lại phía sau nếu thiếu kỹ năng số, thiết bị hoặc công nghệ.Các nước có thể tận dụng sức mạnh của AI để tạo ra các sản phẩm công toàn cầu (global public goods) giúp người nghèo, nông dân được hưởng lợi. Chẳng hạn trong nông nghiệp chính xác, các trang trại lớn có thể đầu tư thiết bị hiện đại, vệ tinh, cảm biến... còn nông dân nhỏ thì không. Khi đó, chính phủ cần hỗ trợ hạ tầng số, hệ thống cảnh báo, dữ liệu thời tiết... để tạo ra sân chơi công bằng. FAO cam kết hỗ trợ thúc đẩy những giải pháp này.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.